Kinh tế học, vì sao nên nỗi? (4)
Thị trường có thể duy trì tình trạng phi lý lâu hơn thời gian mà bạn duy trì được khả năng trả nợ của mình...
- 16-02-2010Kinh tế học, vì sao nên nỗi? (3)
- 15-02-2010Kinh tế học, vì sao nên nỗi? (2)
- 13-02-2010Kinh tế học, vì sao nên nỗi? (1)
VII. RẠN NỨT VÀ MÂU THUẪN
Cũng như những ngành khoa học khác, kinh tế học đang gặp khúc mắc vì các nhà nghiên cứu đã bị quyến rũ bởi viễn tượng về một hệ thống thị trường hoàn hảo, không mâu thuẫn. Nếu muốn chuộc lại lỗi lầm này, họ phải chấp nhận một góc nhìn kém lạc quan hơn: mặc dù đạt hiệu quả cao nhưng trong kinh tế thị trường vẫn có những “rạn nứt và mâu thuẫn” xảy ra.
Một điều tốt là chúng ta không phải bắt đầu với hai bàn tay trắng. Những nghiên cứu về khả năng đi chệch hướng của nền kinh tế thực so với mô hình lý tưởng trên giấy vẫn được thực hiện ngay cả trong thời kỳ huy hoàng của thuyết thị trường hoàn hảo. Những gì sẽ xảy ra – và thực tế đang xảy ra – là kinh tế học về sai lầm và xung đột từ vị trí ngoài lề sẽ trở thành trung tâm của các nghiên cứu phân tích.
Tôi có thể nêu ngay được một loại hình kinh tế học như vậy đang phát triển rất mạnh mẽ: trường phái tư duy được biết đến dưới cái tên “tài chính hành vi”. Những nhà nghiên cứu theo trường phái này nhấn mạnh vào hai điểm. Trước hết, đa số nhà đầu tư trong thế giới thực không phải là những cái máy chỉ biết tính toán theo như lý thuyết thị trường hiệu quả: họ chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý đám đông, từ sự liều lĩnh nhiều khi phi lý và cả những nỗi hoảng sợ vô căn cứ.
Thứ đến, ngay cả những người hết sức cố gắng để ra quyết định bằng một cái đầu lạnh cũng nhận ra họ không thể làm được, các vấn đề về sự kỳ vọng, tín nhiệm và giới hạn ký quỹ buộc họ phải chạy theo đám đông.
Về quan điểm đầu tiên: ngay trong thời kỳ lý thuyết thị trường hiệu quả thịnh hành nhất thì dường như vẫn có rất nhiều nhà đầu tư không “hợp lý” như mô hình này giả định. Larry Summers đã từng bắt đầu một bài viết của mình với những câu: “Nhìn quanh mình đi. Thiếu gì thằng ngốc.” Nhưng những “thằng ngốc” mà chúng ta đang nói đến thuộc loại nào?
Tài chính hành vi, bắt nguồn từ một trào lưu rộng rãi hơn được gọi là kinh tế học hành vi, đang cố gắng trả lời câu hỏi đó bằng cách liên hệ sự vô lý thường thấy trong hành động của các nhà đầu tư với những thành kiến trong nhận thức của con người; ví dụ như họ có xu hướng lo lắng đến những khoản lỗ nhỏ hơn là kỳ vọng vào khoản lợi nhuận có giá trị tương đương, hay xu hướng kết luận vội vàng chỉ từ một vài hiện tượng đơn lẻ (VD: nhà đầu tư cho rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng vì nó đã tăng liên tục nhiều năm liền).
Cho đến tận khi cuộc khủng hoảng xảy ra, những người ủng hộ lý thuyết thị trường hiệu quả như Eugene Fama đã bỏ qua những ý tưởng trường phái tài chính hành vi đưa ra, và coi nó như một “bộ sưu tập của sự hiếu kỳ” chẳng hề có chút giá trị. Và giờ đây họ đang ở trong một tình thế khó xử khi quả bong bóng khổng lồ - được dự đoán chính xác bởi những nhà kinh tế học hành vi như Robert Shille đại học Yale - đã nổ tung và đánh quỵ cả thế giới.
Về quan điểm thứ hai: giả định trên thực tế có nhiều “thằng ngốc”. Điều đó có tầm quan trọng như thế nào? Không nhiều lắm, Milton Friedman đã kết luận như vậy trong một nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn năm 1953: nhà đầu tư thông minh sẽ mua vào khi những “thằng ngốc” bán ra và ngược lại, nhờ quá trình đó họ giúp cho thị trường diễn biến cân bằng. Thế nhưng quan điểm thứ hai của tài chính hành vi cho rằng Friedman đã sai: vẫn có những lúc thị trường tài chính rất không ổn định. Với tình trạng hiện nay thì quả thật khó có thể phủ nhận lập luận này.
Có lẽ nghiên cứu thuyết phục nhất trong vấn đề này là một tác phẩm xuất bản năm 1997 của Andrei Shleifer - đại học Havard – và Robert Vishny – đại học Chicago. Trong đó, họ đã chính thức hóa một quan điểm cũ: “thị trường có thể duy trì tình trạng phi lý lâu hơn thời gian mà bạn duy trì được khả năng trả nợ của mình.” Họ chỉ ra rằng các nhà kinh doanh chứng khoán – những người được cho là luôn mua thấp bán cao – cần có vốn để hoạt động. Và nếu giá các loại tài sản khác sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi chẳng hề ảnh hưởng gì đến các yếu tố cơ bản trên thị trường, thì nó vẫn làm cho nguồn vốn của các nhà kinh doanh chứng khoán cạn kiệt. Kết quả là dòng tiền thông minh bị buộc phải rời khỏi thị trường và vòng xoáy giảm giá bắt đầu.
Có thể xem cuộc khủng hoảng lan rộng hiện nay như là bài học trực quan về mối hiểm họa của một thị trường tài chính không ổn định. Trong bối cảnh đó, các lý thuyết mới giải thích sự bất ổn trên đã chứng minh tính đúng đắn của nó khi áp dụng cho các chính sách của chính phủ: việc tập trung vào nguồn vốn cạn kiệt của các định chế tài chính là kim chỉ nam cho những quyết sách sau khi Lehman sụp đổ, và dường như điều đó đã ngăn chặn những đổ vỡ lớn hơn có thể xảy ra.
Trong lúc ấy thì kinh tế học vĩ mô đang ở đâu? Một loạt biến cố gần đây đã phủ nhận hoàn toàn quan điểm cho rằng suy thoái là phản ứng tối ưu nhất trước những tiến bộ công nghệ; vậy thì xem ra chỉ còn có thể nhìn nhận suy thoái theo quan điểm của Keynes mà thôi. Dù vậy trong những mô hình chuẩn của trường phái Keynes mới không có chỗ cho một cuộc khủng hoảng như hiện nay, vì những mô hình ấy nhìn chung vẫn thừa nhận lý thuyết thị trường hiệu quả đối với khu vực tài chính.
Tuy nhiên vẫn có một vài ngoại lệ. Không phải ai xa lạ, chính Ben Bernanke và Mark Gertler thuộc đại học New York đã có một loạt nghiên cứu nhấn mạnh vào ảnh hưởng từ sự thiếu hụt tài sản thế chấp cần thiết có thể gây cản trở cho khả năng tăng vốn và nắm bắt cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Một số nghiên cứu liên quan, phần lớn được thực hiện bởi Nobuhiro Kiyotaki từ ĐH Princeton và John Moore từ Trường Kinh doanh London, cho rằng giá cả của các tài sản như bất động sản có khả năng tự đẩy chính nó chìm sâu hơn nữa và do đó tạo ra một lỗ hổng kéo nền kinh tế đi xuống. Nhưng cho đến giờ, tác động bất thường này vẫn chưa được chú ý đúng mức, ngay cả trong kinh tế học của Keynes. Rõ ràng, đó là điều cần phải thay dổi.
VIII. SỰ TRỞ LẠI CỦA KINH TẾ HỌC THEO KEYNES
Vì những lý do trên, người viết bài này cho rằng giới kinh tế học cần phải làm những điều sau đây: Đầu tiên, họ phải đối diện trực tiếp với thực tế đáng buồn là: không có sự hoàn hảo trong thị trường tài chính, và nó luôn chịu ảnh hưởng từ những ảo tưởng cũng như sự điên rồ của đám đông. Thứ hai, họ phải thừa nhận rằng – sẽ rất khó khăn đối với những người đã cười nhạo học thuyết của Keynes – kinh tế học Keynes vẫn là lý thuyết giải thích về suy thoái kinh tế tốt nhất mà chúng ra đang có. Cuối cùng, họ phải cố gắng hết sức để đưa những thực tế đã xảy ra trong lĩnh vực tài chính vào kinh tế vĩ mô.
Rất nhiều nhà kinh tế học sẽ cảm thấy khó chịu với những thay đổi như vậy. Rõ ràng cần một khoảng thời gian dài nữa để những lý thuyết mới mẻ, thực tế hơn về tài chính và kinh tế vĩ mô trở nên rõ ràng và hoàn thiện như lý thuyết Tân cổ điển. Đó là lý do để cho một số nhà kinh tế học vẫn sẽ trung thành với trường phái Tân cổ điển, mặc dù nó hoàn toàn không lý giải được gì về cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ba thế hệ hiện nay. Đúng như H. L. Mencken nói: “Con người luôn có thể lựa chọn một giải pháp dễ dàng cho những vấn đề của mình: hoàn hảo, khéo léo và phi thực tế”