MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới phân tích đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc

20-03-2014 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

Một loạt các ngân hàng bao gồm Bank of America Merrill Lynch (BofAML), Barclays, Nomura và mới nhất là Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Goldman Sachs đã trở thành ngân hàng mới nhất hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Ngân hàng này cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với “một con đường đầy gập ghềnh” ở phía trước.

Theo thông báo vừa được đưa ra hôm qua (19/3), Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 từ 7,6% xuống còn 7,3%. Triển vọng tăng trưởng của năm 2015 cũng bị hạ từ 7,8% xuống 7,6%.

“Cả thương mại và tiêu dùng – những nhân tố mà trước đây chúng tôi cho là sẽ tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2014 – đã gây thất vọng trong 2 tháng đầu năm. Nguyên nhân là do nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ và sự phục hồi không mạnh mẽ của các thị trường phát triển đã ảnh hưởng đến tiêu dùng”, báo cáo viết. 

Goldman Sachs cũng nhận định các ngành đang ở trong tình trạng sản xuất dư thừa phải thu hẹp cùng với một vài vụ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cắt bỏ những khoản đầu tư lãng phí là điều cần thiết cho triển vọng trong dài hạn. 

Trước đó, một loạt các ngân hàng bao gồm Bank of America Merrill Lynch (BofAML), Barclays và Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ chấp nhận tăng trưởng thấp hơn mức mục tiêu chính thức 7,5% của năm 2014. Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nói rằng mức mục tiêu đưa ra là có thể điều chỉnh. 

Mặc dù Goldman dự báo tăng trưởng quý I là 7,3%, ngân hàng này không cho rằng tăng trưởng sẽ giảm sâu hơn nữa trong các quý còn lại. Mức dự báo cho 3 quý tiếp theo lần lượt là 7,5%, 7,3% và 7,2%. 

Ngân hàng này nhận định những ảnh hưởng tiêu cực của chiến dịch chống tham nhũng và các biện pháp kiểm soát ô nhiễm sẽ giảm dần trong những quý tới. Thêm vào đó, điều kiện tài chính được nới lỏng và các cải cách về chính sách – ví dụ như cho phép vốn tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực – có thể hỗ trợ cho nền kinh tế. Cuối cùng, sự hồi phục của xuất khẩu do nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển gia tăng cũng là một nhân tố tích cực. 

Ngược lại, những rủi ro đối với kinh tế Trung Quốc bao gồm kinh tế toàn cầu chậm hồi phục, thị trường bất động sản sụt giảm mạnh hơn dự báo và những ngành dư thừa năng suất tiếp tục trì trệ. 

Về chính sách tiền tệ, Goldman Sachs dự báo NHTW Trung Quốc sẽ không hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Trong thời gian gần đây, trên thị trường rộ lên dự đoán Trung Quốc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục yếu đi. 

Thu Hương

huongnt

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên