Khi cơn hoảng loạn lan ra toàn cầu
Cú sốc ở vùng Trung Đông lan ra toàn nước Mỹ và sau đó “nhảy” từ New York sang Liverpool, Glasgow và cuối cùng cũng chạm đến London. Các thị trường cũng sụp đổ ở Paris, Hamburg, Copenhagen và Vienna.
- 15-04-20141792 - Gói cứu trợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ
- 14-04-2014Những cú sốc định hình nền tài chính hiện đại
- 16-04-2014Cuộc khủng hoảng đầu tiên của thị trường mới nổi
Các cuộc khủng hoảng sẽ khiến thị trường tài chính chao đảo. Đó là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của khủng hoảng ít được bàn luận đến: chính khủng hoảng góp phần định hình thị trường tài chính. 5 cuộc khủng hoảng trong quá khứ sẽ cho chúng ta thấy những khía cạnh của hệ thống tài chính ngày nay bắt nguồn từ đâu. Các nhà quản lý cũng có thể học được nhiều bài học từ các sự kiện này.
Đây chính là nội dung của chùm bài viết được đăng tải trên tờ The Economist mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc.
Bài viết này nói về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đầu tiên.
Đến giữa thế kỷ 19, thế giới đã quá quen với các cuộc khủng hoảng tài chính. Gần như cứ mỗi thế kỷ, nước Anh lại trải qua một cuộc khủng hoảng. Theo sau khủng hoảng 1825 – 26 là những cơn hoảng loạn trong năm 1837 và 1847. Do đó, đối với những người đã nắm được quy luật này, sự kiện thị trường sụp đổ năm 1857 không có gì khó hiểu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này có nhiều điểm khác biệt. Cú sốc ở vùng Trung Đông lan ra toàn nước Mỹ và sau đó “nhảy” từ New York sang Liverpool, Glasgow và cuối cùng cũng chạm đến London. Các thị trường cũng sụp đổ ở Paris, Hamburg, Copenhagen và Vienna. Khủng hoảng đã lan ra toàn cầu.
Nhìn bề ngoài thì nước Anh đã làm khá tốt trong những năm 1850. Hoạt động xuất khẩu ra thị trường thế giới bùng nổ, những mỏ vàng được phát hiện ở Australia. Tuy nhiên, ẩn sau ở bên trong là hai thay đổi lớn đang diễn ra.
Sự thay đổi đầu tiên là mạng lưới các liên kết về kinh tế đã hình thành. Đến năm 1857, Mỹ có thâm hụt cán cân vãng lai ở mức 25 triệu USD với Anh và các thuộc địa là đối tác thương mại chính. Người Mỹ mua nhiều hàng hóa hơn so với bán ra, trong khi Anh mua các tài sản của Mỹ để cung cấp nguồn vốn (giống như Trung Quốc ngày nay). Đến giữa những năm 1850, khối lượng cổ phiếu và trái phiếu Mỹ mà Anh nắm giữ có giá trị vào khoảng 80 triệu USD.
Các công ty đường sắt là một lựa chọn đầu tư được khá nhiều người ưa chuộng. Cổ phiếu của các công ty đường sắt Mỹ (như Illinois Central hay Philadelphia và Reading) đều được người Anh nắm giữ nhiều đến nỗi họ có mặt trong hội đồng quản trị. Mặc dù lợi nhuận của các công ty này không tương xứng với giá trị vốn hóa của chúng, điều đó cũng không hề gì bởi đây là khoản đầu tư mang tính chất dài hạn.
Thay đổi lớn thứ hai là các phát minh tài chính nở rộ. Vì các ngân hàng cổ phần của Anh lớn mạnh, lượng tiền gửi tăng tới 400% từ năm 1847 đến 1857. Đồng thời, một loại hình mới là hãng chiết khẩu (the discount house) mọc lên như nấm ở London. Đầu tiền, loại hình này ra đời với hình thức những người môi giới kết nối nhà đầu tư với các doanh nghiệp thiếu tiền. Tuy nhiên, khi thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ, các tổ chức biến đổi. Chúng nhận tiền của nhà đầu tư và hứa hẹn tiền có thể được rút ra bất cứ lúc nào.
Cạnh tranh diễn ra rất gay gắt. Bởi vì các ngân hàng cổ phần trả cho người gửi tiền mức lãi suất thấp hơn 1 điểm phần trăm so với lãi suất của NHTW Anh, bất kỳ hãng chiết khẩu nào trả giá thấp hơn sẽ không thể thu hút nguồn vốn.
Tuy nhiên, bởi vì NHTW là một ngân hàng hoạt động năng nổ và chiết khấu tốt nhất, mức lợi suất mà ngân hàng này đưa ra được coi là mức trần cho lãi suất mà các hãng chiết khấu có thể thu từ người đi vay. Bởi vì tiền mặt có lãi suất gần như bằng 0, họ cắt giảm lượng dự trữ tiền mặt xuống gần 0 và cho rằng luôn luôn có thể vay từ NHTW Anh, kể cả trường hợp nhà đầu tư rút tiền với quy mô lớn.
Trong khi đó ở Mỹ, Edward Ludlow - lãnh đạo của công ty bảo hiểm Ohio Life – bị cuốn vào cơn sốt công ty đường sắt. Các đường ray mới được xây dựng để nối liền các thành phố phía Đông với các thị trấn mới. Có rất nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay rót tiền vào ngành này, nhưng Ludlow mạnh tay hơn cả. Ludlow đầu tư 3 triệu USD vào các công ty đường sắt trong khi tổng tài sản của Ohio Life là 4,8 tỷ USD.
Cuối mùa xuân năm 1857, cổ phiếu đường sắt bắt đầu lao dốc. Vì có tỷ lệ đòn bẩy quá lớn và đầu tư quá nhiều vào ngành này, Ohio Life sụp đổ vào ngày 24/8. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Charles Calomiris (đến từ ĐH Columbia) và Larry Schweikart (đến từ ĐH Dayton) cho thấy rắc rối đã lan rộng ra phía Đông. Khi các ngân hàng bán tháo cổ phiếu, giá còn giảm mạnh hơn nữa và lỗ cũng phình to. Đến ngày 13/10, phố Wall chật cứng những người gửi tiền yêu cầu được trả lại tiền. Hệ thống tài chính của nước Mỹ sụp đổ.
Khi những quân domino bắt đầu bị đốn ngã, những thành phố đầu tiên ở Anh bị ảnh hưởng là Glassgow và Liverpool. Các thương nhân giao dịch với các công ty Mỹ bắt đầu gặp khó khăn kể từ tháng 10. Dennistoun, một ngân hàng của Mỹ có chi nhánh ở Liverpool, Glasgow, New York và New Orleans sụp đổ vào ngày 7/11. Toàn bộ hệ thống ngân hàng của nước Anh lâm vào khủng hoảng:
Các hãng chiết khấu khiến vấn đề tệ hơn nhiều lần. Họ đã trở thành nguồn tín dụng không thể thiếu của các công ty. Tuy nhiên, nhà đầu tư hoài nghi về bảng cân đối kế toán của các định chế này. Tiếp sau đó là các doanh nghiệp phá sản. Trong vòng 3 tháng cuối của năm 1857, tổng cộng có 135 vụ phá sản, khiến nhà đầu tư mất 42 triệu USD.
Tầm quan trọng của nền kinh tế Anh cũng như hệ thống tài chính nước này đồng nghĩa với cơn hoảng loạn lan ra toàn bộ châu Âu.
Khủng hoảng lan rộng (theo thứ tự trong bản đồ)
Không chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đầu tiên, khủng hoảng 1857 còn đưa đến một kết luận mới: mạng lưới đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính có thể khiến người ta chấp nhận quá nhiều rủi ro. Các hãng chiết khấu hành động theo cách mạo hiểm, nắm giữ quá ít tài sản có tính thanh khoản cao và sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lớn là bởi họ biết rằng lúc nào cũng có thể vay tiền từ NHTW Anh.
Không hài lòng với điều này, NHTW Anh thay đổi chính sách vào năm 1858. Các hãng chiết khấu phải tự bảo hiểm, duy trì dự trữ tiền mặt thay vì phụ thuộc vào NHTW. Cuộc khủng hoảng 1857 trở thành ví dụ hiếm hoi cho trường hợp nhà nước cố gắng thu hẹp hỗ trợ đối với các ngân hàng. Sự kiện này cũng cho thấy cắt giảm trợ cấp là chính sách không bao giờ được ưa chuộng.
NHTW Anh được cho là đã vội vã khi thực hiện cải cách. The Economist cho rằng cải cách nên được áp dụng từ từ trên từng trường hợp cụ thể thay vì áp đặt trên diện rộng. Một số người thì cho rằng NHTW Anh thiếu đi niềm tin của thị trường bởi nó sẽ không bao giờ cho phép một hãng chiết khấu lớn sụp đổ. Họ đã nhầm. Năm 1866, Overend & Gurney - khi đó là một ông lớn trên thị trường - cần đến tiền mặt khẩn cấp. NHTW Anh đã từ chối cứu trợ. Nước Anh được hưởng 50 năm yên bình sau đó. Một số nhà sử học thừa nhận đó là do sự thận trọng của ngành ngân hàng sau những bài học về rủi ro đạo đức.
Thu Hương