'Giấc mộng châu Âu' có tan vỡ vì Hy Lạp?
Một tổ chức quốc tế đưa tin binh sĩ thuộc các "tiểu đoàn tình nguyện" của quân đội Ukraine đã sử dụng cực hình tra tấn người dân Donbass.
- 30-06-2015Mắc kẹt ở Hy Lạp
- 30-06-2015Hy Lạp sẽ vỡ nợ?
- 30-06-2015Dow Jones giảm 350 điểm vì Hy Lạp
Giới phân tích cho rằng thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể đe dọa tới “giấc mơ” của EU thời hậu chiến về một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết”.
Tình hình hỗn loạn tại Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang “đau đầu” giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại Địa Trung Hải, bên cạnh cuộc xung đột tại Ukraine vốn đẩy mối quan hệ EU - Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là khoảnh khắc “tồn tại hay không tồn tại” đối với dự án (nhất thể hóa) của EU, khi bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng “nếu đồng euro sụp đổ, thì châu Âu sụp đổ”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngay cả khi Brussels có thể giữ Athens ở lại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thì cuộc khủng hoảng này sẽ gieo rắc sự ngờ vực sâu vào cội rễ của dự án 60 năm tuổi nhằm xây dựng một châu Âu thống nhất sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Janis Emmanouilidis, nhà hoạch định chính sách tại Trung tâm chính sách châu Âu, nói: “Điều này chắc chắn sẽ để lại vết sẹo và sự mất lòng tin”.
Sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu 15 năm trước được ca ngợi là thời khắc đoàn kết của lục địa 500 triệu dân, song những ngày gần đây, “giấc mộng nhất thể hóa” đã tụt dốc xuống mức mà ông Emmanouilidis gọi nó là “ác mộng”.
Các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa, người dân đổ xô đi rút tiền, lãnh đạo châu Âu và Hy Lạp thì đổ lỗi cho nhau về tình trạng hiện nay.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 29/6 cảnh báo rằng nếu Hy Lạp nói “Không” với đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, Athens sẽ phải rời khỏi Eurozone, cho dù đó là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu không hề mong muốn.
Nhà phân tích Pieter Cleppe tại Open Europe đánh giá: “Đây thực sự là đòn giáng mạnh vào dự án của Eurozone, ngay cả khi họ giữ được Hy Lạp ở lại”.
Chia sẻ quan điểm này, Nicolas Veron thuộc cơ quan hoạch định chính sách Breugel (Bỉ), cũng cho rằng kể cả khi tránh khỏi tai họa, cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng sẽ gây ra những hậu quả kéo dài với EU, trên phương diện các cải cách cần thiết.
Khủng hoảng đã hé lộ hệ thống quản trị của EU không hiệu quả, không có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng trong khung thời gian cần thiết.
Hy Lạp "đón nhận" tin xấu từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế
Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor ngày 29/6 đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp từ "CCC" xuống "CCC-" (đều ở mức không đáng đầu tư), với lý do việc Athens tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về các đề xuất cải cách của chủ nợ quốc tế đang đẩy nước này tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ.
S&P cho rằng quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân của Hy Lạp đã cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đang ưu tiên chính trị trong nước hơn là sự ổn định về tài chính và kinh tế hay các khoản thanh toán nợ và tư cách thành viên của đất nước này trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo S&P, đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Hy Lạp sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6.
Theo nhận định của S&P, việc Hy Lạp không thể trả nợ cho IMF hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ chưa đẩy nước này vào tình cảnh vỡ nợ ngay, song với tình hình tài chính nghiêm trọng như hiện nay, nếu không được cải thiện thì nguy cơ vỡ nợ sẽ là không tránh khỏi trong vòng sáu tháng tới.
Ngoài ra, hãng xếp hạng tín nhiệm trên cũng cảnh báo quyết định đóng cửa các ngân hàng từ tối 28/6 đến ngày 6/7 và áp đặt kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính sau khi các cuộc đàm phán giữa Athens với các chủ nợ quốc tế rơi vào bế tắc sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm mạnh hơn mức dự báo -3% đưa ra trước đó.
Ngoài ra, động thái này cũng khiến hãng Fitch hạ mức xếp hạng của bốn ngân hàng lớn của Hy Lạp (bao gồm Ngân hàng quốc gia Hy Lạp, Ngân hàng Piraeus, Ngân hàng Eurobank Ergasias và Alpha Bank) xuống mức "vỡ nợ từng phần".
S&P cho biết trong bối cảnh Athens có vẻ như đã sẵn sàng chấp nhận hậu quả đối với lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế đất nước trong việc không thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, khả năng Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Eurozone là 50%.
Các nước láng giềng của Hy Lạp phòng bị cho ngân hàng và nền kinh tế
Các nước láng giềng trong khu vực của Hy Lạp ngày 29/6 đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để bảo vệ các ngân hàng và nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính đang trầm trọng ở Hy Lạp và khả năng nước này ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro.
Ở Serbia, Ngân hàng trung ương nước này thông báo đã có các biện pháp tạm thời đối với các ngân hàng có chủ sở hữu là người Hy Lạp, bao gồm các biện pháp kiểm soát bổ sung và hạn chế giao dịch giữa các chi nhánh ở Serbia và ngân hàng mẹ ở Hy Lạp.
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. Ảnh: TTXVN
Theo Ngân hàng Quốc gia Serbia, mục đích của việc tiến hành biện pháp này là ngăn chặn những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đến hệ thống ngân hàng Serbia.
Trong khi Macedonia đã yêu cầu các ngân hàng nước này rút toàn bộ khoản vay và tiền gửi ở ngân hàng Hy Lạp và chi nhánh của các ngân hàng đó ở Hy Lạp hoặc ở nước ngoài.
Ngân hàng trung ương Macedonia (NBRM) cũng áp đặt những hạn chế nhằm ngăn chặn dòng vốn từ nước này chuyển sang Hy Lạp theo các giao dịch vốn mới được hoàn tất, việc sẽ gây ra lo ngại về cán cân thanh toán và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo NBRM, những biện pháp tạm thời này có thể được thực hiện trong tối đa là sáu tháng. NBRM có quyết định trên sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo các biện pháp kiểm soát vốn như đóng cửa tạm thời các ngân hàng trong một tuần và giám sát chặt các giao dịch quốc tế.
Đối với Bulgaria, nước này không thực hiện bất kỳ một biện pháp đặc biệt nào, khi Ngân hàng trung ương Bulgaria khẳng định hệ thống ngân hàng nước này, kể cả các ngân hàng có cổ đông là các ngân hàng Hy Lạp, hoàn toàn độc lập về tài chính và hoạt động với hệ thống ngân hàng các nước khác.
Ngân hàng Quốc gia Bulgaria cho biết thêm những ngân hàng có cổ đông là các ngân hàng Hy Lạp có đủ tiền mặt và có mức thanh khoản và vốn trên mức trung bình để bảo đảm sự ổn định và tránh bị tác động từ những diễn biến bất lợi ở các nước khác.
Về phía Albania, nơi không có cảnh xếp hàng trước các chi nhánh của bốn ngân hàng do Hy Lạp sở hữu, Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này, Gent Sejko nói khủng hoảng tại Hy Lạp sẽ tác động đến nền kinh tế Albania thông qua hoạt động xuất khẩu và kiều hối từ cộng đồng người Do Thái, nhưng cũng cho biết xuất khẩu của Albania ngày càng giảm và kiều hối từ những người đang làm việc tại Hy Lạp cũng đã giảm trong vài năm qua.
Theo một quan chức, nước này không có kế hoạch áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn bổ sung.
Hàng triệu người ở các nước Bulgaria, Macedonia, Albania, Serbia và Romania đã gửi tiền ở những ngân hàng do các thiết chế cho vay của Hy Lạp sở hữu, khiến khu vực Đông Nam Âu trở thành "tuyến đầu" nếu cuộc khủng ở Hy Lạp có những tác động.
Với các ngân hàng Hy Lạp sở hữu 20% hệ thống ngân hàng ở một số nước, khả năng cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đến các hệ thống ngân hàng này là có thể và nền kinh tế các nước mà không có nền tảng vững chắc cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động.