MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế học của ông Scrooge – Hay vẫn sống khỏe mà chẳng cần làm điều thiện

08-01-2011 - 11:40 AM | Tài chính quốc tế

“May mắn thay, nay ra vẻ nhân đức cũng đỡ “xót” hơn vì tiền từ thiện được khấu trừ thuế.” Scrooge nói.

Tác giả là cây bút bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times. Ông được phong tước Hiệp sỹ Đế chế Anh năm 2000, Tiến sỹ danh dự Trường Kinh tế London năm 2006 và được bình chọn là “Cây bút bình luận của năm” tại Anh năm 2009

Ebenezer Scrooge chậm rãi bước vào phòng. Thật bất ngờ, trông lão giống hệt như những gì Charles Dickens miêu tả. Tôi tự hỏi làm thế nào mà lão chẳng có mấy thay đổi sau suốt 170 năm như thế? Ắt đó là lợi thế của một nhân vật văn chương, tôi nghĩ thầm.

“Chào ngài, Scrooge,” tôi chào lịch sự. “Tôi tới phỏng vấn về cuốn best-seller mới của ngài “Kinh tế học của ông Scrooge – Hay Vẫn sống khỏe mà chẳng cần làm điều thiện.”

Scrooge cười. “Vâng,” lão đạp, “Tôi phải nói rằng cuốn Scroogenomics của Joel Waldfogel chỉ mới miêu tả phần tối của con người tôi.

Nhưng dù Dickens có là một cây bút thiên tài thì hắn vẫn là một thằng ngốc đa cảm. Hắn chẳng bao giờ hiểu được qua cái đận Giáng sinh ấy tôi đã thay đổi thế nào.

Trên hết là tôi học được cách ra vẻ nhân từ. Điều đó kết hợp với trực giác kiếm tiền của tôi đã biến Marley & Scrooge trở thành một tập đoàn toàn cầu.

May mắn thay, nay “nhân đức” cũng đỡ “xót” hơn vì tiền từ thiện được khấu trừ thuế. Với một người “có hơi tiết kiệm một chút” như tôi thì còn gì “đỡ xót” hơn là được nhà nước trợ cấp để làm từ thiện?”

Tôi thật bất ngờ với sự thẳng thắn của lão. Ắt lão đã quá chén trong bữa tiệc vừa rồi. Sau từng ấy “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” như Dickens đã tả, một ly thôi có lẽ cũng gây nhiều hậu quả.

“Điều cuốn sách làm tôi bất ngờ,” tôi nói, “là vì nó không chỉ viết về vai trò quan trọng của “cái danh nhân đức” của ông trong kinh doanh. Ông còn có quan điểm rõ ràng về nên điều hành chính phủ thế nào.

Ông đặc biệt ủng hộ kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên minh ở Anh. Điều đó không phải là bất nhất với danh tiếng nhân từ của ông hay sao?”

“Không hề,” Scrooge đáp thẳng tưng. “Nhà nước thận trọng, tư nhân nhân đức là câu khẩu hiệu của tôi. Người giàu chúng tôi biết thể hiện tấm lòng của mình thế nào đây nếu Nhà nước cứ quyết săn sóc cho gần như tất cả mọi người?

“Tệ hơn nữa là Nhà nước săn sóc cho cả những người xứng và bất xứng. Một điều Dickens đã viết đúng là tiền từ thiện của tôi chỉ dành cho ai đáng được hưởng.

Có ai lại đáng hơn là nhà Cratchits kia chứ? Có phải ai cũng được tặng gà tây đâu. Chúng tôi chọn kỹ lắm.”

“Thế thì ông cũng ủng hộ kế hoạch cải cách nhà nước phúc lợi (welfare state) của chính phủ.”, tôi hỏi tiếp

“Hẳn đi rồi,” Scrooge đáp. “Khẩu hiệu của tôi là bắt người nghèo phải làm việc. Chỉ có bọn nghèo hèn lười biếng mới tệ hơn lũ người bất xứng. Mà chúng cũng gần giống như nhau. Đó là những giá trị tốt đẹp của thời Victoria.”

“Thế thì dân nhà giàu bất xứng thì sao? Scrooge Bank từng được chính phủ giải cứu và ngay sau đó vội thưởng cho ban quản trị và trả cổ tức cho ông. Ông nghĩ thế nào về cái nhà nước phúc lợi ấy? Chẳng “Victoria” lắm đúng không?”

“Không hề. Nhìn chung thì 170 năm qua mọi việc chẳng được như xưa. Nhưng về vấn đề này thì không.

Ngân hàng quá quan trọng để có thể phá sản. Người giàu cũng có vai trò rất quan trọng, ví dụ như thuê mướn người nghèo và quyền tiền từ thiện cho họ.

Chính phủ và NHTW Anh đã khá đúng khi bảo đảm cho các khoản nợ của chúng tôi và cung cấp tín dụng lãi suất thấp. Dù gì thì đó cũng là lỗi của NHTW, họ khuyến khích cho vay mà. Họ nghĩ các ngân hàng là ai kia chứ?”

“Nhìn chung, ông nghĩ Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã hoàn thành nhiệm vụ?”, tôi lại hỏi

“Hẳn đi rồi,” Scrooge đáp. “Với những giá trị từ thời Victoria thì ông ấy là số một.

Cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí cho công chức và người nghèo, dành chỗ cho những sáng tạo kinh doanh và lòng nhân từ của cá nhân. Tài chính lành mạnh là nền tảng trong tư duy kinh tế của tôi.

“Tôi đang đầu tư vào vàng. Tôi hy vọng có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ quay trở lại với bản vị vàng ở cái giá ít nhất là 20.000 đôla/ounce. Tôi sắp vớ bẫm rồi. Đây là một ví dụ khác về nguyên tắc vĩ đại của tôi: “sống khỏe mà chẳng cần làm điều tốt.”

“Nhưng,” tôi nói, “cắt giảm ngân sách giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái sâu với tôi có vẻ chẳng được nhân từ cho lắm.”

Scrooge ngẫm nghĩ một lúc rồi mặt lão sáng bừng lên: “Không hề. Nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi, trong dài hạn.

Trong khi đó, dân chúng học được thói quen lao động chăm chỉ trong thời gian vật lộn tìm công việc mới. Điều đó khá là đúng.

Nhiệm vụ quan trọng là cứu các ngân hàng của tôi thì đã xong rồi. Nay chúng ta nên để hoạt động kinh doanh ở Anh tiến hành một cách binh thường.”

“Nói chung thi ngài nói tư duy kinh tế của ngài đang thắng lợi trên toàn cầu”, tôi hỏi.

“Không hẳn,” Scrooge đáp. “Tại các thuộc địa cũ của chúng ta, họ vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của một nền tài chính công như thời Victoria. Nhưng họ hiểu yêu cầu yêu cầu của việc tự lực cánh sinh và lòng nhân từ của khu vực tư.

Trong khi đó, ở Châu Âu, họ đang rất muốn áp dụng nền tài chính công kiểu Victoria. Nhưng họ không hoàn toàn hiểu được thế nào là tự lực cánh sinh và lòng nhân từ của khu vực tư. Mừng là chính phủ liên minh ở Anh đã hiểu đúng vấn đề.”

Tôi thoái lui với câu “Chúc mừng Giáng sinh” của Scrooge reo bên tai. Tôi biết cuộc phỏng vấn thẳng thắn của mình với nhân vật vĩ đại của giới kinh doanh này sẽ khiến dư luận xúc động mạnh.

Làm sao mà Dickens có thể hiểu sai về Scrooge đến thế nhỉ? Thế rồi tôi nhận ra: Scrooge đã lợi dụng Dickens một cách thật tài tình, để tạo ra cái ấn tượng mà lão muốn.

Giờ thì lão chẳng buồn quan tâm nữa. Một con người đâu thể mãi mãi không sống thật với lòng mình!

Minh Tuấn
Theo Financial Times

ngocdiep

Trở lên trên