"Duyên nợ" của McDonald's ở Nga
Sau khi McDonald's thông báo rút khỏi Crimea, một làn sóng giận dữ hướng vào McDonald's đã nổi lên ở Nga.
- 11-04-2014McDonald rút lui, Burger King nhảy vào Crimea
- 05-04-2014McDonald’s ngừng hoạt động ở Crimea
Cách đây không lâu, hãng đồ ăn nhanh được ưa chuộng trên toàn thế giới McDonald's thông báo sẽ rút khỏi Crimea - bán đảo vừa sáp nhập vào Nga. Sau khi thông báo này được đưa ra, một làn sóng giận dữ hướng vào McDonald's đã nổi lên ở Nga.
Lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự doVladimir Zhirinovsky thậm chí còn cho rằng Nga nên đóng cửa tất cả các cửa hàng của McDonald's. Ngay lập tức, có khá nhiều người Nga lên tiếng ủng hộ ông. Theo một khảo sát mới được hãng nghiên cứu SuperJob thực hiện, 62% người được hỏi ủng hộ việc đóng cửa các nhà hàng McDonald's ở Nga. Tuần trước, truyền thông Nga đưa tin các nhà hoạt động chống McDonald's đã xuất hiện ở một vài thành phố Nga. "Hãy loại bỏ đồ ăn nhanh của Mỹ", một nhà hoạt động ở Bryansk nói.
Đây thực sự là một tin buồn về mối quan hệ của Nga với McDonald's - chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đã mở cửa hàng đầu tiên ở Moscow cách đây 2 thập kỷ. Sự thành công của McDonald's ở Nga đã được nhiều người nhìn nhận là thước đo về mức độ mở cửa đối với phương Tây của người Nga.
McDonald's và Nga có khá nhiều duyên nợ. Sau 14 năm đàm phán, thỏa thuận đạt được vào năm 1988 - cùng năm với thời điểm McDonald's mở một cửa hàng ở Belgrade (thủ đô và là thành phố lớn nhất của Serbia). "Chữ M màu vàng to lớn được gắn trên nóc các nhà hàng Mc Donald's trên khắp thế giới (có tên riêng là Cánh cổng vàng - Golden Arches) sẽ xuất hiện ở chân trời Moscow. Chiếc Big Mac ở Moscow sẽ có mùi vị giống như New York, Tokyo, Toronto hay Rio, Moscow".
Sự xuất hiện của McDonald's càng đặc biệt hơn nữa khi Moscow vẫn được coi là thủ đô của "thức ăn chậm". Cửa hàng đầu tiên mở cửa vào ngày 31/1/1990, trên quảng trường Pushkin của Moscow. Chiến dịch quảng cáo của McDonald có câu slogan "Nếu bạn không thể đến Mỹ, hãy đến với McDonald's ở Moscow". Đã có những hàng dài người xếp hàng bên ngoài cửa hàng, mặc dù một bữa ăn sẽ tốn 5 ruble (tương đương một nửa ngày lương của người lao động có thu nhập trung bình ở Nga lúc bấy giờ).
Người dân Nga xếp hàng trước cửa hàng McDonald's đầu tiên ở Nga năm 1990
Đối với một số người phương Tây, biểu tượng Cánh cổng vàng xuất hiện ở Moscow còn đại diện cho thứ gì đó cao hơn kinh doanh. Cây bút Tom Friedman của Times đã viết trong "Học thuyết McDonald's" năm 1996 rằng hai quốc gia sẽ không bao giờ có chiến tranh nếu như đều có cửa hàng McDonald's. Qua thời gian, học thuyết này trở thành không chính xác: năm 2006, Israel chiến tranh với Lebanon và năm 2008 có chiến tranh giữa Nga và Georgia.
Dẫu vậy, McDonald's vẫn thành công ở Nga. Cửa hàng McDonald's đầu tiên ở Nga đã phục vụ khoảng 130 triệu khách trong 2 thập kỷ đầu tiên. Chuỗi cửa hàng cũng phát triển mạnh mẽ ở Nga với hơn 400 cửa hàng ở 22 thành phố. McDonald's cũng có kế hoạch mở rộng sang Serbria.
Thành công của McDonald's cũng đánh dấu sự thay đổi trong bản chất của nền kinh tế Nga. Khi mở cửa hàng đầu tiên, McDonald's phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu và tự sản xuất một số ở một nhà máy đặt gần Moscow có tên gọi McComplex. Nguyên nhân là bởi không có doanh nghiệp tư nhân nào ở Nga có thể làm được điều này. Năm 2010, tờ New York Times cho biết phần cuối cùng của chiếc bánh kẹp đã được "outsource" (thuê ngoài) cho một công ty tư nhân Nga. Và, gần 80% thực phẩm ở McDonald's đã được làm ra ở Nga.
McDonald's cũng đã trải qua một số biến cố. Năm 2012, trưởng thanh tra vệ sinh dịch tễ Gennady Onishchenko cho rằng người Nga nên gắn bó với thực phẩm Nga và tránh xa những "thực phẩm độc hại" như McDonald's. Ông cho rằng những chiếc bánh kẹp không phải là sự lựa chọn hợp lý cho người dân Moscow cũng như người dân Nga.
Tuy nhiên, lần này sự kiện đóng cửa 3 cửa hàng ở Crimea dường như trùng với làn sóng phản đối đang mạnh lên ở Nga. Và, McDonald's là chuỗi cửa hàng ăn nhanh dễ trở thành mục tiêu tấn công nhất. Trong một cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Serbia năm 2008, cửa hàng McDonald's ở Belgrade đã bị đập phá.
Dẫu vậy, dường như những món ăn nhanh kiểu Mỹ vẫn có sức hấp dẫn ở Nga, nơi Krispy Kreme và Shake Shack vừa mở những cửa hàng đầu tiên ở Nga.
Thu Hương