Indonesia có thực sự là "nam châm hút vốn" mới của châu Á?
Những điểm tích cực về mặt kinh tế của Indonesia – từ dân số cho đến tài nguyên thiên nhiên – lẽ ra đã biến quốc gia này thành “thỏi nam châm” đầu tư. Tuy nhiên, vô số trở ngại đã khiến nó trở thành “miếng bánh khó xơi” đối với các nhà đầu tư ngoại.
- 20-01-2015Indonesia - cường quốc kinh tế châu Á mới
- 07-12-2014Đồng rupiah của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2008
- 14-08-2014Indonesia - "Công xưởng" mới của thế giới
Nội dung nổi bật:
- Indonesia vẫn còn nhiều rào cản gây trở ngại cho hoạt động đầu tư nước ngoài như các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý rườm rà và mất thời gian
- Năng suất của nhân công Indonesia không theo kịp với tốc độ tăng lương
Trong một thông báo tuần trước, Credit Suisse, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính trên toàn cầu của Thụy Sĩ, đã viết: “Không có động thái quan trọng nào để mở cửa các lĩnh vực nhằm chào đón đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)”. Ngân hàng này cũng cho biết thêm rằng theo thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), những chỉ số thể hiện các rào cản của chính sách đối với FDI ở quốc gia này không những khá cao so với khu vực mà còn đang có khuynh hướng cao hơn.
Các rào cản
Rào cản đầu tiên là xin phép hoạt động. Trước đây, muốn có được giấy phép để hoạt động ở Indonesia là phải mất... 3 năm.
Anton Alifandi, nhà phân tích tại IHS, một công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích kinh doanh toàn cầu, cho biết: “Một trong những khó khăn mà các công ty nước ngoài thường “kêu” khi thiết lập hoạt động ở Indonesia là thời gian và số cơ quan nhà nước mà họ phải “đương đầu” để có được giấy phép kinh doanh cần thiết.”
Dù tổng thống mới của Indonesia, ông Joko Widodo, đã cải cách thủ tục hành chính và chuyển sang chế độ “một cửa”, nhưng Alifandi vẫn chưa nghe được những phản hồi tích cực về chuyện này.
Quy trình chấp thuận giấy phép kinh doanh cũng thay đổi liên tục. Theo quan sát của Alifandi, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc có thể là vấn đề. Vào năm 2013, ngân hàng phát triển Singapore (DBS) đã hủy hợp đồng mua lại ngân hàng Bank Danamon của Indonesia trị giá 7,2 tỉ USD vì những quan ngại trong việc điều hành sau khi Indonesia quyết định hạn chế phần sở hữu ngoại của các ngân hàng ngay khi có đề nghị mua lại của DBS.
Một rào cản khác có thể cũng sẽ đến trong nay mai: “Một số quan chức và bộ trưởng Indonesia đã nói rằng nhân công nước ngoài cần phải vượt qua được kì sát hạch tiếng Indonesia trước khi có thể làm việc ở đất nước này,” Alifandi cho biết.
Điều đó sẽ làm cho tình hình càng tệ hơn vì các nhà đầu tư ngoại vốn đã xem quốc gia này là một thị trường lao động “khó nhằn”, dù rằng họ có lợi thế về mặt dân số.
Indonesia có một số quy định lao động khắt khe nhất châu Á, xếp thứ 110 trên tổng số 144 về mặt hiệu quả của thị trường lao động trong bản báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu năm 2014 của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Các nhà phân tích cho rằng tiền bồi thường thôi việc cao, có khả năng lên đến 30 tháng lương, là một khó khăn lớn. Các nhân viên tự nguyện thôi việc cũng thường được nhận một mức bồi thường gọi là “chia tay”.
Credit Suisse cho rằng điều này góp phần tạo ra một lượng lớn các nhân viên không chính thức, vì các công ty tránh ký những hợp đồng chính thức. Kết quả là đầu tư vào việc đào tạo và huấn luyện nhân công bị hạn chế, khiến cho vấn đề thiếu hụt kĩ năng càng trở nên trầm trọng.
Cũng theo Credit Suisse, dù quốc gia này rất đông dân số, tỉ lệ sinh sản cao và người già phụ thuộc là rất thấp, nhưng “lực lượng dân số nòng cốt tốt không có nghĩa là thuận lợi về mặt dân số.” Họ cũng cho biết là việc thuê những nhân công có kĩ năng ở đất nước này là rất khó khăn vì chưa tới 10% dân số Indonesia đạt tới trình độ đại học hoặc cao đẳng. Đây gần như là mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Những vấn đề khác
Những nhà phân tích khác lưu ý rằng năng suất của nhân công Indonesia không theo kịp với mức tăng lương.
Capital Economics, một công ty chuyên nghiên cứu về kinh tế vĩ mô hàng đầu của thế giới, cho biết: “Trong khi lương tăng trung bình 12%/năm kể từ năm 2011 – có thể là mức tăng nhanh nhất ở châu Á – thì mức tăng năng suất chỉ đạt trung bình khoảng 4%. Tuy nhiên, không hề có tiến triển nào trong các kế hoạch “đại tu” các quy định về thị trường lao động đáng lo ngại của Indonesia.”
Một yếu tố khác cũng khiến các nhà đầu tư ngoại e dè là nạn tham nhũng. Theo xếp hạng của tổ chức minh bạch quốc tế, Indonesia xếp thứ 107 trên tổng số 175 quốc trong danh sách.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn lo lắng về hệ thống pháp lý của quốc gia này. Chẳng hạn như theo một bài tường thuật của hãng thông tấn Reuters hồi tháng 2, mặc dù công ty viễn thông Bakrie Telecom của Indonesia không còn khả năng chi trả 380 triệu USD trái phiếu do họ phát hành. Kế hoạch tái cấu trúc nợ của công ty này, dù bị các chủ nợ phản đối, đã được chấp thuận bằng cách... tự cho mình vay để đủ điều kiện bỏ phiếu thông qua kế hoạch trên. Đáng ngạc nhiên là một tòa án ở Jakarta đã chấp thuận vụ này hồi tháng 12 năm ngoái.
Các cải cách đã được xem xét, nhưng quá trình rất chậm chạp.
Thật ra, chính phủ nước này đang theo đuổi một số cải cách để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, chẳng hạn như cắt giảm trợ cấp nhiên liệu đắt đỏ và chuyển khoản tiết kiệm đó sang cơ sở hạ tầng, gồm đường sắt, mạng lưới cung cấp điện, các cảng biển và sân bay vốn đang cần vốn hơn. Theo Reuters, Indonesia đã không xây mới một hệ thống đường sắt nào kể từ thời thực dân Hà Lan chấm dứt cách đây 70 năm.
Nhưng các nhà phân tích không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tiến triển nhanh chóng. “Sẽ mất ít nhất vài năm trước khi có sự cải thiện đáng chú ý”, Capital Economics cho biết.
Lê Thanh Hải