ECB sẽ bắt đầu in tiền từ tuần tới
Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm qua cho biết tuần tới ECB sẽ bắt đầu khởi động chính sách nới lỏng định lượng (QE), đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm tới của khu vực này.
Ông Mario Draghi cho biết, đợt mua trái phiếu đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 9/3 sắp tới. ECB sẽ mua 60 tỷ euro mỗi tháng từ nay tới tháng 9/2016 hoặc tới khi lạm phát tăng trở lại sát với mục tiêu 2%.
Tại cuộc họp hôm 5/3, các nhà hoạch định chính sách ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục gần 0%, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ mức 1% hồi tháng 12 lên 1,5%. Tăng trưởng năm 2016 cũng được điều chỉnh lên mức 1,9% từ 1,5% như dự báo trước đây.
Trong cuộc họp báo, ông Draghi cho biết: “Những dữ liệu kinh tế mới nhất, đặc biệt là kết quả cuộc điều tra vào tháng 2 vừa qua, cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực tiếp tục được cải thiện ngay từ đầu năm nay” và thêm rằng: “Về tương lai, chúng tôi hy vọng kinh tế khu vực sẽ tiếp tục hồi phục dần”.
Kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters vừa thực hiện cho thấy hơn một nửa số báo cáo kinh tế quan trọng nhất của khu vực eurozone từ đầu năm tới nay đều đưa ra những dự báo lạc quan nhất. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, dẫn đầu xu thế này.
Lạm phát tại eurozone, hiện ở mức -0,3%, được dự báo sẽ nhích lên 0% trong năm nay, và đạt 1,8% vào năm 2017, đủ để ECB chấm dứt chương trình in tiền trước tháng 9/2016.
ECB hy vọng sẽ có một khoảng thời gian dài để chứng minh rằng kế hoạch sắp thực hiện sẽ đem lại hiệu quả. Khoảng một nửa số chuyên gia kinh tế được Reuters phỏng vấn cho rằng việc mua trái phiếu của ECB sẽ đẩy lạm phát lên sát mục tiêu 2%.
Có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát của eurozone đã chạm đáy. Tỷ lệ -0,3% của tháng 2 đã cao hơn mức dự báo, giá dầu đang hồi phục sau khi xuống rất thấp hồi tháng 1, tăng trưởng đang quay trở lại và đồng euro đã xuống mức thấp nhất 11 năm so với USD vào đêm 4/3 là những dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại.
“Vẫn còn một số rủi ro về triển vọng kinh tế khu vực đồng euro, song chính sách tiền tệ quyết liệt trong thời gian gần đây cộng với giá dầu sụt giảm đang đem lại hy vọng cho khu vực này”, ông Draghi lạc quan nhận định.
Dự báo về chương trình nới lỏng tiền tệ đã đẩy chi phí đi vay ở eurozone xuống đến điểm mà Tây Ban Nha có thể vay 10 năm với lợi suất dưới 1,3 phần trăm và nhiều nhà đầu tư có thể vay tiền của Đức với thời hạn 4 năm. Lợi suất ở Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tuần này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Về việc một số nhà đầu tư cho rằng ECB sẽ làm méo mó thị trường trái phiếu khi mua trái phiếu với lợi suất âm, ông Draghi cho biết ECB sẽ chỉ đạo một cách rõ ràng việc mua trái phiếu với lợi suất thấp hơn tỷ lệ lãi suất huy động -0,2%.
Một số nhà đầu tư lo ngại liệu ECB có tìm được đủ trái phiếu để mua hay không khi mà thị trường tràn ngập tiền mặt trong khi các ngân hàng bắt buộc phải giữ một lượng tài sản theo quy định (trong đó có trái phiếu chính phủ). Ông Draghi trả lời rằng: “Điều này có thể sẽ phức tạp, song chúng tôi cho rằng các vấn đề không liên quan với nhau”. Ông lưu ý rằng hơn một nửa trái phiếu chính phủ của eurozone hiện đang thuộc sở hữu của bên ngoài khu vực đồng tiền chung.
Ông Draghi khẳng định đã đến lúc các chính phủ eurozone phải thực hiện các cải cách cơ cấu một cách “dứt khoát” vì sự hồi phục kinh tế. “Một số quốc gia phải nỗ lực cải cách thị trường lao động và cải thiện môi trường kinh doanh để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp”, và "điều quan trọng là phải thực hiện cải cách cơ cấu một cách nhanh chóng và hiệu quả”.
Vân Chi