MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: "Vườn địa đàng" không ở phía Đông

19-02-2016 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

​Câu chuyện về cuộc khủng hoảng bản sắc của ngân hàng lâu đời và thành công nhất lịch sử.

HSBC – một trong hai ngân hàng quan trọng nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu cùng với JPMorgan Chase – là biểu tượng cho sự trường cửu. Các toà nhà của ngân hàng này được canh gác bởi những chú sư tử đúc bằng đồng mà người qua đường thường chạm vào để lấy may. HSBC chưa bao giờ bị vỡ nợ, quốc hữu hóa hoặc thâu tóm, một thành tựu mà không một ngân hàng siêu lớn nào có được.

Ngân hàng này cũng chưa có một năm thua lỗ nào kể từ khi thành lập vào năm 1865. Trong khi nhiều ngân hàng phải nhận khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng trung ương các nước trong cuộc khủng hoảng năm 2008-10, HSBC, với nguồn tiền mặt dồi dào, đã cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Đâu là nhà?

Nhưng đằng sau hào quang chói lọi đó ẩn chứa một nỗi bất an: đâu là nhà? Khi những thương gia phương Tây và Ấn Độ thành lập ngân hàng ở Châu Á vào năm 1865, họ đã cân nhắc đặt trụ sở ở Thượng Hải trước khi chọn Hồng Kông. Đối mặt với các cuộc chiến tranh, cách mạng và mối đe dọa quốc hữu hóa, ngân hàng đã buộc phải di dời trụ sở hoặc thảo luận về vấn đề này vào các năm 1941, 1946, 1981, 1986, 1990, 1993, 2008 and 2009.

HSBC tin rằng những cột mốc trên là minh chứng cho sức sống của ngân hàng. Thời gian và chính trị đến rồi đi, chỉ có ngân hàng vẫn trường tồn. Kết quả của 10 tháng thảo luận về trụ sở mới vừa được công bố hồi đầu tuần. HSBC đã chọn ở lại London – nơi HSBC chuyển công ty mẹ đến vào năm 1990-1993, nhằm đối phó với việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, thay vì trở lại nơi sinh ra ngân hàng này.

Quyết định này một phần mang tính kỹ thuật: thuế, luật pháp và các chi phí khác. Nhưng nó cũng phản ánh những vấn đề vĩ mô: vị thế trung tâm tài chính của London, sự thống trị của đồng USD và sự tự chủ về tài chính, luật pháp và chính trị của Hồng Kông cho đến năm 2047 theo cam kết “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc. Sự trở về Hồng Kông sẽ là một món quà bất ngờ cho Trung Quốc khi niềm tin vào kinh tế nước này đang suy giảm. Đối với Anh, việc để mất công ty lớn nhất nước sẽ là một điều hổ thẹn.

Việc HSBC cân nhắc chuyển trụ sở vào điểm này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Ngân hàng này đang tái cơ cấu mạnh mẽ. Kể từ khi lên làm CEO vào năm 2011, Stuart Gulliver đã dừng quá trình mở rộng bắt đầu từ thập niên 2000 để tái tập trung vào tài chính thương mại. Ông đã bán 78 cơ sở kinh doanh và giảm gần một nửa số chi nhánh ở Mỹ. Nhiều khoản tiền lớn được chi để đảm bảo hoạt động tuân thủ pháp luật sau khi ngân hàng bị phạt vì rửa tiền ở Mexico.

4 yếu tố quyết định

Sự chuyển hướng của HSBC về Châu Á là một trong bốn yếu tố giải thích tình thế khó xử về trụ sở kéo dài 151 năm của ngân hàng. Các yếu tố khác là quốc tịch đa dạng của ban lãnh đạo, sự nhập nhằng trong chính sách tài chính của Anh và vị thế chính trị của Hồng Kông.

Trong thập niên 1980, cả bốn yếu tố đều hướng về London. Vào thời điểm đó, ngân hàng đang đa dạng hóa sang Châu Mỹ và Châu Âu (trước năm 2004, Châu Á chỉ đem lại một phần ba lợi nhuận). Vì thế đó là lẽ tự nhiên khi London được chọn là nhà cho các lãnh đạo người Anh của tập đoàn. Nước Anh tỏ ra hoan nghênh trước điều đó, đặc biệt sau khi HSBC mua Midland, một ngân hàng địa phương. Và HSBC đã thoát khỏi mối lo Trung Quốc sẽ phá vỡ cam kết với Hồng Kông. “Sớm hay muộn chúng tôi sẽ trở thành một ngân hàng của Trung Quốc,” chủ tịch ngân hàng thời đó nói về viễn cảnh giữ trụ sở ở lại Hồng Kông sau năm 1997.

Giờ thì ba trong bốn yếu tố đã hướng trở lại Châu Á. Châu Á đem lại 60% lợi nhuận. Con số này có thể tăng lên 75%. Gulliver đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở khu vực sông Châu Giang nói tiếng Quảng Đông. HSBC mang tính Châu Á hơn bất kỳ ngân hàng ở phương Tây nào khác. Việc Trung Quốc hạ cánh cứng, khủng hoảng ngân hàng ở nước này hay sự phá giá nhân dân tệ cũng không làm thay đổi được điều đó.


Cơ cấu lợi nhuận trước thuế đã được điều chỉnh (bên trái) và doanh thu của HSBC phân chia theo khu vực

Cơ cấu lợi nhuận trước thuế đã được điều chỉnh (bên trái) và doanh thu của HSBC phân chia theo khu vực

Ban lãnh đạo của HSBC hiện nay đến từ nhiều quốc gia, mặc dù có rất ít người Châu Á. AIA, một công ty bảo hiểm đã chuyển đến Hồng Kông sau khi tách khỏi tập đoàn American International Group vào năm 2010. Tiền lệ trên cho thấy việc một công ty tài chính lớn đặt trụ sở ở Hồng Kông mà không bị Trung Quốc chi phối là khả thi.

Nước Anh đã tỏ thái độ phản đối trước viễn cảnh trên. Những người chỉ trích lo ngại rằng người gửi tiền và người đóng thuế ở Anh sẽ phải trợ giá cho ngân hàng bằng cách cấp vốn cho hoạt động ở nước ngoài và ngầm bảo lãnh cho các khoản nợ của ngân hàng. Đây là lý do tại sao Anh lại đánh thuế lên doanh thu trên toàn cầu của ngân hàng, làm HSBC tốn 1,5 tỷ USD mỗi năm, tức bằng 1/10 lợi nhuận.

Những chính sách như sách trên được lập ra để ngăn ngừa khủng hoảng xảy ra nhưng đã bỏ qua cấu trúc ưu tiên an toàn của HSBC. Ngân hàng này có nhiều tiền mặt hơn dư nợ (trái phiếu và các khoản vay từ ngân hàng khác). Và 68% khoản tiền gửi vào ngân hàng đến từ bên ngoài nước Anh. Có lẽ các khoản trợ giá được lấy theo hướng này, từ người gửi tiền Châu Á đang cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho hệ thống tài chính của Anh.

Còn yếu tố thứ tư – Hồng Kông thì sao? Thành phố này đã thay đổi nhiều kể từ khi Gulliver sống ở đây lần đầu vào những năm 1980. Các tòa nhà chọc trời của những ngân hàng đến từ Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc, đang phủ bóng lên tòa nhà của HSBC, mà ở đây những người biểu tình đòi dân chủ đã cắm trại trong phong trào Chiếm Trung tâm vào năm 2012.

Lo hậu cần cho việc chuyển trụ sở cũng không quá phức tạp như người ta nghĩ. Một nửa cơ sở kinh doanh của HSBC đã nằm sẵn trong một chi nhánh ở Hồng Kông mà do HKMA quản lý. Cổ phiếu của HSBC được niêm yết ở cả Hồng Kông và London.

Mối lo của người Mỹ

Nhưng làm thế nào một vùng lãnh thổ có thể chứa an toàn một ngân hàng có GDP nhiều hơn mình 9 lần? Các quan chức Hồng Kông đã nêu ra ba lý do đảm bảo cho việc dời trụ sở sang đây. Thứ nhất, Hồng Kông có nhiều không gian thuận lợi cho thế mạnh của HSBC phát triển: văn hóa, vốn và nguồn tiền mặt dồi dào. Thứ hai, họ tin rằng trong một cuộc khủng hoảng, vị trí địa lý của Hồng Kông sẽ đảm bảo cho việc nhận được hỗ trợ từ ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Cuối cùng, vẫn còn đó 360 tỷ USD dự trữ ngoại hối của HKMA. Số tiền này sẽ giúp bảo vệ tỷ giá với đồng USD và “sự ổn định và toàn vẹn” của hệ thống tài chính. Giả sử HSBC gặp khủng hoảng, như Citigroup đã từng, ngân hàng sẽ phải cần tới 50 tỷ USD để tái vốn hóa – điều này nằm trong tầm tay của Hồng Kông.Vấn đề chỉ trở nên nghiêm trọng cho HKMA nếu thanh khoản vượt quá số dự trữ tiền mặt của HSBC. Trong khi HSBC hoạt động chủ yếu bằng USD, cơ chế của HKMA không cho phép in đô-la Hồng Kông với số lượng không giới hạn và cơ quan này không có chương trình đổi tiền với Fed như Ngân hàng Trung ương Anh.

Điều này nghĩa là HSBC có thể phải dựa vào sự hậu thuẫn ngầm của Trung Quốc đại lục, với nguồn lực tài chính hùng hậu của mình. Một quan chức phụ trách tài chính của Trung Quốc cho biết chính phủ nước này muốn ngỏ lời với HSBC. Trung Quốc rất muốn một ngân hàng toàn cầu để đại diện cho lợi ích của mình.

Động thái trên có thể làm người Mỹ bực mình khi họ trở nên phòng ngừa hơn trước việc người ngoài tiếp cận hệ thống tài chính của mình kể từ vụ tấn công 11/9 và cuộc khủng hoảng 2007-08. HSBC quản lý khoảng 10% số tiền thanh toán xuyên quốc gia bằng USD. Điều này có ý nghĩa quan trọng với hoạt động của ngân hàng. Giả sử một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, có khả năng Quốc hội Mỹ và các ngân hàng phố Wall sẽ quay lưng lại với một ngân hàng “Trung Quốc” có vai trò to lớn trong hệ thống đồng USD. Vào năm 2014, chính phủ Mỹ đã cấm BNP Paribas, một ngân hàng Pháp, giao dịch bằng USD trong một thời gian ngắn.

Vì thế việc chuyển đến Hồng Kông sẽ là một rủi ro cho HSBC. Đây là một sự đặt cược rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhưng hệ thống tài chính và pháp luật của nước này phải giữ khoảng cách đủ để Hồng Kông đóng vai trò làm cửa ngõ với thế giới của đại lục.

Chuyển trụ sở đến Hồng Kông giống hệt như một canh bạc, đầy rủi ro nhưng cũng rất hấp dẫn. Và, cuối cùng thì HSBC đã lựa chọn an toàn là trên hết.

Long Nam

Economist

Trở lên trên