Kế hoạch Z của Eurozone (P2)
Nằm trong loạt bài về những sự kiện đã thay đổi châu Âu, bài viết này tập trung phân tích kế hoạch bí mật đã được vạch ra nhằm giải cứu cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp.
- 23-09-2014Kế hoạch Z của Eurozone
- 19-09-2014Đồng euro được cứu như thế nào? (P3)
Kế hoạch Plan Z khởi động vào đầu tháng 1/2012 được thực hiện bởi 4 thành viên chủ chốt. Jörg Asmussen , một quan chức cấp cao người Đức tham gia ban quản trị của ECB hồi tháng trước, đã được ông Draghi tin tưởng giao trách nhiệm dẫn dắt nhóm lên kế hoạch cho sự ra đi của Hy Lạp.
Thomas Wieser, người đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng tài chính Áo trong một thời gian dài, đã được bổ nhiệm là Trưởng ban thường trực của “Nhóm làm việc châu Âu” bao gồm các phó Bộ trưởng tài chính cùng nhau làm việc tại Brussel để hỗ trợ ông Marco Buti (thành viên của Ủy ban châu Âu). Poul Thomsen, một đại diện từ Đan Mạch đứng đầu nhóm giải cứu khủng hoảng nợ công Hy Lạp của IMF, chịu trách nhiệm tiếp nhận nguồn tài chính từ các quỹ ở Washington.
Tại Washington, các quan chức của IMF chuẩn bị một kế hoạch hành động dài 20 trang. Dựa vào kinh nghiệm của họ về hoạt động của các ngân hàng, khủng hoảng tiền tệ, các đại diện cho biết kế hoạch chi tiết của IMF bao gồm cả những hành động quyết liệt như việc đóng cửa hàng loạt các ATM và khôi phục kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng chảy vốn ồ ạt.
Tại NHTW châu Âu ECB, các quan chức nghiên cứu kinh nghiệm của Argentina trong việc ban hành giấy nhận nợ (IOUs) năm 2001. Những bài học kinh nghiệm sẽ được áp dụng trong trường hợp tiền giấy euro và tiền xu ở Hy Lạp bị thu hồi và không được sử dụng. Một trong những phương án giải cứu Hy Lạp được lựa chọn bao gồm việc ban hành IOUs trị giá bằng 1/2 đồng euro hiện tại bởi việc in ấn lượng tiền mới cho Hy Lạp trong một thời gian ngắn sẽ là một “cơn ác mộng”.
Các quan chức ECB cũng lật lại sự kiện quân đội Mỹ đưa đồng dinar mới vào lưu thông ở Iraq năm 2003 nhưng không thành vì những khó khăn về hậu cần. Khả năng tự in tiền của Hy Lạp là khá hạn chế. Kể từ khi euro được sử dụng ở đây, hầu hết số tiền mà Athens in ra là những tờ 10 euro.
Hàn gắn kinh tế Hy Lạp cũng là một nhiệm vụ phức tạp không kém. Giống như hầu hết các nước trong khu vực EU, Hy Lạp được kết nối bởi một hệ thống có tên gọi Target 2. Đây là một hệ thống máy tính khổng lồ được điều hành bởi ECB và NHTW các nước, giúp cho các giao dịch thương mại được vận hành thông suốt. Một khi Hy Lạp bị ngắt kết nối khỏi hệ thống Target 2, các giao dịch sẽ ngay lập tức bị đình trệ, khiến nền kinh tế bị ngăn chặn và bào mòn. Hy Lạp phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống.
Đối với rất nhiều người tham gia xây dựng PlanZ, đây là một cuộc tranh luận thay vì một kế hoạch hành động.
Hy Lạp "thoát chết"
Nếu không có các khoản cứu trợ, Athens sẽ không bao giờ trả hết nợ. Họ sẽ phải tiếp tục gánh chịu số trái phiếu trị giá 3,1 tỷ euro đến hạn vào ngày 20 tháng 8, một phần trong số đó được sở hữu bởi ngân hàng trung ương châu Âu ECB.
“Một cuộc vỡ nợ tồi tệ” - nếu họ không thể trả hết nợ trái phiếu – chắc chắn sẽ buộc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro, nếu Athens không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào, chính phủ sẽ không phải đối tượng duy nhất cạn kiệt tài chính.
Vào thời điểm đó, các ngân hàng Hy Lạp vẫn dựa vào các khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng trung ương để sống sót bởi các nhà đầu tư đã ngừng bất cứ khoản vay nào. Để nhận được hỗ trợ từ ngân hàng trung ương, các ngân hàng Hy Lạp phải cung cấp một số tài sản thế chấp – với hầu hết các ngân hàng bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng – đó là trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ sẽ trở nên vô giá trị nếu một cuộc vỡ nợ thật sự xảy ra. Vì vậy, các khoản vay từ ngân hàng trung ương đã ngay lập tức bị tạm ngừng. Thiếu hụt các khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, các ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản. Không có ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc không có nền kinh tế.
Điều này sẽ không xảy ra đối với một hệ thống tiền tệ truyền thống. Nhưng ngân hàng trung ương tại Hy Lạp lại không vận hành theo phong cách truyền thống. Trụ sở ngân hàng trung tâm được đặt tại Frankfurt, cán bộ điều hành chủ yếu không phải người Hy Lạp. Hiện tại, các ngân hàng bình thường không có cách nào yêu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Cách duy nhất để họ khởi động lại hệ thống ngân hàng là Athens cần thiết lập ngân hàng trung ương của chính họ và bắt đầu in ấn đồng tiền riêng.
Nếu hành động rút tiền xảy ra trên diện rộng một lần nữa, hậu quả sẽ tương đương với “một cuộc vỡ nợ”. Các ngân hàng Hy Lạp sẽ gần như hết sạch tiền mặt, ngân hàng trung ương châu Âu ECB sẽ không thể trợ giúp gì bởi khả năng chi trả hầu như bằng không.
Trong cơn bão rút tiền xảy ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 – NHTW Hy Lạp đã mở cửa 24/24. Các nhân viên đều rất hoảng sợ - không loại trừ những người đang quan sát tình hình từ ECB.
Kể từ thời điểm thành lập, với hiệp ước Maastrich năm 1992, cho đến nay, cuộc tranh luận về vấn đề Hy Lạp đã xuất hiện trong hầu hết các cuộc họp của khu vực đồng tiền chung euro. Câu hỏi được đặt ra là khu vực đồng euro - vốn là tập hợp một số ít các quốc gia có các điều kiện kinh tế chính trị tương đương, đứng đầu là Đức – có nên mở cửa chào đón các quốc gia có nền kinh tế kém hơn?
Như một nhà khoa học thận trọng nghiên cứu để đưa ra các kết quả đáng tin cậy, bà Merkel đã bắt tay vào xử lý vấn đề trên từ nhiều tháng trước kỳ nghỉ hè năm 2012. Nhiều người cho rằng trong khoảng thời gian đó, bà đã có cuộc gặp gỡ riêng với hầu hết các “đầu não” chính trị và kinh tế của châu Âu. Nhưng dù sao, điều này cũng chỉ là phóng đại mà thôi.
Các chuyên gia tư vấn của bà Merkel chia thành hai trường phái riêng: phái theo “học thuyết domino” và phái “chân thừa”. Phái “domino” cảnh báo rằng sự ra đi của Hy Lạp sẽ chỉ tạo thêm sự hoảng loạn, làm gia tăng việc bán tháo các trái phiếu chính phủ ở châu Âu, có khả năng sẽ kéo theo hàng loạt vụ vỡ nợ trên diện rông tại các ngân hàng ở Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp.
Phái “chân thừa” cho rằng việc loại bỏ Hy Lạp sẽ giúp cải thiện tình trạng của các thành viên còn lại trong khu vực đồng euro. “Hiện nay có hai trường phái trái chiều, cả hai bên bên đều có sự tham gia của rất nhiều nhà kinh tế học có uy tín,” một quan chức Đức nói.
Tuy nhiên, sau khi tập hợp các nghiên cứu, các bộ trưởng cho rằng sự ra đi của Hy Lạp sẽ giảm thiểu chi phí trong tương lai gần, so với việc cố gắng giữ lại một nền kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng và tìm cách cứu chữa nó. Các nhà quan sát bên ngoài cũng bắt đầu vào cuộc để kiểm tra các nhận định trên.
Bà Merkel đang đau đầu khi cân nhắc lời khuyên từ ba cố vấn ngân hàng mà bà rất tin tưởng: ông Asmussen - người giữ chức phó chủ tịch bên cạnh ông Schäuble trước khi chuyển tới ECB; bà Jens Weidmann – cựu cố vấn kinh tế của bà Merkel trước khi giữ chức chủ tịch ngân hàng Bundesbank vào năm ngoái và ông Philipp Hildebrand – cựu chủ tịch ngân hàng Swiss National Bank.
Mọi ý kiến đều có chung mối quan tâm về tình trạng “ỷ thế làm liều”, và nỗi lo ngại Hy Lạp sẽ không giữ lời hứa khi họ đã cam kết để nhận gói cứu trợ. Sau cùng, gánh nặng nợ nần sẽ được chuyển từ Athens lên vai người Đức. Tuy nhiên, họ cũng thông báo với bà Merkel rằng mọi cố gắng dự đoán chi phí cho sự ra đi của Hy Lạp tại thời điểm này là vô nghĩa.
Những nỗ lực của ông Buti và nhóm soạn thảo kế hoạch Z dường như đã đem lại kết quả. Các quan chức Đức cho biết bà Merkel đã được thông báo về cơ hội mong manh để đạt được sự đồng thuận của 17 nước EU về kế hoạch ra đi của Hy Lạp. Kế hoạch đã được thảo luận kín đáo mà không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ các tổ chức bên ngoài, trong khi Hy Lạp không hề tỏ ý muốn rời đi.
Cuộc thảo luận chính trị ở Berlin về vấn đề Hy Lạp gần như mang tính chủ quan. Nhiều nhà lãnh đạo EU đã tiếp xúc trực tiếp với bà Merkel nói rằng bà không có sự quan tâm đặc biệt với các kế hoạch của EU như những người tiền nhiệm theo đảng Dân chủ như ông Helmut Kohl hay ông Konrad Adenauer. Họ cũng nói thêm rằng điều này có thể liên quan đến việc bà đã được sinh ra và lớn lên tại khu vực theo chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức.
Trong lúc đó, một vài nhà lãnh đạo cho biết họ bắt đầu cảm nhận được gánh nặng lịch sử trên vai bà Merkel. Liệu bà sẽ trở thành nữ thủ tướng Đức đầu tiên “có khả năng phá vỡ khu vực châu Âu, mặc dù điều này chưa trở thành hiện thực nhưng nguy cơ vẫn còn tồn tại?” một quan chức Đức nói.
Hồi giữa tháng 7, bà Merkel đã dành kỳ nghỉ hè 6 tuần của mình để gác lại công việc và cân nhắc lời khuyên từ các cố vấn. Mặc dù nữ thủ tướng vẫn tỏ thái độ chậm chạp, áp lực từ các nhà chính trị cấp cao Đức công khai ủng hộ sự ra đi của Hy Lạp đã lên đến đỉnh điểm.
Cuối cùng đã đến lúc bà Merkel tự đưa ra quyết định. Sau 6 tuần cân nhắc, nữ thủ tướng Đức trở lại Berlin với phán quyết của mình. Các lý luận khoa học cũng không thể dự đoán trước điều này. Đây là phẩm chất thận trọng bẩm sinh của một nhà chính trị, bà sẽ không ủng hộ quyết định ra đi của Hy Lạp nếu không một cố vấn nào của bà chắc chắn về hậu quả của nó.
Các cuộc thảo luận về sự ra đi của Hy Lạp đã chấm dứt. Bà Merkel đã có chuyến thăm ngoại giao chính thức đến Athens hồi tháng 10. Tại Brussels, sau hàng loạt cuộc họp của các bộ trưởng tài chính, một gói cứu trợ mới đã được thông qua, với điều kiện Hy Lạp phải đưa ra cam kết trả nợ ngay sau khi tài khoản quốc gia được cân bằng, được dự tính vào năm 2013.
Kế hoạch cứu trợ cho Hy Lạp trị giá 34,2 tỷ euro đã được thông qua vài giờ trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU tháng 11 năm 2012. Khi vừa mới xuất hiện, ông Samaras đã lập tức tuyên bố: “Tinh thần đoàn kết giữa các thành viên khu vực EU sẽ sống mãi. Kế hoạch ra đi của Hy Lạp đã hoàn toàn bị hủy bỏ.” Việc gây sức ép để Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro sẽ không bao giờ lặp lại một lần nữa.
Thảo Phương