Giá dầu giảm 75%, Việt Nam thiệt hại nặng nhất châu Á
Trong khi châu Á là khu vực nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới, Việt Nam phải chịu thiệt khi giá dầu giảm vì hoạt động xuất khẩu dầu sụt giảm cả về lượng và chất.
- 16-02-2016Giá dầu Brent tại châu Á đã vượt mức 34 USD mỗi thùng
- 16-02-2016Giá dầu giảm sẽ làm những nước như Nga và Ả Rập Xê-út phá sản?
- 10-02-2016Ai sợ giá dầu giảm?
Tính đến ngày 11/2, giá dầu thô biển Bắc đã giảm tổng cộng 44% so với 1 năm trước và 75% so với đầu năm 2013. Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, giá dầu lao dốc có những ảnh hưởng khác nhau đến các nước châu Á. Trong đó Fitch đánh giá Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong khi Việt Nam và Malaysia bị thiệt hại nặng nề nhất.
Châu Á là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất trên toàn cầu, với tổng khối lượng nhập khẩu gần tương đương với tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại dù kim ngạch đã giảm khá mạnh kể từ năm 2013 đến nay.
Châu Á là khu vực nhập khẩu dầu nhiều nhất trên thế giới
Các nước châu Á được Fitch xếp hạng đều là nước nhập khẩu ròng, trừ Malaysia. Thái Lan, Hàn Quốc và Sri Lanka là những nước hưởng lợi nhiều nhất. Theo tính toán của Fitch, so với năm 2013 giá trị nhập khẩu ròng đối với mặt hàng dầu thô của các nước này sẽ giảm hơn 3% GDP.
Thu nhập ròng từ dầu của Malaysia sẽ tăng thêm 0,2% GDP, dù đây là nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Á.
Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Ở hầu hết các nước, mức giảm trong chi phí nhập khẩu dầu đã được chuyển hóa sang cán cân vãng lai, ngoại trừ Việt Nam và Malaysia. Kể từ năm 2013, cán cân vãng lai của Việt Nam đã suy giảm và phần lớn là do lực cầu nội địa tăng mạnh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu giảm cũng đóng góp một phần nguyên nhân.
Trong trường hợp Malaysia, cán cân vãng lai suy giảm dù lượng tiền thu được từ xuất khẩu dầu tăng lên. Nguyên nhân là do nước này phải đầu tư mạnh vào Chương trình chuyển đổi kinh tế (vẫn đang tiếp diễn) với mục tiêu cải thiện triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Nhiều nước đã cắt giảm trợ cấp xăng dầu để đối phó với giá dầu giảm. Tháng 1 năm ngoái, Indonesia xóa bỏ trợ cấp giá xăng và đặt mức trần cho trợ cấp dầu diesel. Chương trình trợ cấp năng lượng của Ấn Độ cũng giảm 1,2% GDP.
Cuối năm 2014 Malaysia từ bỏ trợ cấp xăng dầu và chứng kiến chi phí trợ cấp năng lượng giảm khoảng 1,1% GDP. Thái Lan và Việt Nam cũng có những động thái tương tự, dù hiệu quả còn hạn chế.
Fitch nhận xét nếu chi phí nhập khẩu dầu giảm và từ đó giúp cải thiện khả năng cán cân thanh toán, giá dầu giảm sẽ là yếu tố để nâng xếp hạng. Cắt giảm trợ cấp năng lượng và dùng số tiền thu được để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng sẽ giúp cải thiện mức xếp hạng.
Tuy nhiên ngược lại đối với những nước xuất khẩu ròng hoặc có ngân sách phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô, giá dầu giảm sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến mức xếp hạng.