Hệ lụy thất nghiệp
Từ là một quốc gia trong nhóm các nước phát triển có tỷ lệ việc làm cao nhất thế giới, đến nay, Hoa Kỳ đã tụt xuống gần cuối danh sách này.
- 29-10-2014Thất nghiệp vì yếu tố địa lý
- 09-10-2014Châu Âu hi sinh một thế hệ: 17 năm bế tắc vì thất nghiệp
Kiếm việc làm tại Hoa Kỳ đang ngày một khó khăn. Số lượng đàn ông trong độ tuổi lao động từ 25-54 không có việc làm hiện đã tăng gấp 3 lần (16%) so với giai đoạn cuối những năm 1960. Từ là một quốc gia trong nhóm các nước phát triển có tỷ lệ việc làm cao nhất thế giới, đến nay, Hoa Kỳ đã tụt xuống gần cuối danh sách này.
Frank Walsh, 49 tuổi, đã thất nghiệp vài năm nay. Khoảng thời gian này, Frank cùng vợ và 2 con phải sống dựa vào thu nhập từ công việc bán thời gian của vợ và khoản thừa kế nhỏ của mẹ ông. Theo một khảo sát của New York Times/CBS News/Kaiser Family Foundation, không ít lao động nam giới thất nghiệp không phải do không có việc làm mà họ từ chối không làm những công việc có thu nhập thấp.
Frank cũng nằm trong số đó. “Tôi rất muốn làm việc nhưng họ chỉ sẵn sàng trả 10USD/giờ. Nghĩ thử xem, tôi có 2 đứa con, 10USD có thể giúp tôi được gì” - Frank nói. Ngoài thù lao ít ỏi, việc người dân vẫn sống được không cần phải đi làm nhờ các khoản trợ cấp của liên bang cũng là yếu tố khiến nhiều người không chọn công việc thu nhập thấp.
David Muszynski, 51 tuổi, bị một tai nạn nghề nghiệp vào năm 2003 và buộc phải nghỉ việc. Hiện người đàn ông này đang được hưởng trợ cấp thương tật từ liên bang và mức trợ cấp này thay thế cho 60% thu nhập của ông. Ngoài ra, việc ông Muszynski được hưởng thừa kế từ mẹ cùng với tiền cho thuê bất động sản khiến ông không còn tính đến chuyện phải đi làm kiếm tiền.
Điều này sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với những lao động nam giới và gia đình của họ mà còn cho cả Hoa Kỳ. Việc hàng triệu người đang trong độ tuổi lao động không đi làm sẽ dẫn tới thiếu hụt lực lượng lao động sản xuất, từ đó khiến nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm, trì trệ, giảm nguồn thu ngân sách chính phủ để có thể sử dụng vào mục đích an sinh xã hội.
Lawrence F. Katz, Giáo sư kinh tế Trường Đại học Harvard, cảnh báo về những ảnh hưởng lâu dài của hiện tượng xã hội này, trong đó có khả năng Hoa Kỳ sẽ mất các thế hệ trẻ em trong thời gian tới. Một nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ công bố cho thấy khoảng 37% nam giới không có việc làm tính từ năm 1979 đến nay đã không kết hôn và lên chức bố.
Philippe Bourgois, nhà nhân chủng học tại Đại học Pennsylvania, nhận định về hiện tượng trên: khi nền kinh tế không cung cấp mức lương cho phép một người trưởng thành kết hôn và xây dựng tổ ấm, nó đã hủy hoại, làm họ thoái chí và có thể đẩy họ vào con đường kinh doanh bất hợp pháp.
Mặc dù vậy, vẫn có một lực lượng lao động nam giới khá đông đang cố gắng tìm việc làm. Khoảng 45% số người được hỏi cho biết đã bắt đầu tìm kiếm các cơ hội việc làm từ năm ngoái và đa phần đều chấp nhận làm những công việc về đêm, những ngày cuối tuần. Họ sẵn sàng thử sức trong các lĩnh vực mới, hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm ở một thành phố mới.
Việc nền kinh tế Hoa Kỳ đang có nhiều dấu hiệu được cải thiện cũng giúp người lao động tích cực tìm kiếm việc làm hơn. Nhiều người được hỏi cho biết họ không có ý định tìm việc trong năm ngoái nhưng trước những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Hoa Kỳ, họ thực sự muốn được đi làm. Hiện có khoảng 4,8 triệu cơ hội việc làm vẫn chờ đón các lao động nam và nữ ở Hoa Kỳ.
Theo Đức Hoàng