Khủng hoảng Volkswagen: Hệ quả của cách điều hành nuôi dưỡng sự sợ hãi
Martin Winterkorn là một ông chủ nhiều tham vọng, đến khi buộc phải từ chức, ông vẫn cho rằng mình không làm gì sai.
Giống như tất cả những Giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp khác, Martin Winterkorn là một ông chủ nhiều tham vọng và không bao giờ thích thất bại. Đến khi buộc phải từ chức, ông vẫn cho rằng mình không làm gì sai.
Ai chịu trách nhiệm?
Volkswagen, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm 2015 từ chối bình luận về nhận định, liệu có phải văn hóa doanh nghiệp hay phong cách lãnh đạo của Winterkorn là nguyên nhân chính của vụ việc gian lận. Các luật sư bảo vệ Winterkorn cũng không trả lời vấn đề này.
Giám đốc điều hành Volkswagen khu vực Bắc Mỹ trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã nói: “Chúng tôi phải sắp xếp hợp lý những quy trình. Công ty tôi đã học được một bài học đích đáng và giờ đây phải tận dụng cơ hội đó để cùng nhau hành động. 600 nghìn nhân viên ở khắp nơi trên thế giới phải được quản lý theo cách hoàn toàn khác. Đó là điều rõ ràng phải thực hiện”.
Bernd Osterloh, thành viên ban giám sát Volkswagen còn nêu vấn đề chính xác hơn trong một bức thư gửi nhân viên vào ngày 24/9 - một tuần sau khi vụ gian lận bị công bố: “Trong tương lai, chúng ta cần một bầu không khí, trong đó, mọi rắc rối không bị che giấu mà phải được thông báo công khai cho cấp trên. Chúng ta cần một văn hóa làm việc, trong đó, chúng ta có thể và được phép tranh luận với cấp trên để tìm ra con đường nào tốt nhất để tiến bước”.
Năm cựu giám đốc điều hành được Reuters phỏng vấn đã mô tả tác phong quản lý dưới thời Winterkorn là một môi trường làm việc nuôi dưỡng sự sợ hãi và thứ chủ nghĩa độc đoán thiếu kiểm soát bởi hệ thống công ty độc tôn cá nhân duy nhất tại Volkswagen.
Không quyền lãnh đạo
Tất cả các công ty Đức đều có hai tổ chức. Một là ban quản lý do giám đốc điều hành đứng đầu, chịu trách nhiệm vận hành công việc kinh doanh hàng ngày. Trên đó là ban giám sát, nơi thu nhận những báo cáo của giám đốc điều hành. Ban giám sát có quyền tuyển dụng hoặc sa thải thành viên của ban quản lý và phải chịu trách nhiệm ký các quyết định mang tính chiến lược lớn. Tuy nhiên, Giáo sư Ferdinand Dudenhöffer, chuyên gia ô tô tại Đại học Duisburg-Essen nói rằng, hệ thống này không vận hành tốt ở Volkswagen: “Tại Daimler và BMW, họ có Ban kiểm soát để giám sát giám đốc điều hành nhưng tại Volkswagen Ban kiểm soát không có quyền đó”.
Henning Gebhardt, người chịu trách nhiệm quản lý cổ phần của Volkswagen tại bộ phận quản lý tài sản ở Ngân hàng Quốc gia Đức - Deutsche Bank cho biết, việc quản trị doanh nghiệp không tiến triển tại Volkswagen.
Ngày 18/9, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cáo buộc VW cài đặt phần mềm bất hợp pháp để giảm lượng khí thải NOx (liên quan tới các bệnh hen suyễn cùng các bệnh về đường hô hấp khác), nhằm đáp ứng đúng tiêu chuẩn khi kiểm tra.
Trên thực tế, lượng khí thải từ các xe này cao hơn bình thường 40 lần. VW sẽ phải triệu hồi 11 triệu xe đã bán ra trên toàn cầu từ châu Á, châu Âu cho đến châu Mỹ.Những hành vi vi phạm trên có thể khiến VW thiệt hại lên tới 18 tỷ USD nếu bị EPA phạt và bồi thường tới 37.500 USD/phương tiện. Cựu CEO của Volkswagen Martin Winterkorn có thể lãnh án đến 10 năm tù nếu bị kết án có tội.
B.T
Một cựu giám đốc bán hàng cho biết, áp lực từ mục tiêu này vô cùng nặng nề: “Nếu bạn không thích áp lực đó, bạn phải ra khỏi bộ máy”. Một cựu giám đốc điều hành khác kể về sự độc đoán trong công ty, khi giám đốc Volkswagen tại Mỹ Jonathan Browning rời công ty vào năm 2013, một nguồn tin nói trên Reuters, ông ta bị sa thải vì không đáp ứng được định mức bán hàng quá cao. Trong nhiệm kỳ của Browning, Winterkorn buộc tội bộ phận quản lý công ty tại Mỹ về một loạt rắc rối từ thất bại trong việc nâng cấp mẫu xe Passat tới những việc nhỏ như màu sơn.
Trong một thử nghiệm lái xe tại Mỹ vào tháng 7/2013, Winterkorn phát hiện ra một vết phồng nhỏ trên sơn mẫu xe “con bọ” Beetle, do độ dày của lớp sơn vượt quá tiêu chuẩn của công ty (vốn chỉ được để ở mức mỏng hơn 1 mm), lập tức ông ta thuyết giảng cho các kỹ sư một bài về sự lãng phí. Cũng trong chuyến đi đó, Witerkorn tỏ ra không vui khi Volkswagen không nhận được nhiều đơn đặt hàng xe màu đỏ vốn đang được các đối thủ cạnh tranh bán rất tốt. Winterkorn nhắc đi nhắc lại vấn đề này ngay cả khi Browning đã nghỉ việc được vài năm.
Khoảng cách - Sợ hãi - Tôn trọng
"Luôn luôn có một khoảng cách, một sự sợ hãi và tôn trọng dành cho Winterkorn. Nếu ông ấy đến gặp ai đó hay họ phải tới gặp ông, tim họ đều đập nhanh hơn. Nếu họ mang tin xấu đến, khoảnh khắc tiếp theo sẽ trở nên khó chịu, ồn ào và họ cảm thấy bị hạ thấp”, một giám đốc điều hành giấu tên cho biết khi kể về cách quản lý của Winterkorn.
Một đoạn băng video ghi lại tại Triển lãm ô tô Frankfurt bốn năm trước cho thấy Winterkorn đang xem xét một mẫu xe của đối thủ Hyundai, xung quanh ông là một loạt các giám đốc của Volkswagen. Winterkorn lượn một vòng quanh xe, xem xét rất kỹ cơ chế khóa cửa sau rồi bước vào trong xe. Ông ngắm nội thất và chỉnh vô lăng rồi bỗng nhiên phát hiện một chi tiết nào đó khiến ông không vui. Vô lăng điều khiển xe chuyển động rất nhẹ nhàng, không giống các model của Volkswagen và BMW. Lập tức, ông gào lên: “Bischoff”, (tên riêng của giám đốc thiết kế Volkswagen, cách gọi không kèm theo họ hay sự tôn trọng) và nói tiếp: “Ở đây không gây ra tiếng động”.
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm việc với Winterkorn, Bischoff nói: “Winterkorn luôn muốn có giải pháp tốt nhất và luôn đẩy nhân viên tới mục tiêu cao nhất. Tuy nhiên, ông ấy không phải là nhà lãnh đạo tàn nhẫn và đáng sợ. Tất nhiên, khi ông ấy phát hiện ra điều gì đó không đúng ý, ông ấy cư xử rất khủng khiếp”.
Báo Giao Thông