MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng – mảnh đất cho chủ nghĩa bảo hộ

27-07-2012 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Từ giữa tháng 10/2011 đến giữa tháng 5/2012, có 182 biện pháp mới được thực hiện ở các nước trên thế giới, ảnh hưởng tới 0,9% giá trị nhập khẩu toàn cầu

Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho rằng, sự gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch ở các nền kinh tế thành viên G20 đang “phát đi một tín hiệu sai” tới các đối tác thương mại toàn cầu, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi các thành viên G20 “nghiêm túc tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ”.

Rào cản thương mại ngày càng tăng

Trong báo cáo về những diễn biến liên quan thương mại gửi Cơ quan Đánh giá chính sách thương mại (TPRB) mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cho biết, từ giữa tháng 10/2011 đến giữa tháng 5/2012, có 182 biện pháp mới được thực hiện ở các nước trên thế giới nhằm hạn chế hoặc có khả năng hạn chế hay bóp méo hoạt động thương mại, ảnh hưởng tới 0,9% giá trị nhập khẩu toàn cầu. 

Các biện pháp chủ yếu gồm những hành động loại bỏ thương mại, tăng thuế, ban hành giấy phép nhập khẩu và kiểm soát hải quan, trong đó các biện pháp loại bỏ thương mại chiếm tới 42,8%. Trong giai đoạn này, chỉ có 19 biện pháp hạn chế xuất khẩu mới được áp dụng.

Trong khi đó, báo điều tra độc lập có tên gọi “Báo động Thương mại toàn cầu” do Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại (CEPR) có trụ sở ở London cũng vừa công bố mới đây cho biết, WTO ước tính số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại được áp dụng trong các năm 2010 và 2011 đã tăng 36%. 

Số lượng quốc gia áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch cũng tăng mạnh. Tỷ trọng các biện pháp bảo hộ áp dụng trong nhóm G20 đã tăng từ 60% năm 2009 lên 79% tại thời điểm công bố báo cáo.

Đáng chú ý, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không chỉ gia tăng ở các nền kinh tế nhỏ mà còn mở rộng ở cả các nền kinh tế lớn. 

Trong báo cáo công bố cuối tháng 4/2012, WTO cũng cho biết, kể từ giữa tháng 10 năm ngoái, G20 đã bổ sung 124 biện pháp hạn chế mới có ảnh hưởng tới 1,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của G20 (tương đương 0,9% tổng kim ngạch nhập khẩu trên thế giới). Còn theo thống kê của CEPR, năm 2009, G20 chiếm khoảng 60% trong tổng số các biện pháp bảo hộ thương mại. Vào năm 2011, tỷ lệ này đã tăng lên 75%.

Bình luận về hiện tượng này, Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht cho rằng, sự gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch ở các nền kinh tế thành viên G20 đang “phát đi một tín hiệu sai” tới các đối tác thương mại toàn cầu, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi các thành viên G20 “nghiêm túc tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ”.

Do sự gia tăng đáng báo động của các biện pháp bảo hộ thương mại nên ông Lamy dự báo, năm 2012 tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục giảm, chỉ còn 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,4% trong 20 năm qua. Giá trị xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển sẽ chỉ tăng 2% trong năm nay, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế đang phát triển là 5,6%.

Đi tìm thủ phạm

Trong báo cáo gửi TPRB, Tổng giám đốc WTO lý giải: “Áp lực bảo hộ thương mại đang lớn dần trong bối cảnh chính phủ các nước đang thắt chặt hầu bao, thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm dần... Có vẻ như làn sóng hạn chế thương mại gần đây nhất không còn hướng tới mục tiêu chống lại những ảnh hưởng tạm thời của cuộc khủng hoảng toàn cầu mà nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế thông qua kế hoạch hóa công nghiệp quốc gia - một vấn đề mang tính dài hạn”.

Trong khi đó, ông Zhang Yuyan - Giám đốc Học viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc các nền kinh tế lớn tiến hành những biện pháp bảo hộ trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu là một hiện tượng tự nhiên. 

Tuy nhiên, lý do chủ yếu của hiện tượng này chính là tình hình chính trị trong nước và tình hình việc làm. Sự gia tăng các xung đột thương mại trong năm nay có liên quan chặt chẽ tới các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn.

Thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của thế giới đang vấp phải rất nhiều thách thức. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế thế giới công bố giữa tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, trong 3 tháng qua kinh tế toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu. 

Tình hình kinh tế toàn cầu có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có xu hướng lan rộng, đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang chậm lại và triển vọng kinh tế của một số nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh và Pháp vẫn còn mờ mịt. 

Mặc dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 ở mức 3,5% nhưng IMF cho rằng, sang năm tới tốc độ này sẽ chỉ đạt 3,9%, giảm so với dự báo 4,1% trước đây.

Trong bối cảnh đó, các Chính phủ, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đã phải chịu nhiều áp lực trước các hàng rào bảo hộ được dựng lên ngày một dày đặc hiện nay trong khi vẫn phải lo để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tổng giám đốc WTO viết: “Các Chính phủ đang đối mặt tình hình kinh tế khó khăn ở trong nước. Họ phải chống lại sức cám dỗ của các chính sách mang tính quốc gia và hướng nội nhiều hơn. Kiểu chính sách như vậy sẽ không giúp giải quyết các vấn đề của họ và chúng có nguy cơ tạo ra các phản ứng đáp trả từ phía các đối tác thương mại của họ”.

Theo ông Lamy, vấn đề đáng quan ngại là các tuyên bố ủng hộ chính sách thay thế nhập khẩu và coi đó như trụ cột của tăng trưởng kinh tế được lãnh đạo một số nước đưa ra. Điều này đang dẫn tới tình trạng căng thẳng thương mại khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc WTO kêu gọi các Chính phủ trên thế giới cần “tăng gấp đôi nỗ lực chống lại các áp lực của chủ nghĩa bảo hộ và có các biện pháp tích cực nhằm bảo đảm các thị trường vẫn mở và thúc đẩy mở cửa thương mại”.

Theo Thanh Tùng
Thời báo Ngân hàng

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên