Giá dầu giảm sâu, kinh tế Châu Á đứng trước nguy cơ giảm phát
Theo đánh giá của Morgan Stanley, tích lũy nợ của khu vực Châu Á đang tăng nhanh trong những năm gần đây do Ngân hàng trung ương các nước nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn nguy cơ giảm phát, “đe dọa” đầu tư tư nhân và kìm hãm tăng trưởng.
Đầu tư tư nhân yếu
Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của khu vực Châu Á (không bao gồm Nhật Bản) năm 2013 đã tăng lên 203% từ mức 147% của năm 2007; chủ yếu xuất phát từ bộ phận các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ này đã gần đạt hoặc vượt ngưỡng 200% tại 7 trong số 10 quốc gia trên khu vực, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây khiến nguy cơ lạm phát lan rộng từ Châu Âu sang Châu Á; làm tăng nỗi ám ảnh lên các công ty và người tiêu dùng; đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trước bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, Châu Á có thể đi theo con đường của Mỹ: duy trì lãi suất thực tế thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 để khuyến khích đầu tư tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng.
“Nếu lãi suất thực tế cao, chỉ có khu vực kinh tế nhà nước hoặc các công ty liên kết với chính phủ được hưởng lợi. Mối lo ngại lớn ở đây chính là, nếu lãi suất thực tế duy trì ở mức cao thì khu vực tư nhân sẽ tiếp tục “do dự” với các khoản đầu tư mới – một yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng” – các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cho biết trong báo cáo.
Giá dầu giảm
Vào tháng trước, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn duy trì mức lãi suất cơ bản. Cũng trong tháng 12 vừa qua, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2014 và 2015.
Giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 5 năm trở lại đã gây “tổn thương” lớn cho các quốc gia xuất khẩu dầu thô trong khu vực như Malaysia; trong khi đó các nước như Philippines và Indonesia được hưởng lợi.
Đồng Ringgit của Malaysia ngày hôm qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Trong khi đó, vào tuần trước, Philippines – quốc gia nhập khẩu hầu hết các sản phẩm từ dầu mỏ - đã bán được 2 tỷ USD nợ xấu 25 năm với mức lợi suất thấp kỷ lục.
Giá dầu giảm sâu kéo chỉ số giá tiêu dùng của Singapore trong tháng 11 vừa qua giảm so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009; trong khi tại Thái Lan, nhịp độ tăng giá tháng 12 ghi nhận tốc độ chậm nhất trong hơn 5 năm.
Dù các nhà hoạch định chính sách Châu Á có thể hạ lãi suất thực tế thì những lo ngại về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế khu vực này vẫn sẽ “đeo bám” trong thời gian tới.
Tăng trưởng bền vững
Hôm nay (14/1), Ngân hàng thế giới (WB) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015; hạ dự báo khu vực đồng Euro, Trung Quốc, Nhật Bản và nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ.
Nhằm xoa dịu những lo ngại về tăng trưởng, Trung Quốc đã thắt chặt quy định về quản lý nợ xấu trong khu vực doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới một thời kỳ suy thoái rõ nét trong hệ thống tín dụng và tăng trưởng GDP. Mặc dù vậy, Trung Quốc có thể ngăn chặn một vài rủi ro và tạo điều kiện thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng.
Tại Thái Lan và Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách tăng cường kiểm soát đối với khu vực kinh tế hộ gia đình nhằm ngăn chặn hoạt động đi vay tràn lan; đồng thời cắt giảm lãi suất để những người đi vay được khuyến khích.
“Chúng tôi cho rằng, tái cơ cấu là yếu tố cần thiết và quyết định đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc duy trì tỷ lệ lãi suất hợp lý cũng không kém phần quan trọng” – Các nhà phân tích của Morgan Stanley kết luận.
>>>WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015
>>>Giá dầu giảm, "Thiên đường" sẽ rơi nước mắt?
Thảo Anh