El-Erian: Xác suất Hy Lạp rời eurozone lên tới 85%
Theo cựu CEO của Pimco, Tình trạng hiện nay phản ánh các bên không thể hiểu quan điểm của bên còn lại.
- 29-06-2015Toàn bộ các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa
- 28-06-2015Hy Lạp trưng cầu dân ý về gói cứu trợ "nhục nhã"
- 25-06-2015Những graffiti độc đáo về khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp
Kinh tế Hy Lạp sẽ bước vào thời kỳ suy thoái sâu trong thời gian tới và rất có thể sẽ buộc phải rời khỏi Eurozone. Đó là nhận định vừa được Mohamed El-Erian – cựu CEO của Quỹ đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO) - đưa ra.
Hy Lạp đã đóng cửa các ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn trong nỗ lực ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ sau cuối tuần hỗn loạn. Người dân Hy Lạp đổ xô xếp hàng trước các ATM và trạm xăng sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra thông báo sốc về cuộc trưng cầu dân ý.
“Có tới 85% khả năng Hy Lạp sẽ buộc phải rời khỏi eurozone” trong vài tuần tới, El-Erian nói trong cuộc phỏng vấn ở New York. “Những gì chúng ta đang chứng kiến chính là điều mà các chuyên gia kinh tế gọi là cú sốc tài chính – khi hệ thống thanh toán ngừng hoạt động. Theo logic thông thường, cú sốc tài chính này sẽ khiến nền kinh tế suy giảm sâu, xã hội bất ổn và Hy Lạp khó có thể tiếp tục ở lại eurozone.
Theo El-Arian, tình trạng thiếu hụt niềm tin từ cả hai phía khiến tình thế hiện nay rất khó giải quyết. El-Erian làm việc tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từ năm 1983 đến 1997 và hiện là chuyên gia tư vấn kinh tế tại tập đoàn Allianz đồng thời là Chủ tịch hội đồng phát triển kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
“Tình trạng hiện nay phản ánh các bên không thể hiểu quan điểm của bên còn lại, đồng thời không bên nào có khả năng thỏa hiệp. Đáng lẽ Châu Âu nên giảm nợ mạnh hơn nữa và Hy Lạp phải thực hiện cải cách tốt hơn”.
El-Erian nhận định NHTW châu Âu (ECB) sẽ là định chế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn rủi ro lây lan ra toàn khu vực. Cuộc khủng hoảng mới ở Hy Lạp có nguy cơ xóa tan mọi nỗ lực vực dậy niềm tin cho thị trường của Chủ tịch Mario Draghi. Mặc dù Hy Lạp chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho GDP của eurozone, Hy Lạp ra đi sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quốc gia khác.
Phiên sáng nay theo giờ London, đồng euro giảm 1,4% trong khi mức độ biến động của đồng tiền chung châu Âu tăng mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Ngày 30/6 là hạn chót để Hy Lạp trả nợ cho IMF và cũng là ngày gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hết hạn. Dù không có luật lệ nào quy định Hy Lạp sẽ phải rời Eurozone nếu không thể trả nợ, con đường ở lại rất khó khăn vì Hy Lạp sẽ phải tự in tiền riêng để hệ thống tài chính không sụp đổ.
Dẫu vậy, chuyên gia kinh tế đã tạo ra cụm từ “Grexit” vào năm 2012 không đồng tình với nỗi bi quan của El-Erian. “Chúng tôi dự báo cuộc trưng cầu sẽ cho ra một kết quả dễ chịu. Grexit sẽ không xảy ra trong năm nay”, nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng Citigroup (trong đó có Ebrahim Rahbari) viết trong báo cáo gửi tới khách hàng hôm qua.
Dù kết quả trưng cầu ra sao đi chăng nữa, những sự kiện diễn ra trong những ngày gần đây đã làm tổn hại hơn nữa nền kinh tế của quốc gia Địa Trung Hải này. “Đây là một bi kịch – chúng ta không nên quên những gì các công dân Hy Lạp đã phải chịu đựng suốt 5 năm qua: chất lượng cuộc sống giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp 26% và 50% đối với người trẻ tuổi. Trong tương lai, bức tranh ấy không những không sáng sủa hơn mà còn tồi tệ hơn”, El-Erian nói.