MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G20 lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới

18-04-2015 - 16:11 PM | Tài chính quốc tế

Bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 17/4 đã hoan nghênh sự phục hồi "vừa phải" của nền kinh tế thế giới, song vẫn bày tỏ quan ngại về những rủi ro của sự biến động thị trường.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày hội nghị ở thủ đô Washington của Mỹ bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), giới chức tài chính của G20 đánh giá cao những tín hiệu kinh tế tích cực tại các nước phát triển trong bối cảnh những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm bớt.

Cụ thể, triển vọng trong ngắn hạn ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản đã được cải thiện trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Mỹ và Anh tiếp tục điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu khi đạt được tốc độ tăng trưởng vững chắc. Do đó, tuyên bố nhận định tăng trưởng kinh tế tại các nước giàu được củng cố sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng lưu ý đến sự tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế mới nổi, cũng như những thách thức đặt ra đối với triển vọng kinh tế thế giới như sự biến động về tỷ giá, lạm phát thấp kéo dài, nợ công cao và những căng thẳng địa chính trị tại nhiều nước. Các quan chức tài chính G20 cũng cam kết hợp tác nhằm củng cố vững chắc nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng cần phải đảm bảo các chính sách sẽ được triển khai không gây nên sự hỗn loạn trên thị trường.

Tại phiên họp, các nước G20 cũng kêu gọi IMF cần thúc đẩy những nỗ lực nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua chương trình cải tổ tổng thể IMF như kế hoạch đặt ra hồi năm 2010, theo đó trao cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ nhiều ghế hơn trong Hội đồng quản trị. Giới chức các nước cho rằng IMF cần tìm kiếm các giải pháp thay thế tạm thời để có thể triển khai các chương trình cải cách.

G20 gồm các nước Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu.

PV

Theo TTXVN

Trở lên trên