MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo và sự sụp đổ của chính phủ Yingluck - Kỳ 1

02-06-2015 - 18:20 PM | Tài chính quốc tế

Cựu Thủ tướng Thái Lan có khả năng phải đối mặt với một án tù vì lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo.

Một bài toán đơn giản đối với nữ doanh nhân và cũng đồng thời là cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 7/2011 và lãnh đạo Đảng Pheu Thai (Đảng Vì nước Thái): đảm bảo giá thu mua lúa gạo cho nông dân ở mức 15.000 bath (khoảng 450 USD) cho mỗi tấn.

Mức giá này cao hơn 4.000 bath so với mức giá mà Đảng Dân chủ trước đó đã đưa ra và cao hơn mức giá thị trường toàn cầu tới gần 50%. Bởi gần 40% lực lượng lao động của Thái Lan thuộc lĩnh vực nông nghiệp, và số đông lực lượng này là những người trồng lúa gạo, Yingluck đã tiến thẳng tới thắng lợi và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10/8/2011.

Chiến lược này là một quá trình gồm ba bước đơn giản nhưng lại không thực tế: mua lúa gạo của nông dân với mức giá bị đội lên do lạm phát, dự trữ số thóc gạo này nhằm làm giảm lượng cung toàn cầu và đẩy mức giá toàn cầu lên cao, và sau đó bán lại với mức giá cao hơn để bù lại phí tổn ban đầu.

Ở thời điểm đó, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, kiểm soát 30% thị trường. Bà Yingluck đã cho rằng thị phần này đủ lớn để thao túng giá lúa gạo toàn cầu. Kế hoạch này đã phản tác dụng khi mà các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, đã nhanh chóng lấp chỗ trống của Thái Lan từ cuối năm 2011 đến năm 2013.

Khi Thái Lan bắt đầu dự trữ gạo, nước này đã phải xây dựng các kho chứa mới để cất trữ số lượng gạo đáng kể này. Tồn kho cuối kỳ từ mùa vụ 2011-2012 đã tăng vọt 68% so với mùa vụ 2010-2011. Năm tiếp theo, lượng dự trữ đã tăng vọt thêm 34% nữa. Đến cuối năm 2013, Thái Lan đã cất trữ tới 17,5 triệu tấn gạo, không còn chỗ chứa, và niềm tin vào chất lượng gạo cũng đã sụt giảm trên khắp toàn cầu vào tháng đó. Đồng thời, khối lượng hàng xuất khẩu đã giảm tới 35% từ năm 2011 đến năm 2012 và rớt xuống đáy vào năm 2013 ở mức thấp hơn 39% so với năm 2011.

Đại diện văn phòng Tổng công tố Thái Lan tại cuộc họp báo công bố quyết định chấp thuận vụ kiện cựu Thủ tướng Yingluck ngày 19/3.

 

Đã có những tia hy vọng le lói cho Thái Lan trong một vài tháng. Ngay trước khi kế hoạch này được thực hiện, giá gạo đã xay xát tăng 5,4% vào tháng 7 lên 546 USD/tấn, khi bà Yingluck đắc cử. Giá gạo đạt đỉnh vào tháng 9/2013 ở mức 615 USD. Trong năm 2012, mức giá thấp nhất là 541 USD vào tháng 1. Tuy nhiên, mức giá được đảm bảo cho nông dân là 15.000 bath/tấn cho gạo chưa xay xát, trong khi giá thị trường là cho gạo đã xay xát. Xay xát là quá trình loại bỏ vỏ và cám của hạt gạo, mà trung bình quá trình này loại bỏ khoảng 1/3 trọng lượng của gạo.

Do đó, ngay cả mức giá thị trường cao nhất là 615 USD hồi năm 2012 tính ra chỉ khoảng 410 USD/tấn cho gạo chưa xay xát. Giá thị trường cũng bao gồm cả chi phí địa điểm bán hàng, xay xát và cất trữ, điều này càng làm giảm giá trị của gạo chưa xay xát, xuống dưới 410 USD. Để bù lại số tiền mà chính phủ đã chi, giá gạo đã xay xát phải rơi vào khoảng 830 USD/tấn, thay vì mức trung bình hồi năm 2012 là 573 USD.

Tác động ngân sách

Không thực tế ngay từ ban đầu, kế hoạch của bà Yingluck đã bắt đầu gây ra những tác động ngược đến ngân sách của Thái Lan. Trong năm đầu tiên, chi phí là 4,4 tỷ USD, hay 1,2% GDP của năm 2012. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), một nhóm tư vấn chiến lược độc lập, ước tính chi phí của năm đầu tiên rơi vào khoảng 5,9 - 7,1 tỷ USD. Các số liệu chính thức về tổng chi phí của kế hoạch này không được chính phủ đưa ra, nhưng con số ước tính là từ 8 - 20 tỷ USD.

Ngay cả khi ước tính chi phí dè dặt nhất mà các quan chức Thái Lan đưa ra được cân nhắc kỹ, chương trình này đã khiến Thái Lan tiêu tốn một khoản tiền đáng kể. Tuy vậy, nhìn chung, chương trình này không phải là quá tốn kém. Có vô vàn ví dụ về các chính phủ trên khắp thế giới đầu tư vào các dự án thất bại còn tốn kém hơn nhiều. Vậy tranh cãi là vì đâu? Làm thế nào điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Shinawatra.

Chi phí của chương trình này không phải là lý do chính giải thích tại sao cuối cùng bà Yingluck phải đối mặt với sự buộc tội. Căng thẳng chính trị ở Thái Lan xuất hiện gần một thập kỷ trước, khi Thaksin Shinawatra, người anh trai của bà và cũng đồng thời là cựu Thủ tướng Thái Lan, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và bị cáo buộc tham nhũng.

Hiện nay, ông đang phải sống lưu vong. Nếu Thaksin trở về Thái Lan, ông sẽ phải ở tù 2 năm vì tội tham nhũng. Các đối thủ của Yingluck cáo buộc bà là tiếng nói đại diện cho người anh trai đang sống lưu vong của mình và biểu trưng cho tình trạng tham nhũng của giới tinh hoa mà sau đó đã trở nên phổ biến ở Thái Lan. Một số nhân tố đã nảy sinh trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014 dẫn đến việc Yingluck bị buộc tội. Hiện bà đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam.

(Còn tiếp)

Theo TTK

Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên