ING - "Sư tử tìm lại tiếng gầm"
"Mảnh mai" hơn và thông minh hơn, tập đoàn ING đang cố gắng lấy lại vị thế sau khủng hoảng tài chính.
Cách đây gần 1 thập kỷ, ING Group – với logo là con sư tử màu da cam – là hình ảnh thu nhỏ của những định chế tài chính hoạt động hăng hái nhất với các hoạt động ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản của ING vươn ra toàn cầu. Ngày nay, khi vừa mới hồi phục nhờ gói cứu trợ giải thoát tập đoàn khỏi cuộc khủng hoảng vì đầu tư quá nhiều vào nợ dưới chuẩn ở Mỹ, ING lại đã có một diện mạo hoàn toàn khác. Giờ đây, ING đơn thuần là một ngân hàng, tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Âu và có tổng thu nhập năm 2013 bằng khoảng 1/3 so với năm 2007. Trong khi các đối thủ khác như Commerzbank hay Royal Bank of Scotland chật vật thích nghi với những luật lệ mới, ING đã sẵn sàng.
Mới đây, ING vừa hoàn trả một nửa trong số 10 tỷ euro mà chính phủ đã bơm vào hãng trong kế hoạch giải cứu năm 2008. Theo kế hoạch, toàn bộ tiền gốc và lãi còn lại (683 triệu euro) sẽ được hoàn trả trong năm nay.
ING đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thu hẹp hoạt động. Theo Patrick Flynn – CFO của ING, hãng không chỉ bán đi mảng bảo hiểm ở mọi nơi (từ Argentina tới Hàn Quốc) mà còn bán cả bộ phận ngân hàng trực tiếp ở Mỹ, Canada và Anh. Các mảng ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản … cũng bị cắt bớt. Trong 5 năm qua, tổng cộng ING đã thực hiện hơn 50 giao dịch mua bán chia tách.
ING hiện là ngân hàng có tài sản gần 800 tỷ USD, chủ yếu thực hiện những hoạt động truyền thống là huy động tiền gửi và cho vay. Mảng ngân hàng bán lẻ tập trung ở châu Âu đóng góp khoảng 2/3 thu nhập. ING hoạt động như một ngân hàng toàn cầu có thị trường chủ chốt là nhóm Benelux (gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan) và hoạt động ở cả Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á.
Số tiền thu được từ việc bán các bộ phận được sử dụng để nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức 10,5%, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý. Lỗ hổng 8 tỷ euro trên bảng cân đối kế toán của ING (do thua lỗ từ việc nắm giữ cổ phần của các công ty con) đã được lấp đầy, củng cố sức mạnh của mảng bảo hiểm và tất nhiên là trả nợ cho chính phủ. Ngày nay, ING có khoảng 5,5 tỷ euro vốn thặng dư và có kế hoạch trả cổ tức trở lại vào giữa năm 2015. ING cũng hoạt động hiệu quả hơn (tỷ lệ chi phí/thu nhập năm 2013 thấp hơn 35% so với năm 2008) và an toàn hơn (mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2014, chi phí rủi ro đang giảm).
Ralph Hamers, người vừa nhậm chức CEO của ING vào năm ngoái, đang đặt cược vào công nghệ để phát triển các hoạt động hiện tại của ING thay vì mua lại một công ty khác. ING Direct là mảng ngân hàng trực tuyến hoạt động ở Australia và châu Âu. Ngân hàng này đang thu hút tiền gửi tiết kiệm “ngay trước mũi” các đối thủ sừng sỏ. Tuy nhiên, sử dụng số tiền này là nhiệm vụ còn khó khăn hơn. Koos Timmermans, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ING Direct, mặc dù hầu hết các khoản cho vay của ngân hàng này được tài trợ hoàn toàn bởi tiền gửi, không phải thị trường nào cũng đáp ứng được điều kiện này.
Ví dụ, ở Đức, nơi ING là ngân hàng tư nhân lớn thứ ba xét theo khối lượng khách hàng, tính đến cuối năm 2013, ING có 107 tỷ euro tiền gửi nhưng chỉ cho vay 71 tỷ USD. Ở Hà Lan, ING ở trong tình trạng ngược lại bởi người Hà Lan thường tiết kiệm tiền thông qua các kế hoạch hưu trí và vay thế chấp để tận dụng lợi thế về thuế.
Kể từ khủng hoảng, các nhà quản lý siết chặt giám sát rất khó để chuyển các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ ra nước ngoài và cho vay ở đâu đó. Điều này tạo ra bẫy thanh khoản, buộc các ngân hàng phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng bất chấp họ có tiền dư thừa.
Sau khi ECB đảm nhiệm vai trò giám sát các ngân hàng lớn nhất châu Âu vào tháng 11 tới, các rào cản này sẽ bị dỡ bỏ. Tuy nhiên, ING đã chuẩn bị sẵn sàng. ING lấy trọng tâm là tăng cho vay ở các thị trường mà người dân tiết kiệm nhiều, đặc biệt là cho vay tiêu dùng và cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ. Phương pháp tiếp cận này đã mang lại thành quả ở Đức ở Tây Ban Nha. ING không còn có yếu tố bất ngờ bởi các ngân hàng đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ. Tuy nhiên, nhờ tái cơ cấu đúng lúc, ING sẽ có được lợi thế.
Thu Hương