MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hàng chục máy bay chở tiền từ nước ngoài về Venezuela”

05-02-2016 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

17 năm chi tiêu không kiểm soát đã khiến ngân sách của đất nước sở hữu trữ lượng dầu lửa hàng đầu thế giới kiệt quệ...

Mấy tháng gần đây, gần 40 máy bay chở hàng loại Boeing 747 xuất phát từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã đáp xuống Venezuela, mang theo một thứ để phục vụ cho nền kinh tế đang khốn đốn của nước này.

Nguồn tin thân cận tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng, thứ mà những chiếc máy bay đó chở tới Venezuela không phải thực phẩm hay thuốc men, mà là một thứ khác nước này cũng đang rất thiếu: tiền mặt - loại đồng nội tệ Bolivar.

Lạm phát “vô địch”

Những chuyến hàng này là một phần trong kế hoạch nhập khẩu ít nhất 5 tỷ tờ tiền mà chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đặt sản xuất ở nước ngoài trong nửa cuối năm 2015. Mục tiêu của kế hoạch là tăng nguồn cung đồng Bolivar vốn đang ngày càng mất giá trầm trọng - nguồn tin cho biết.

Mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Tháng 12/2015, Ngân hàng Trung ương Venezuela bắt đầu đàm phán bí mật để đặt in thêm 10 tỷ tờ tiền nữa - nguồn tin cho hay. Số lượng tiền này sẽ tăng gấp đôi lượng tiền lưu thông ở Venezuela, đồng thời lớn hơn số 8 tỷ tờ tiền mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) in mỗi năm.

Chưa kể, điểm khác biệt giữa đồng Bolivar với hai đồng USD và Euro là Bolivar chỉ được sử dụng ở Venezuela còn hai đồng tiền kia là đồng tiền mạnh, được dùng trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Venezuela ồ ạt in tiền có thể khiến nền kinh tế nước này suy sụp nhanh hơn: bơm một lượng tiền khổng lồ ra lưu thông nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát tăng vọt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát của Venezuela có thể lên tới 720% trong năm nay, “vô địch” thế giới.

Số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela cho thấy năm 2015, lượng tiền trong lưu thông ở nước này đã tăng gấp đôi.

Ồ ạt in tiền khiến đồng nội tệ của Venezuela ngày càng yếu. Tuần này, trên thị trường chợ đen, tỷ giá đồng Bolivar so với USD đã lần đầu tiên vượt ngưỡng tâm lý 1.000 Bolivar đổi 1 USD. Trong khi đó, mức tỷ giá chính thức thấp nhất chỉ là 6,3 Bolivar “ăn” 1 USD.

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Venezuela Jesus Faria ngày 3/2 cho biết nước này sắp cải tổ chính sách quản lý tỷ giá. “Rõ ràng, hệ thống tỷ giá hiện tại đã kiệt sức”, ông Faria nói.

30 người triệu người dân Venezuela có vẻ như không thể kiếm tiền tới mức đủ nhanh. “Người dân khát tiền mặt, vì họ muốn tiêu tiền nhanh nhất có thể”, ông Steve H. Hanke, một chuyên gia về tiền tệ thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ, nhận định.

Ngân sách kiệt quệ

Việc mạnh tay in tiền tiêu tốn của Chính phủ cánh tả đang kẹt ngân sách của Venezuela hàng trăm triệu USD, nguồn tin cho hay. Chi phí in tiền tốn kém trở thành gánh nặng đặc biệt lớn trong bối cảnh Venezuela đối mặt với tình trạng giá dầu giảm sâu.

17 năm chi tiêu không kiểm soát đã khiến ngân sách của đất nước sở hữu trữ lượng dầu lửa hàng đầu thế giới kiệt quệ.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thuê các công ty tư nhân in tiền, bởi các nhà thầu này có thể đáp ứng các công nghệ chống giả tinh vi. Nhưng đối với Venezuela, việc thuê nước ngoài in tiền xuất phát từ khối lượng tiền “khủng” cần in gấp. Nhà máy in tiền của Ngân hàng Trung ương Venezuela ở Maracy chỉ có đủ giấy và kim loại để in một lượng tiền nhỏ mà nước này cần, theo nguồn tin.

Điều này đồng nghĩa với việc Venezuela phải mua đồng Bolivar từ nước ngoài bằng bất kỳ giá nào.

Nguồn tin cũng nói rằng, không một công ty in tiền nào đáp ứng được đơn hàng 10 tỷ tờ tiền, nên Venezuela đã chia đơn hàng ra cho nhiều công ty khác nhau, bao gồm De La Rue của Anh, Canadian Bank Note của Canada, Oberthur Fiduciare của Pháp, và Giesecke & Devrient của Đức.

Giesecke & Devrient chính là công ty đã in tiền cho nước Đức thời những năm 1920, khi người dân phải chở hàng xe bò tiền đi mua bánh mỳ. Gần đây hơn, công ty này là nguồn cung cấp tiền giấy cho Zimbabwe trong thời gian nước này đối đầu siêu lạm phát, với giá cả tăng gấp đôi mỗi ngày vào năm 2008.

“Những tờ tiền mệnh giá lớn không gây ra lạm phát, mà chúng là kết quả của lạm phát”, ông Owen W. Linzmayer, một chuyên gia về tiền ở San Francisco, Mỹ, phát biểu. “Những tờ tiền mệnh giá lớn thực ra có thể tiết kiệm chi phí cho Ngân hàng Trung ương Venezuela, bởi thay vì phải thay thế 10 tờ tiền cũ, người ta chỉ cần 5 tờ, thậm chí là một tờ”.

Nguồn tin nói rằng, đơn đặt in tiền mới nhất của Ngân hàng Trung ương Venezuela chỉ đặt các tờ 100 và 50 Bolivar, bởi các tờ 20, 10, 5 và 2 Bolivar hiện có giá trị dưới chi phí sản xuất.

Trong một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội của Venezuela gần đây, đầu bếp trong một nhà hàng dùng một tờ tiền mệnh giá 2 Bolivar để lót tay khi cầm cán chảo, vì tờ tiền này không đủ để mua một tờ giấy ăn!

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên