MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi cá hồi làm cứu cánh cho dầu mỏ

01-03-2016 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù đang chết chìm trong dầu mỏ, thế giới lại đang thiếu cá hồi.

Trong khi giá trị của các hãng khoan dầu và chở dầu do Fredriksen sỡ hữu sụt giảm, cổ phiếu của vị tỷ phú này ở công ty sản xuất cá hồi Marine Harvest đã tăng 50% trong 18 tháng qua.

Khi 4,5 kg cá hồi Đại Tây Dương có giá cao hơn một thùng dầu thô vào tháng trước, không ai trong ngành công nghiệp dầu mỏ có thể ăn mừng, trừ John Fredriksen.

Đối với Fredriksen, người xây dựng cơ ngơi từ tàu chở dầu và khoan dầu ngoài khơi, sự việc trên lại khiến ông thấy có chút ấm lòng. Mặc dù tổng tài sản của Fredriksen đã giảm 40% xuống 10,6 tỷ USD trong 18 tháng qua, khoản đầu tư của ông vào hãng sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới đã tăng 50% do giá cá tăng lên mức kỷ lục.

Fredriksen đã đặt nền móng cho hoạt động kinh doanh vận tải biển của mình trong thập niên 1970 và 1980 khi dám đặt cược vào vùng Trung Đông đầy rẫy xung đột. Tuy nhiên, 25% cổ phần của Marine Harvest ASA mới là khoản đầu tư giá trị nhất của ông. Số cổ phần này là một món hời lớn cho vị tỷ phú 71 tuổi sinh ra ở Na Uy trong bối cảnh thị trường dầu thô xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm.

“Không nghi ngờ gì nữa, đầu tư vào cá là một lựa chọn thông minh,” Kolbjoern Giskeoedegaard, một chuyên gia ở Nordea Bank AB cho biết. “Quan trọng là Fredriksen biết cách đặt trứng trong nhiều giỏ, điều mà ông đang tập trung làm trong những năm gần đây.

Số cổ phần 1,6 tỷ USD ở Marine Harvest của Fredriksen hiện nay có giá trị gấp 7 lần cổ phần ở hãng khoan dầu ngoài khơi Seadrill Ltd., trụ cột trước kia trong đế chế của ông trước khi giá của chúng tụt xuống mức kỷ lục do nhu cầu của các công ty dầu mỏ suy yếu. Theo Bloomberg, số tài sản ở Marine Harvest còn nhiều hơn cổ phần ở Seadrill, hãng chở dầu Frontline Ltd và công ty giao dịch dầu Arcadia Petroleum Ltd cộng lại.

Nuôi cá hồi

Ông trùm vận tải biển này đã tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi cá hồi từ giữa thập kỷ trước, khi các dịch bệnh ở động vật như cúm lợn khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang các nguồn protein khác như hải sản. Giống như việc Seadrill đã phát đạt trong con sốt giá dầu sau khi thành lập vào năm 2005 và giúp Fredriksen trụ vững qua đợt suy thoái trên thị trường chở dầu, Marine Harvest đang là bệ đỡ cho sự lao dốc của giá dầu.

Fredriksen, giờ là một công dân của đảo Síp, đã hé lộ ý định nắm giữ lâu dài cổ phần ở Marine Harvest, chủ tịch của hãng này, Ole Eirik Leroey cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Na Uy.

“Ông ấy là một trong những người có tư duy logic nhất mà tôi từng biết,” Leroey. “Ông ấy sở hữu khả năng phát hiện cơ hội không thể tin được và liên tục đòi hỏi sự tiến bộ.”

Fredriksen cũng có khả năng khai thác tốt các công ty mình đầu tư để lấy cổ tức. Cổ tức trong 12 tháng ở Seadrill là gần 11% vào tháng 8/2014 khi hãng này công bố đợt trả cổ tức cuối cùng trước khi những hỗn loạn trên thị trường buộc công ty phải ngừng trả cổ tức vài tháng sau đó. Marine Harvest có chính sách trả ít nhất 75% dòng tiền mặt nhàn rỗi hàng năm cho các cổ đông.

“Chúng ta có một cổ đông lớn, người sẽ đảm bảo chính sách này luôn được giữ vững,” Leroey nói trong một bài phát biểu. “Bạn có thể an tâm về điều này.”

Giá trị của Seadrill đã giảm 93% kể từ 1/6/2014 do giá dầu sụp đổ khiến các nhà sản xuất cất giảm chi tiêu, làm xói mòn nhu cầu cho dịch vụ khoan dầu. Một làn sóng các tàu chở dầu mới đóng cũng gây ra tình trạng thừa cung trên thị trường vận tải biển.

Ngược lại, cổ phiếu của Marine Harvest đã tăng 75% trong cùng giai đoạn trên do sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá cá hồi lên và nhu cầu gia tăng từ Châu Âu và Châu Á. Trong tuần trước, cổ phiếu của hãng này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2003, thời điểm trước khi hãng được PAN Fish ASA của Fredriksen thâu tóm.

“Năng lực sản xuất toàn cầu đang bị hạn chế, ít nhất trong một khoảng thời gian nữa. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành sản xuất cá hồi sẽ tăng từ 15 - 20% nữa,” Giskeoedegaard, chuyên gia của Nordea Bank nhận định.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên