Hoạt động M&A toàn cầu: Đi tìm làn sóng mới
Sau nhiều năm ảm đạm vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, các vụ M&A đã sôi động trở lại trên thị trường tài chính toàn cầu.
Vòng quay lịch sử
Trong giai đoạn từ những năm 1890 đến đầu những năm 1900, ở Mỹ xuất hiện cơn sốt thành lập các tập đoàn khổng lồ độc quyền về thép, thuốc lá và các ngành công nghiệp khác. Làn sóng này mạnh mẽ đến nỗi đã có hẳn một đạo luật ra đời nhằm chia tách các đế chế này.
Đến thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mô hình công ty độc quyền lại trở thành "mốt" và lại tiếp tục bị chia tách vào những năm 1980 với sự ra đời của thị trường trái phiếu rác. Từ năm 1999 đến 2000, trong suốt thời kỳ bong bóng dotcom, các công ty công nghệ và truyền thông chiếm 40% các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và cũng là những công ty lớn nhất "vỡ tung" khi bong bóng vỡ. Giai đoạn năm 2003 đến 2007 là đợt sóng dâng cuối cùng của hoạt động M&A, khi mà các công ty đổ xô thâm nhập các thị trường mới nổi và thị trường hàng hóa, đồng thời các công ty vốn cổ phần tư nhân cũng ồ ạt thực hiện chiến lược bán mình.
Lần này, làn sóng M&A không diễn ra trên diện rộng nhưng có khá nhiều điểm đáng chú ý: ngành dược phẩm đang chứng kiến nhiều thương vụ "inversion", trong đó các doanh nghiệp Mỹ mua các công ty nước ngoài để tránh thuế. Tuy nhiên, các thương vụ này chỉ chiếm khoảng 9% hoạt động M&A kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, theo Roger Altman, chủ sở hữu ngân hàng đầu tư Evercore, phần lớn các giao dịch mang tính chất an toàn. Các công ty này tìm kiếm con đường xây dựng thị phần ở những thị trường sẵn có, củng cố danh mục sản phẩm và cắt giảm chi phí thay vì bước vào những ngành hoàn toàn mới hay các thị trường xa xôi.
Trong số những thương vụ lớn nhất, thương vụ Comcast bỏ ra 68 tỷ USD để thâu tóm Time Warner Cable (nếu được các nhà quản lý chấp thuận) sẽ cho phép Comcast nắm giữ 17 trong số 25 thị trường truyền hình cáp hàng đầu nước Mỹ. Hai ông lớn trong ngành dược phẩm là GSK và Novartis đang hoán đổi tài sản để nâng cao năng lực cạnh tranh lần lượt trong hai mảng vaccine và ung thư. Vụ mua lại cổ phiếu Vodafone với trị giá 130 tỉ USD của Verizon là giao dịch lớn nhất trong giai đoạn năm 2013-2014 nhưng lại dẫn tới một điều mơ hồ khi Verizon đã hoàn toàn kiểm soát được kinh doanh.
John Studzinski, chuyên gia đến từ Blacksotne, nhận định một loạt công ty mua lại đã thực hiện các giao dịch điển hình là đảo ngược, thoái vốn hoặc chia tách. Có vẻ như nhà đầu tư khá ưa chuộng sự chia tách. Altria, tập đoàn mẹ của hãng thuốc lá Philip Morris và công ty thực phẩm Kraft Foods, được hình thành sau một loạt các giao dịch những năm 1980 và 1990. Kể từ năm 2007, Altria đã tự chia tách thành 4 phần chính hiện có tổng trị giá 333 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với trong quá khứ.
Tháng 10, Hewlett-Packard nói họ sẽ chia tách mảng kinh doanh máy tính cá nhân, đảo ngược vụ mua lại Compaq năm 2001 và đồng thời giảm tải mảng máy in. BHP Billiton, một công ty mỏ của Australia, là một trong những công ty mua lại nhiều nhất trong lịch sử nhưng hiện tại cũng muốn tách rời mảng kim loại và than đá.
Có nhiều khả năng chia tách sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong tương lai. Rất nhiều các công ty đa quốc gia đã xâm nhập vào thị trường mới nổi ngay trước khi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó chậm lại. Và, rất nhiều doanh nghiệp lớn của châu Á, như là Tata Sons ở Ấn Độ, Hutchison Whampoa ở Hồng Kong hay Samsung ở Hàn Quốc đang đứng trước thời điểm thích hợp để chia tách.
Làn sóng M&A hiện tại đã vượt qua được "bài kiểm tra đầu tiên". Bài kiểm tra thứ 2 sẽ là mức độ đầu tư tài chính và giá trị. Trung bình người mua trả mức giá tương đương 23% giá cổ phiếu của công ty bị thâu tóm và đây là mức gần với con số trung bình trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, thước đo này xem chừng không thể hiện được mức đỉnh và mức đáy, trong khi hai chỉ số này mới là điều đáng nói.
Lần này sẽ khác?
Thứ nhất, rất nhiều giao dịch bị hủy bỏ giữa chừng, tỉ lệ này năm nay là 15% tổng số giao dịch. Ví dụ, hãng phim 21st Century Fox của Rupert Murdoch đã rút lại đề nghị 94 tỉ USD cho Time Warner sau khi cổ phiếu của Fox rớt giá. Tỉ lệ thất bại cao là dấu hiệu của một thị trường mua lại và sáp nhập tụt đỉnh, với các vụ đầu cơ tạo ra bởi những người mua đầy lo lắng. Tỉ lệ thất bại cao nhất rơi vào năm 1999 và 2006-2008.
Thứ hai, các giá trị tuyệt đối đang tăng chóng mặt. Bình quân các công ty bị thâu tóm kể từ đầu năm đến nay được mua với mức giá trị doanh nghiệp (nôm na là trị giá vốn hóa cộng với nợ ròng) tương đương 12 lần lợi nhuận hoạt động gộp, cao hơn đỉnh điểm của hai lần hoạt động M&A bùng nổ trước đó. Các giao dịch thành công là sự kết hợp của 2 điều: kinh doanh kết hợp hữu dụng và giá cả.
Tại đỉnh điểm của lần bùng nổ giao dịch năm 2000, có 7 công ty mới ra đời đáng chú ý và là minh chứng cho kỉ nguyên mới của toàn cầu hóa và công nghệ. Kể từ đó, một công ty đã phải nhận cứu trợ của chính phủ (Citigroup), một đã phá sản (WorldCom) và hai đã lại chia tách (DaimlerChrysler và Viacom-CBS).
Thanh Trà