MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai đồng tiền yếu nhất ở Đông Nam Á

19-08-2015 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đang giảm với mức mạnh chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính châu Á.

Chưa bao giờ kể từ khi Bill Clinton còn làm Tổng thống Mỹ và Barack Obama mới chỉ là một người chuyên nghiên cứu về luật với chính trị chỉ là hoạt động bên lề, những bãi biển ở Bali và Langkawi lại trở nên hấp dẫn đối với người Mỹ nhiều như ở thời điểm hiện tại. Cách đây 4 năm, 1 USD chỉ đổi được hơn 8.500 rupiah (đồng nội tệ của Indonesia) và chỉ được gần 3 đồng ringgit của Malaysia. Ngày nay 1 USD tương đương gần 14.000 rupiah và gần 4 ringgit. Cả hai đồng tiền này vừa chạm đáy thấp nhất 17 năm và vẫn đang giảm giá.

Xét về khía cạnh nào đó, Indonesia và Malaysia không phải là những quốc gia duy nhất rơi vào tình cảnh ảm đạm. Thị trường hàng hóa thế giới đang sụt giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy yếu và kịch bản Mỹ nâng lãi suất, tất cả đang khiến 2015 trở thành một năm tồi tệ đối với tiền tệ của các thị trường mới nổi. Kinh tế Brazil và Nga đang suy thoái, khiến đồng real và rouble giảm mạnh. Thổ Nhĩ Kỳ, với nền kinh tế chậm chạp và cán cân vãng lai thâm hụt nặng cùng với bất ổn chính trị ngày càng gia tăng, cũng chứng kiến đồng nội tệ lira suy yếu. Các đồng peso của Chile, Colombia và Mexico đều chịu chung số phận.

Tuy nhiên, ở châu Á, rupiah và ringgit đang dẫn đầu xu hướng giảm với mức giảm lần lượt 8,4% và 9,8% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Baht Thái chỉ giảm 6,4% và peso của Philippines giảm 2,2%. Các rắc rối của hai nước này không chỉ đến từ sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường hàng hóa mà còn từ bất ổn chính trị.

Hãy bắt đầu với hàng hóa. Giá dầu giảm một nửa trong năm vừa qua đã tác động tiêu cực đến Malaysia – quốc gia có 30% nguồn thu ngân sách đến từ dầu mỏ. Trong khi đó dù Indonesia là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ, các hàng hóa khác vẫn chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu. Đây là điều đáng lo bởi chỉ số theo dõi thị trường hàng hóa của Economist đã giảm gần 20% trong 1 năm qua. Ngược lại, Thái Lan và Philippines đều có khu vực sản xuất phát triển tốt. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu là máy tính và linh kiện điện tử.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn và nhu cầu về hàng hóa cũng sụt giảm là một gánh nặng lớn đối với Malaysia và Indonesia. Trung Quốc cũng là điểm đến hàng đầu cho các hàng hóa xuất khẩu từ Philippines, nhưng luồng kiều hối dồi dào sẽ giúp đẩy tăng lực cầu nội địa.

Cán cân vãng lai thâm hụt lớn và mức nợ nước ngoài cao khiến Indonesia trở nên mong manh khi dòng vốn bị rút ra nếu Fed nâng lãi suất. Malaysia cũng tương tự như vậy. Đáng lo hơn, phần lớn các khoản vay của Indonesia (của cả doanh nghiệp và nhà nước) đều niêm yết bằng USD. Điều này có nghĩa là chi phí đi vay tăng cao đáng kể.

Giống như trong quá khứ, Indonesia đã đưa ra giải pháp là áp thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng (như cà phê, ô tô và bao cao su). Dù Tổng thống Joko Widodo đã nói rất nhiều về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Cách đây gần 1 năm, ông nhậm chức với những lời hứa mạnh mẽ. Giờ đây nhà đầu tư đã bắt đầu hoài nghi về cải cách.

Còn đối với Malaysia, dự trữ ngoại hối được cho là đã giảm xuống dưới mức 100 tỷ USD, cho thấy Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ đồng ringgit. Những rắc rối mà Thủ tướng Najib Razak đang gặp phải sẽ khiến nhà đầu tư lo sợ hơn.

Giờ đây, câu hỏi đối với cả hai nước này là nỗi đau sẽ kéo dài đến đâu. Nhiều người dự báo rằng giá hàng hóa sẽ phục hồi, nhưng đến bao giờ dự báo mới trở thành hiện thực. Đồng nội tệ giảm giá có thể giúp xuất khẩu cạnh tranh hơn, nhưng giá hàng hóa giảm sẽ triệt tiêu tác động này. Indonesia đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009. Cả hai nước cũng phải đối mặt với áp lực lạm phát. Bất cứ khi nào Fed nâng lãi suất, mọi gánh nặng sẽ đổ ập lên vai hai nền kinh tế vốn được coi là mạnh của khu vực Đông Nam Á.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên