Hoàn thành nhiệm vụ giải cứu AIG, chính phủ Mỹ thu về 22,7 tỷ USD lợi nhuận
Hôm qua (11/12), chương trình giải cứu tập đoàn bảo hiểm AIG của chính phủ Mỹ đã chính thức kết thúc.
- 10-12-2012AIG bán bớt bộ phận cho Trung Quốc để trả nợ
- 08-03-2012Kho bạc Mỹ chào bán 6 tỷ USD cổ phần tại AIG
Trong lần bán cổ phiếu lần thứ 6 và cũng là lần cuối cùng, chính phủ Mỹ đã bán ra 234,2 triệu cổ phiếu với mức giá 32,5 USD/cổ phiếu và thu về tổng cộng 7,6 tỷ USD. Theo báo cáo được công bố hôm nay, sau khi bơm vốn vào AIG thông qua Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), chính phủ Mỹ đã thu về khoản lợi nhuận trị giá 22,7 tỷ USD.
Năm 2008, chính phủ Mỹ bắt đầu tiếp quản AIG với gói cứu trợ có qui mô 182,3 tỷ USD để giúp kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng sụp đổ. Kể từ đó đến nay, AIG cũng đã bán đi hơn 65 tỷ USD tài sản để trả nợ trong khi CEO Robert Benmosche thu hẹp các giao dịch phái sinh vốn đã gần như phá hủy AIG. Hiện nay, ông đang tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm tài sản cũng như bảo hiểm nhân thọ và hưu trí ở Mỹ.
Cổ phiếu AIG đã tăng tổng cộng 47% từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với mức 13% của chỉ số S&P 500.
Chính phủ Mỹ đã sở hữu tới 92% cổ phần của AIG sau khi ra tay cứu lấy tập đoàn bảo hiểm lúc đó đang phục vụ số lượng khách hàng khổng lồ đồng thời là đối tác quan trọng của một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Được bất đầu vào ngày 16/9/2008 – 1 ngày sau khi Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, gói cứu trợ đầu tiên đã không thể giúp AIG ổn định và đã được điều chỉnh ít nhất là 3 lần để AIG có thêm vốn cũng như thời gian trả nợ. Thậm chí, tháng 3/2009, AIG còn công bố khoản lỗ kỷ lục (60 tỷ USD).
Gói cứu trợ này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều do tính rủi ro quá cao và còn được coi là bất công cho những người nộp thuế. AIG còn gây chấn động trong dư luận khi các lãnh đạo vẫn nhận được các món tiền thưởng khổng lồ bất chấp hãng đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ về mặt tài chính từ phía công chúng. Tuy nhiên, giờ đây không ai có thể phủ nhận rằng chính phủ Mỹ đã thu hồi được tiền và thậm chí còn nhận được mức lợi nhuận khá cao.
Vụ giải cứu AIG cũng là lực đẩy rất lớn khiến Quốc hội Mỹ thông qua Dodd-Frank - đạo luật có mục đích giới hạn những chi phí mà người nộp thuế phải bỏ ra để giải cứu các công ty bên bờ phá sản.
Hồi tháng 10 vừa qua, AIG trở thành tổ chức phi ngân hàng đầu tiên thừa nhận đang bị các nhà điều hành xem xét liệt vào tổ chức có rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. Bị liệt vào danh sách này có nghĩa là hàng sẽ phải đáp ứng những nhu cầu khắt khe hơn về vốn.
Thu Hương