MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm đang “siết” kinh tế Nga tới mức nào?

04-09-2015 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

Có thể xem Nga như một trường hợp kinh điển của “lời nguyền tài nguyên”...

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc kéo theo sự sụt giảm của giá hàng hóa bản, trong đó có giá dầu, là một trở ngại tăng trưởng. Nhưng đối với Nga, điều đó có thể xem như thảm họa.

Đồng tiền và nền kinh tế Nga, vốn chịu sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây, đã bị sự sụt giảm của giá dầu kéo vào một vòng xoáy suy giảm. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 3,4% trong năm nay, mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn.

Lỗ hổng nền móng

Theo tờ Wall Street Journal, ở thời điểm hiện nay, dự báo đó xem chừng vẫn còn khả quan.

Ông Anders Aslund, chuyên gia về Nga thuộc Atlantic Council ở Washington, cho rằng kinh tế Nga có khả năng giảm 6%. Tình cờ, mức dự báo này gần với mức dự báo suy giảm tăng trưởng mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra trong kịch bản giá dầu hạ về ngưỡng 40 USD/thùng - xấp xỉ mức giá hiện nay của dầu thô.

Trong thời gian từ 1999-2008, kinh tế Nga tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm, một phần nhờ giá dầu và khí đốt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, tăng cao. Giá dầu sụt giảm trong vòng một năm qua đã làm lộ ra những lỗ hổng lớn trong nền móng kinh tế Nga: năng suất suy giảm, lực lượng lao động co hẹp, các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh kém, khu vực kinh tế tư nhân bị kinh tế quốc doanh kìm hãm.

IMF hiện đặt mức dự báo tăng trưởng dài hạn đối với kinh tế Nga là 1,5%, nhưng chuyên gia Aslund chỉ đưa ra mức dự báo tăng 1% - mức tăng trưởng đáng lo ngại đối với một nền kinh tế nơi mức sống của người dân mới chỉ bằng khoảng 40% mức sống của người Mỹ.

Đây không chỉ là một vấn đề gây quan ngại cho nước Nga mà cho cả nhiều nước khác trên thế giới. Nguồn thu từ dầu khí đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin củng cố quyền lực trong nước và thể hiện sức mạnh Nga trên trường quốc tế. Bởi thế, sự mất mát tài sản của Nga cũng đe dọa đảo lộn trật tự địa chính trị của thế giới, cho dù tới thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự đảo lộn đó.

Cho tới tận thập niên 1970, dầu và khí đốt chưa hề giữ vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế Nga. Giá dầu tăng vọt vào thập niên 1970 đã đưa Liên Xô trở thành một cường quốc dầu lửa. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí cho phép nước này có ngoại tệ để nhập khẩu ngũ cốc từ phương Tây, củng cố các nước vệ tinh ở Đông Âu...

Yegor Gaidar, “kiến trúc sư” cho tiến trình dịch chuyển sang kinh tế thị trường ở Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc Liên Xô tan rã là quyết định của Saudi Arabia vào năm 1985 về ngừng hỗ trợ giá dầu và đẩy mạnh khai thác nhiên liệu này. Việc giá dầu lao dốc sau đó đã khiến nguồn thu xuất khẩu của Nga suy giảm mạnh.

Buộc phải vay mượn từ phương Tây để có tiền nhập khẩu ngũ cốc, Nga gần như mất đi đòn bẩy chiến lược của mình, ban đầu là đối với khu vực Tây Âu rồi tiếp đó là các nước Đông Âu. Siêu lạm phát và thiếu lương thực nổ ra vào năm 1991, và Liên Xô tan rã.

Tuy vậy, cũng không nên “nói quá” về sự tương đồng giữa bối cảnh hiện nay và bối cảnh Liên Xô tan rã.

“Lời nguyền tài nguyên”

Nước Nga ngày nay là một nền kinh tế thị trường, cho dù nhà nước vẫn có sự hiện diện lớn trong nền kinh tế. Chính sách kinh tế vĩ mô của Nga hiện nay được đánh giá là tương đối phù hợp.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương nước này đã thả nổi tỷ giá đồng Rúp. Sự sụt giảm của tỷ giá đồng Rúp đẩy lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống của người dân Nga, nhưng cũng giúp nước này hạn chế nhập khẩu.

Lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga vì lý do nước này sáp nhập Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã hạn chế việc Nga vay mượn vốn từ thị trường quốc tế. Mặt lợi của điều này là đảm bảo cho cán cân vãng lai của Nga được thặng dư và dự trữ ngoại hối của nước này đỡ hao hụt, từ đó ngăn chặn được khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng như đối với Liên Xô vào năm 1991 và nước Nga vào năm 1998.

Nhưng sự tương đồng quan trọng nhất giữa bối cảnh Liên Xô tan rã và tình hình hiện nay chính là nằm ở lĩnh vực dầu khí. Có thể xem Nga như một trường hợp kinh điển của “lời nguyền tài nguyên” - trong đó những nước có nguồn tài nguyên dồi dào thường có khuynh hướng có nền công nghiệp kém hiệu quả và tình trạng tham nhũng .

Nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm doanh thu từ dầu, khí đốt, than, khoáng sản và lâm sản trừ đi chi phí sản xuất, chiếm 18% GDP Nga, tỷ lệ cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn và cao hơn nhiều so với những nước giàu xuất khẩu dầu như Canada hay Nauy.

Nguồn tiền thu về từ xuất khẩu tài nguyên đã được Nga sử dụng để hiện đại hóa quân đội, nâng cao phúc lợi, và đầu tư cho những dự án tốn kém như Thế vận hội mùa đông Sochi.

Trong khi đó, khu vực kinh tế quốc doanh mở rộng đã cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Nga. Chuyên gia Aslund dẫn chứng cho nhận định này bằng vụ hãng dầu lửa Rosneft thâu tóm đối thủ tư nhân TNK-BP với giá 55 tỷ USD vào năm 2013. Hiện nay, Rosneft có giá trị vốn hóa thấp hơn cả TNK-BP khi đó.

Lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tiếp tục xói mòn năng suất trong nền kinh tế Nga thông qua việc cản trở nền công nghiệp Nga, trong đó có ngành dầu khí, được tiếp cận với những bí quyết quan trọng. Và khi các nước Tây Âu tìm kiếm nguồn cung khí đốt khác đáng tin cậy hơn, xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm mạnh.

Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã nỗ lực thúc đẩy sáng tạo trong nền kinh tế bằng cách đa dạng hóa các ngành nghề, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành dầu khí. Tuy vậy, theo các chuyên gia, ngay cả những nỗ lực đa dạng hóa đó cũng phụ thuộc nguồn trợ cấp từ dầu khí.

Nhiều quan chức cấp cao của Nga nhận thức rõ được thách thức mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã gọi sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay là “mang tính cơ cấu”, cho rằng sự sụt giảm này xuất phát từ “xu hướng dân số bất lợi và “môi trường đầu tư”.

Nhưng không rõ liệu Tổng thống Putin và những nhân vật thân tín của ông có lắng nghe những lời cảnh báo này hay không.

Theo An Huy

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên