G20 và thách thức nâng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Lần đầu tiên G20 đặt ra một mục tiêu có thể định lượng, đó là phải nâng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu thêm 2% so với mức dự kiến hiện thời trong vòng 5 năm tới.
Sự kiện kinh tế thế giới được xem là lớn nhất trong năm, Hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ khai mạc vào ngày mai (15/11) tại Brisbane, Australia. G20 gồm 20 nền kinh tế thành viên hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới và hơn 75% mậu dịch thế giới. Vậy nên mỗi bước đi của G20 chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của kinh tế thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ra đời năm 2008, đúng vào thời điểm cả thế giới như "ngồi trên đống lửa" vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
6 năm đã trôi qua, tình hình kinh tế thế giới đã trở nên ổn định hơn. Những động lực của 6 năm trước đã không còn. 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có xu hướng tách ra để tìm kiếm những lợi ích của riêng mình.
Chính vì vậy G20 cần tìm ra một hướng đi mới để duy trì sức sống của mình. Cụ thể là năm nay, Australia, với tư cách là nước chủ nhà đã quyết định đưa ra một bước đi chưa từng có tiền lệ. Đây là lần đầu tiên G20 đặt ra một mục tiêu có thể định lượng, đó là phải nâng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu thêm 2% so với mức dự kiến hiện thời trong vòng 5 năm tới. Con số 2% này có nghĩa sẽ mang tới thêm cho thế giới khoảng 2 .000 tỷ USD và tạo ra 35 triệu việc làm mới.
Theo Anh Phương