Hồng Kông có còn quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc?
Nhìn từ các con số thể hiện quy mô nền kinh tế, đối với Trung Quốc, Hồng Kông không còn quan trọng như trước. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
- 02-10-2014Hồng Kông đón quốc khánh trong biểu tình
- 02-10-2014Hồng Kông sau những đêm biểu tình
- 02-10-2014Người biểu tình bao vây Văn phòng Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông
- 01-10-2014Những điều chỉ có ở Hồng Kông
Bước sang ngày thứ 6, cuộc biểu tình ở Hồng Kông đang bước vào giai đoạn căng thẳng hơn. Số người tham gia đã lên tới con số 200.000. Họ bao vây văn phòng Trưởng Đặc khu hành chính, yêu cầu ông Lương Chấn Anh phải từ chức.
Từ lâu nay, Hồng Kông vẫn có vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới, vận chuyển cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Trung Quốc và theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, vai trò ấy giảm xuống đáng kể bởi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa và tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Nhìn từ các con số thể hiện quy mô nền kinh tế, lập luận này đúng ở điểm đối với Trung Quốc, Hồng Kông không còn quan trọng như trước. GDP của Hồng Kông đã giảm từ mức 16% GDP Trung Quốc năm 1997 (khi được trao trả về Trung Quốc) xuống chỉ còn 3%. Tuy nhiên, thực tế có giống như vậy?
Với tốc độ phát triển như vũ bão trong 2 thập kỷ vừa qua của Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đã trải khắp đất nước này. Không thành phố nào có thể thống trị về tỷ lệ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP khi có tới gần 200 thành phố hơn 1 triệu dân và thu nhập của các hộ gia đình tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thị trường tài chính, Hồng Kông vẫn là yếu tố không thể thiếu đối với Trung Quốc. Thậm chí, vai trò của Hồng Kông đã được tăng cường chứ không phải yếu đi. Hồng Kông là thị trường đáng tin cậy hơn so với đại lục với tư cách là nơi huy động vốn. Theo số liệu của Dealogic, kể từ năm 2012, các công ty đại lục đã huy động được 43 tỷ USD sau các vụ IPO trên TTCK Hồng Kông, trong khi con số huy động được trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc chỉ là 25 tỷ USD. Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, Hồng Kông là nơi tốt nhất để các công ty Trung Quốc tiếp cận với thị trường vốn toàn cầu thông qua phát hành trái phiếu. Hơn nữa, Hồng Kông chiếm 2/3 tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc trong năm ngoái, tăng gấp đôi so với mức 30% của năm 2005.
Mặc dù phần lớn số tiền này chỉ đơn giản là được trung chuyển qua Hồng Kông, các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng thành phố này làm cầu nối trước khi đầu tư vào Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi Hồng Kông cho họ những điều mà không thành phố nào ở đại lục có thể cung cấp: môi trường đầu tư ổn định và được bảo vệ bởi hệ thống luật pháp minh bạch.
Không chỉ có các công ty nước ngoài và nhà đầu tư chọn Hồng Kông. 5 năm qua, chính phủ Trung Quốc luôn chọn Hồng Kông là nơi thí điểm các cải cách tài chính. Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khởi đầu ở Hồng Kông năm 2009. Hồng Kông là thị trường trái phiếu “dim sum” (trái phiếu Trung Quốc phát hành tại thị trường Hồng Kông nhưng mệnh giá là Nhân dân tệ) lớn nhất. Hồng Kông cũng sẽ sớm triển khai chương trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc thông qua sàn chứng khoán Hồng Kông. Đây cũng là nơi duy nhất sẵn sàng triển khai các chương trình thí điểm với mục tiêu giữ vững vị trí trung tâm tài chính của thế giới.
Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ vị thế độc nhất vô nhị của Hồng Kông – thành phố tưởng như tách biệt nhưng lại được kết nối chặt chẽ với đại lục, vùng đất hội nhập hoàn toàn với kinh tế toàn cầu nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của Hồng Kông có bến đỗ là Trung Quốc, 1/5 tài sản của các ngân hàng Hồng Kông là các khoản vay dành cho khách hàng Trung Quốc, du lịch và bán lẻ (có phần lớn nhu cầu đến từ Trung Quốc) đóng góp 10% GDP Hồng Kông. Ở chiều ngược lại, ảnh hưởng trực tiếp của Hồng Kông đối với kinh tế Trung Quốc đang giảm xuống. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm rất lớn nếu kết luận rằng Hồng Kông không còn quan trọng với Trung Quốc. Nếu mối quan hệ đặc biệt hiện nay bị phá hỏng, Hồng Kông là bên chịu nhiều thiệt hại hơn, nhưng thiệt hại đối với Trung Quốc cũng không hề nhỏ.
Thu Hương