FED in tiền mua 70% trái phiếu chính phủ Mỹ
Ai sẽ mua trái phiếu chính phủ Mỹ nếu FED ngừng mua?
Bill Gross là nhà quản lý quỹ đầu tư trái phiếu nổi tiếng và giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Vì thế khi ông nói quỹ Total Return với tổng tài sản 237 tỷ đôla mà mình quản lý đang tránh xa trái phiếu chính phủ Mỹ, giới đầu tư nên lưu tâm.
Ông Gross đặc biệt lo lắng về tác động của chương trình nới lỏng định lượng (QE) của FED khi đợt nới lỏng thứ hai sẽ kết thúc vào tháng 6. Ông đã gọi chương trình này (theo đó FED tạo tiền để mua cả chứng khoán bảo đảm bằng cách khoản vay thế chấp mua nhà và trái phiếu chính phủ) là một dạng đầu tư kiểu kim tự tháp hay một kế hoạch Ponzi.
PIMCO, công ty mẹ của Total Return, tính toán rằng gần đây FED mua tới 70% số trái phiếu chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài mua 30% còn lại. “Ai sẽ mua trái phiếu chính phủ nếu FED ngừng mua?” ông Gross đặt câu hỏi và nói thêm rằng nguy cơ hiện nay là lợi suất trái phiếu tăng mạnh khi nhà đầu tư tư nhân đỏi hỏi một lợi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro lạm phát hoặc đôla mất giá mà họ phải chịu.
Ông dẫn ra nhiều lý do vì sao lợi suất có lẽ đang thấp hơn thực tế tới 150 điểm cơ bản (tức 1,5%).
Thứ nhất, thường thì lợi suất (hiện ở mức 3,3% với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm) và tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa (dự báo khoảng 5%/năm) gần bằng nhau.
Thứ hai, lợi suất thực của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm trước đây trung bình khoảng 1,5%, hiện lợi suất này âm nhẹ.
Thứ ba, lãi suất cho vay ngắn hạn của FED thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa khoảng 475 điểm cơ bản, so với mức trung bình khoảng 75 điểm cơ bản trong quá khứ.
Đối với một số người, lo ngại này thật là ngây thơ. QE2 kết thúc đã được thông báo từ rất lâu. Thị trường đã có thời gian để điều chỉnh. Hành động của chính ông Gross cũng cho thấy đây chính là điều đang diễn ra: ông đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ từ trước. Thực tế, hiện tại dường như thị trường không lo lắng; trong thời gian gần đây lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ còn giảm.
Tuy vậy, cũng đáng suy nghĩ xem liệu chấm dứt chương trình QE có dễ dàng như khi khởi động nó không. (NHTW Anh và ECB cũng đang đối mặt với vấn đề này). Đó không chỉ đơn giản là chuyện ngừng mua trái phiếu. Trừ khi các NHTW muốn bảng cân đối kế toàn của mình liên tục phình to, họ phải bán ra một phần số trái phiếu mình đã mua vào.
Không thể nói rằng QE sẽ tự biến mất khi các trái phiếu đáo hạn. Trừ khi khi ấy chính phủ có thặng dư ngân sách (hoang đường), trái phiếu đáo hạn sẽ cần phải được tái tài trợ. Vì thế khu vực tư nhân sẽ phải hấp thu không chỉ kế hoạch huy động vốn của năm đó mà còn cả số trái phiếu do NHTW bán ra. Đây không phải chuyện nhỏ vì tổng tài sản của FED hiện là khoảng 2,6 nghìn tỷ đôla trong đó gần một nửa là trái phiếu chính phủ Mỹ.
Khó khăn chính nằm ở đây. Giới đầu tư sẽ vui vẻ mua thêm trái phiếu chính phủ trong điều kiện nào? Khi nền kinh tế đang gặp khó khăn. Nhưng với tình hình hiện nay có rất ít khả năng NHTW sẽ đảo ngược QE.
Trong bất cứ trường hợp nào, những ý kiến hoài nghi cũng cho rằng vấn đề của QE là có thể chẳng bao giờ NHTW cảm thấy đủ tự tin để đảo ngược nó. Rút cục thì năm ngoái tăng trưởng GDP Mỹ cũng rất khả quan và dự báo năm nay sẽ còn tăng trưởng vượt 3%. Dù vậy, phiên họp của FED vẫn ra tín hiệu cho thấy chương trình QE đợt hai sẽ vẫn theo đúng như kế hoạch.
Khi QE tiếp diễn, người ta cũng tìm ra những cách mới để biện hộ cho nó. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 01/03, Chủ tịch FED Ben Bernanke viện dẫn bằng chứng cho thấy chính sách này đã thành công:
“Giá cổ phiếu đã tăng đáng kể, biến động trên thị trường cổ phiếu đã giảm, chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đã thu hẹp lại, khoản bù đắp lạm phát được xác định trên thị trường chứng khoán phòng ngừa lạm phát đã tăng về mức bình thường.
Lợi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 đến 10 năm ban đầu giảm mạnh khi thị trường điều chỉnh theo thông tin FED sắp mua mạnh trái phiếu; tuy vậy, lợi suất này sau đó lại tăng vì nhà đầu tư ngày càng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và trader điều chỉnh lại kỳ vọng về các chương trình mua trái phiếu của FED trong tương lai.”
Lưu ý là dường như ông Bernanke coi lợi suất tăng hay giảm cũng đều là bằng chứng cho thành công của chính sách QE. Và cũng nên lưu ý rằng ông đề cập tới sự hồi phục của thị trường cổ phiếu ngay từ đầu. Trong bài phát biểu đầu tiên về QE hồi tháng 01/2009, Bernanke hoàn toàn không đề cập tới giá cổ phiếu.
Duy trì niềm tin trên thị trường là cực kỳ quan trọng vì thị trường có hoảng loạn (dù do động đất ở Nhật Bản hay khủng hoảng nợ Châu Âu) thì mới có lý do tiếp tục tiến hành QE. Chương trình này càng phình to, càng khó chấm dứt nó. Ông Gross lo ngại là hoàn toàn đúng.
Theo Economist