MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi thị trường mới nổi không thể "nổi"

26-08-2015 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Nhóm các nền kinh tế mới nổi đã để cho tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Với những gì diễn ra trong mấy ngày qua đối với chứng khoán và tiền tệ trên các thị trường mới nổi, có thể ví von rằng những tin xấu từ Trung Quốc đã thổi bùng lên ngọn lửa “thiêu đốt” các nền kinh tế đang phát triển, khiến họ còn rất ít lối thoát để trốn tránh những điều tồi tệ.

Ở Indonesia, những container chất đầy than đá đang chất đầy ở các bến cảng mà đáng lẽ chúng phải được chuyển tới Trung Quốc. Ở Nam Phi, những mỏ kim loại từng đáp ứng nhu cầu tưởng như vô tận của Trung Quốc đã bắt đầu sa thải nhân công. Còn ở trên thị trường tài chính, nhà đầu tư phản ứng bằng cách tháo chạy.

Hôm thứ hai tuần này (25/8), các đồng tiền của Nga, Indonesia, Nam Phi, Brazil và các nước xuất khẩu hàng hóa khác đã chạm đáy thấp nhất nhiều năm so với USD. Các chỉ số chứng khoán “lao dốc không phanh”.

Đồng ruble chạm đáy thấp nhất 7 tháng, và đến cuối giờ giao dịch ở Moscow đã rơi xuống mức 70,9 ruble đổi 1 USD, thấp nhất từ trước đến nay. Cách đây 1 năm, 1 USD chỉ đổi được 36 ruble.

Các đồng tiền yếu ớt này là hiện thân của tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Đầu tiên họ nâng lãi suất để bảo vệ nội tệ, nhưng nền kinh tế phải “lĩnh đòn” vì tín dụng bị thắt chặt. Các nước phản ánh bằng cách để đồng bản tệ giảm giá, nhưng lạm phát sẽ ăn mòn túi tiền của các hộ gia đình. Trong khi đó, những khoản nợ bằng USD phình to, khiến nhiều Chính phủ và các công ty mắc kẹt trong bẫy tiền mặt.

Những vấn đề mà Nga gặp phải là hồi chuông cảnh tỉnh về sự mong manh của các nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào giá nguyên vật liệu thô đang được hỗ trợ bởi nhu cầu của Trung Quốc, cũng như về những tình thế éo le mà các nhà hoạch định chính sách gặp phải.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến giá các mặt hàng xuất khẩu của Nga giảm mạnh, đồng thời giá dầu – nguồn thu ngoại tệ chính của Nga – cũng rớt thảm. Quay ngược trở lại, những yếu tố này rất bất lợi cho đồng ruble.

Đồng ruble yếu đã đẩy lạm phát của Nga lên trên 15%, cũng đồng nghĩa NHTW Nga cỏn rất ít dư địa để hạ lãi suất nhằm phục hồi nền kinh tế. Quý II, GDP của Nga suy giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, Nga đã phải ngừng việc lấy dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng ruble, điều mà nước này đã làm trong nhiều năm qua. Cuối năm ngoái, đồng ruble được thả nổi sau khi Nga đã chi gần 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong nỗ lực hỗ trợ đồng tiền này nhưng chỉ nhìn thấy đồng ruble yếu dần đi. Hiện Nga còn 363 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Trong 2 năm gần đây, quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi và Nga đã đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc (chỉ đứng sau Saudi Arabia) và cũng đang cố gắng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đặc biệt là trong các dự án năng lượng quy mô khổng lồ.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi đã để cho tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ở Thái Lan, nước cung cấp lượng lớn cao su cho các nhà máy sản xuất lốp xe ở Trung Quốc, Perk Lertwangpong cho biết ông dự báo năm nay xuất khẩu sẽ giảm 20% so với năm trước. Perk từng là Chủ tịch Hiệp hội trồng cao su và hiện là một nông dân trồng cao su.

Indonesia xuất khẩu các mặt hàng than đá, quặng và dầu cọ sang Trung Quốc. Năm 2012, nước này tăng trưởng khoảng 6%. Còn năm nay, TTCK đã giảm hơn 20%, đồng nội tệ rupiah mất 12,5% kể từ đầu năm đến nay và đang ở mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á.

Mỹ Latinh cũng lâm vào cảnh tương tự. Khu vực này đã dựa vào nhu cầu đậu tương, đồng và quặng sắt của Trung Quốc trong suốt 15 năm qua. Đồng peso của các nước xuất khẩu dầu mỏ từ Mexico tới Colombia đều chạm đáy. Kể từ đầu năm đến nay đồng peso Mexico đã giảm tổng cộng 23%, trong khi của Colombia mất 60% và đồng real của Brazil giảm gần 36%.

Doanh thu của Vale – nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới có trụ sở ở Rio de Janerio – đã giảm 29,7% trong quý II vì nhu cầu yếu từ Trung Quốc đẩy giá hàng hóa xuống thấp. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Vale cũng như của Brazil. Công ty này đã phải bán tháo các tài sản đầu tư ngoài ngành, trong đó có 4 tàu chở quặng.

Nam Phi đang chứng kiến lạm phát leo thang. Giới phân tích cảnh báo nước này có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng vốn đã đặt ở mức rất thấp. Tháng trước NHTW Nam Phi đã hạ lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ bất chấp những căng thẳng trong nền kinh tế. Cơ quan này tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường ngoại tệ nếu đồng rand tiếp tục giảm giá.

Bị thiệt hại nặng nhất là các mỏ vàng, bạch kim và sắt đã từng giúp Nam Phi trở thành nền kinh tế phát triển nhất ở châu Phi. Trung Quốc cũng vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nam Phi.

Đồng nội tệ yếu cũng giúp ích cho các nước có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Từ những chiếc xe hơi được sản xuất ở Mexico cho tới những bông hoa được trồng ở Colombia, các hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ Latinh sẽ rẻ hơn, giúp tăng lợi thế cạnh tranh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Mexico, đối thủ quan trọng cạnh tranh với Trung Quốc nhằm giành thị phần xuất khẩu trên thị trường Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Tom Lembong cho biết tình hình hiện tại có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào tài nguyên. Sau khi đồng rupiah giảm giá, năm nay Indonesia có thể đạt được thặng dư thương mại sau 4 năm thâm hụt liên tiếp. Trong khi đó nước Nga đối đầu với đợt giảm giá đồng ruble lần này một cách bình tĩnh hơn so với hồi tháng 12.

Các ngân hàng Nga không ghi nhận bất kỳ sự gia tăng bất thường nào trong hoạt động bán ngoại tệ. Natalia Muravyova, một nhân viên văn phòng 30 tuổi nói: “Chúng tôi không còn quan tâm đến tỷ giá nữa. Có cảm giác bạn không thể can thiệp được gì, không có điều gì phụ thuộc vào bạn, vì thế bạn chỉ đừng từ xa quan sát mà thôi”.

Muravyova đã phải hủy kế hoạch đi nghỉ ở châu Âu cũng chồng và các con. Thay vào đó cô tới Crimea.

Thu Hương

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên