Hạn hán và thiên tai đang được Trung Quốc "xuất khẩu" như thế nào?
Trung Quốc đang hạn chế dần những ngành gây ảnh hưởng đến môi trường và tăng cường nhập khẩu các loại hàng hóa mà để khai thác chúng, các quốc gia khác phải tàn phá chính môi trường tài nguyên của mình.
Trung Quốc cuối cùng cũng ý thức được tầm quan trọng của môi trường đối với xã hội và kinh tế đất nước.
Năng lượng tái tạo đang được tăng cường sử dụng còn lượng tiêu thụ than đã giảm xuống. Tình trạng ô nhiễm không khí và suy giảm đất nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết, sản lượng điện mặt trời và điện gió của nước này trong năm 2015 đã tăng tương ứng 74% và 34%. Trái lại, lượng tiêu thụ than của Trung Quốc đã giảm 3,7%.
Tuy nhiên, mọi người có lẽ sẽ chẳng vui gì nếu biết rằng Trung Quốc đang xuất khẩu sự ô nhiễm môi trường của mình sang các nước khác.
Khai thác gỗ ở Trung Quốc
Ví dụ điển hình là tình trạng khai thác gỗ quá mức ở Trung Quốc gây ra những trận lụt lịch sử năm 1998 khiến hầng triệu người dân phải sơ tán. Trong khoảng năm 2000-2010, chính quyền Bắc Kinh đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ quá mức, qua đó nâng diện tích trồng rừng thêm khoảng 1,6%.
Trong năm nay, Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm hạn ngạch khai thác gỗ khoảng 6,8% và mở rộng lệnh cấm khai thác gỗ ra toàn quốc.
Từ đây, một vấn đề mới xuất hiện. Nếu Trung Quốc giảm khai thác gỗ, nước này buộc phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài, qua đó có thể khiến tình trạng phá rừng của quốc gia khác gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến nước này sẽ phải nhập khẩu khoảng 40% lượng gỗ tiêu thụ trong nước vào năm 2020. Dẫu vậy, tỷ lệ này có thể còn lớn hơn trước nạn nhập lậu. Theo hãng Chatham House, số gỗ nhập khẩu lậu tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong khoảng 2000-2013, lên hơn 29 triệu mét khối.
Động thái này đã gây thiệt hại cho nhiều nước đang phát triển. Ví như ở Mozambique, Trung Quốc mua đến 90% lượng gỗ xuất khẩu của nước này và 50% trong số đó được các công ty khai thác quá mức, khiến những rừng cây không kịp phục hồi để cho lứa cây gỗ mới.
Khai thác gỗ ở Mozambique
Năm 2013, Quỹ Động vật Hoang dã Quốc tế (WWF) tuyên bố rằng việc khai thác gỗ lậu tại vùng Viễn Đông của Nga đã đạt đến tình trạng đáng báo động khi số lượng cây sỗi bị khai thác và nhập khẩu trái phép sang Trung Quốc cao gấp đôi so với lượng nhập khẩu hợp pháp.
Cũng trong năm đó, lượng gỗ hồng mộc quý hiếm từ Myanmar xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần và với đà khai thác như hiện nay, loại gỗ này sẽ tuyệt chủng tại Myanmar vào năm 2017. Bất chấp những lệnh cấm được ban hành vào năm 2014, lượng gỗ hồng mộc xuất khẩu từ đây sang Trung Quốc năm 2015 vẫn tăng cao lên mức kỷ lục trong một thập kỷ qua.
Khai thác gỗ ở Myanmar
Trung Quốc không hề có quy định nào về việc chống nhập khẩu gỗ trái phép. Những người mua và khai thác gỗ ở nước ngoài được tự do nhập khẩu về quốc gia này. Đây là một bất cập khi các quốc gia khác như Mỹ đã có lệnh cấm chính thức về nhập khẩu các mặt hàng thực vật khai thác bất hợp pháp như gỗ quý từ năm 2008.
Thậm chí, khi Myanmar bắt và xét xử với 153 người khai thác gỗ lậu quốc tịch Trung Quốc tại biên giới 2 nước năm 2015, phía chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái phản ứng vô cùng quyết liệt. Kết quả cuối cùng là những kẻ khai thác gỗ lậu này lại được trả tự do.
Câu chuyện khai thác gỗ chỉ là một trong nhiều ví dụ về tình trạng “xuất khẩu” hạn hán, thiên tai và ô nhiễm môi trường mà cường quốc Châu Á này đang thực hiện. Nước này không muốn trận lụt năm 1998 tái diễn trên đất nước mình, nhưng họ lại không quan tâm liệu trận lụt tương tự có diễn ra trên quốc gia khác hay không.
Rõ ràng, với vị thế là nước nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu, nông sản hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang khiến tiến trình chống thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tại nhiều quốc gia gặp khó.
Những ngành khai thác tài nguyên, như than đá, đồng, dầu mỏ hay gỗ như trên gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến môi trường và khí hậu. Nhận ra được nguy hiểm đó, chính quyền Bắc Kinh tích cực hạn chế các ngành này trong nước và tăng cường nhập khẩu từ quốc gia khác, đẩy vấn đề này cho chính phủ và người dân nước khác tự giải quyết.
Thậm chí, tình trạng hạn hán gần đây tại Đông Nam Á cũng không tránh khỏi trách nhiệm từ Trung Quốc khi nước này là quốc gia xây nhiều đập nhất trên dòng sông Mekong, qua đó làm thay đổi dòng chảy, nguồn cá và lưu lượng nước xuốngkhu vực hạ du, trong đó có Việt Nam.
Những con đập trên sông Mekong. Màu đen là đã hoàn thành, xám là đang xây, còn trắng là mới lên kế hoạch.
Đập Manwan trên sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Tất nhiên, công trình này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, nhưng rõ ràng người dân ở vùng hạ du sẽ chịu thiệt khi họ bắt được ít cá hơn, nước tưới tiêu cho nông nghiệp cũng ít hơn và thậm chí là hàng loạt các thiên tai đi kèm như hạn hán và xâm nhập mặn.
Có lẽ đã đến lúc chính phủ nước này cần cư xử có trách nhiệm hơn với các quốc gia láng giềng cũng như với môi trường trên toàn cầu.
Trí thức trẻ/CafeBiz