MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới triệu phú châu Á đua nhau mua vàng

07-11-2011 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

Giới triệu phú của châu lục này liên tục gom mua vàng, bất chấp giá vàng đã tăng gấp gần 3 lần trong 5 năm trở lại đây và biến động mạnh trong mấy tháng qua.

Đối với tầng lớp triệu phú đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng của châu Á, vàng vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Theo hãng tin CNBC, giới triệu phú của châu lục này liên tục gom mua vàng, bất chấp giá vàng đã tăng gấp gần 3 lần trong 5 năm trở lại đây và biến động mạnh trong mấy tháng qua.

Hồi tháng 9 vừa qua, giá vàng quốc tế đã lập đỉnh cao lịch sử ở mức trên 1.900 USD/oz. Đến cuối tháng 9, giá vàng rớt mạnh về dưới 1.600 USD/oz, và hiện đang dao động quanh ngưỡng 1.700 USD/oz. Theo các nhà quản lý tài sản, dù giá vàng biến động mạnh như vậy, vàng đang là kim loại sinh lợi tốt nhất trong số các kim loại quý.

“Giá vàng giao ngay đã tăng gấp khoảng 3 lần trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, sự thay đổi của giá vàng kể từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 năm nay đánh dấu quý tăng giá mạnh nhất của vàng giao ngay kể từ đầu thập niên 1980”, nhà quản lý tài sản Poh Huay Imm thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho biết.

Bởi thế, không có gì là ngạc nhiên khi vàng đang ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong danh mục đầu tư của giới triệu phú châu Á. Nhiều chuyên gia về quản lý tài sản tiết lộ với CNBC, họ thường khuyến nghị khách hàng đưa vàng chiếm 5-10% tổng danh mục đầu tư.

“Vàng là một tài sản bảo hiểm hữu hiệu cho ‘trái bom hẹn giờ’ mang tên khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng như hoạt động tăng cung tiền của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu”, ông Mark Matthews, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường châu Á thuộc Bank Julius Baer, nhận xét.

Ông Erik Wytenus, Giám đốc mảng Giao dịch ngoại hối và hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng tư nhân JP Morgan châu Á cho rằng, vàng không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương nào, bởi thế không ai có thể can thiệp vào giá vàng, khiến kim loại này càng hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Theo ông Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc công quản lý tài sản tư nhân của ngân hàng UBS thì cho biết, những cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao thường tìm đến vàng ở những thời điểm bất ổn kinh tế, khi mà họ không hài lòng với mức lợi suất mà các loại trái phiếu mang lại.

Cũng theo các nhà quản lý tài sản, tầng lớp giàu có ở châu Á đã “tiếp tay” cho biến động của giá vàng thế giới trong mấy tháng gần đây.

“Trong thời gian giữa tháng 7 và tháng 9 năm nay, khi giá vàng trồi sụt mạnh, các khách hàng đã tận dụng cơ hội này để xả hàng, nhưng vẫn duy trì quan điểm tin tưởng vào sự tăng giá của vàng. Nói cách khác, nhiều khách hàng sẽ tiếp tục mua vàng mỗi khi giá giảm”, ông Wytenus thuộc JP Morgan cho hay.

Ông Shrikant Baht, Giám đốc mảng quản lý tài sản thuộc ngân hàng Citibank ở Singapore, giới đầu tư châu Á có khuynh hướng tự nhiên nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư. Giữ vàng vật chất đã là một truyền thống của người châu Á. Tuy nhiên, hiện nay, giới nhà giàu châu Á đang tìm đến nhiều hơn với cổ phiếu vàng của các quỹ tín thác (ETF) như quỹ SPDR Gold Trust là một ví dụ.

“Hoạt động mua vàng vật chất ở châu Á có phần thấp hơn so với mua tài chính, khi mà các nhà đầu tư ít lo sợ hơn về sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung”, ông Wytenus của JP Morgan nói.

Chẳn hạn, ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới và hiện vẫn là thị trường vàng vật chất số 1 thế giới - khối lượng vàng mà giới đầu tư mua thông qua các ETF đã tăng 164% trong vòng 4 năm qua.

Trong thời gian tới, các nhà quản lý tài sản dự báo vàng sẽ tiếp tục làm gia tăng giá trị cho danh mục của các nhà đầu tư. Ông Schnider thuộc công ty quản lý tài sản của UBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ vàng trong dài hạn, vì “hơn cả một hàng hóa thông thường, vàng là một loại tiền tệ”.

Ông Lim Say Boon, Giám đốc đầu tư của công ty DBS, dự báo giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/oz khi mà “chưa có tín hiệu nào cho thấy mức lãi suất thực âm và biến động trên thị trường tiền tệ - hai trong số những động lực tăng giá chính của vàng - sẽ sớm suy giảm”.

Theo Kiều Oanh

VnEconomy

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên