Kinh tế Mỹ: Bay qua vách đá?
Barack Obama phải làm nhiều hơn nữa để vực dậy nền kinh tế. Hơn nữa, ông còn có cơ hội sửa chữa toàn bộ hệ thống tài chính của nước Mỹ.
- 15-12-2012Vách đứng cao mấy cũng phải trèo
Ben Bernanke, Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), không nổi tiếng vì khả năng sáng tạo ngôn từ. Tuy nhiên, “vách đá tài khóa” – thuật ngữ mà Bernanke đã dùng để mô tả kịch bản mà nước Mỹ sẽ gặp phải sau khi tăng thuế và giảm chi tiêu vào đầu năm 2013 – đã trở nên quá phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2012 sắp kết thúc.
Kịch bản ấy đem lại quá nhiều hậu quả cho nền kinh tế Mỹ. Bóng đen của vách đá tài khóa đã làm nhụt chí các doanh nghiệp với hoạt động đầu tư sụt giảm. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng bắt đầu lung lay. Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1% trong quý IV. Tất cả các nhà hoạch định trên toàn thế giới cũng đang lo lắng. NHTW Australia cắt giảm lãi suất và tuyên bố lý do họ lo ngại về vách đá.
Những lo lắng này là dễ hiểu nhưng có phải chúng đang bị thổi phồng? Trong ngắn hạn, rủi ro nền kinh tế sụp đổ là nhỏ. Tuy nhiên, rủi ro thực sự và cũng là cơ hội cho Tổng thống Obama lại nằm ở trung và dài hạn.
Có thể và không thể
Nếu các nhà làm luật không làm gì cả, nước Mỹ sẽ phải thắt chặt tài khóa trong năm 2013, GDP có thể sụt giảm khoảng 5%. Sẽ không mất nhiều tháng để nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Thậm chí, cuộc chiến trần nợ công giữa ông Obama và Quốc hội Mỹ còn dẫn thảm họa đến sớm hơn.
Trừ khi các nhà làm luật thống nhất nâng trần nợ (mức nợ tối đa mà kho bạc Mỹ có thể phát hành) vào tháng 3 tới, chính phủ liên bang sẽ không thể trả các khoản nợ cho những người nắm giữ trái phiếu. Kịch bản này còn đem lại những hậu quả khủng khiếp hơn cả vách đá tài khóa.
Tuy nhiên, bởi hậu quả quá khủng khiếp, gần như chắc chắn các kịch bản này sẽ không xảy ra. Hoặc vào cuối tháng 12, hoặc vào đầu năm 2013, rất có thể nước Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận ngăn chặn tất cả: tăng thuế, giảm chi tiêu và nâng trần nợ. Các dấu hiệu của thỏa thuận đang ngày càng rõ ràng hơn: đảng Cộng hòa sẽ chấp nhận rằng người giàu phải đóng thuế nhiều hơn.
Dẫu vậy, vẫn còn 2 mối nguy lớn khiến không chỉ Mỹ mà cả thế giới phải lo lắng. Đầu tiên, dựa vào các chi tiết của thỏa thuận, chắc chắn ngân sách còn tồi tệ hơn trong năm 2013. Mối nguy thứ 2 và cũng là điều quan trọng hơn, các khoản chi chính là rủi ro lớn nhất trong dài hạn.
Bất cứ thỏa thuận ngân sách nào cũng phải dẫn đến việc cải cách các chương trình an sinh xã hội (lương hưu), chương trình chăm sóc y tế Medicare (cho người già) và Medicad (cho người nghèo). Ông Obama đã yêu cầu tăng thêm khoảng 1.600 tỷ USD trong vòng 10 năm tới nhưng lại chỉ cắt giảm 400 tỷ USD các khoản chi. Để đạt được thỏa thuận, ông Obama cần phải đưa ra gợi ý hợp lý hơn.
Người Mỹ không chỉ có cơ hội cải thiện nền tài chính mà là cả hệ thống chính trị. Đảng cộng hòa hoàn toàn tin rằng mức thuế cao hơn sẽ phá hủy nền kinh tế. Từ năm 1990 đến nay, chưa từng có nghị sĩ nào đến từ đảng Cộng hòa và lại bỏ phiếu ủng hộ chính sách nâng thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, đảng Dân chủ lại tin vào sự thiêng liêng của các chương trình chăm sóc sức khỏe và lương hưu cho người già. Lần cuối cùng chế độ lương hưu bị phớt lờ là vào năm 1983. Kể từ đó đến nay, các chính trị gia đã bổ sung thêm nhiều chương trình bất chấp chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên và dân số già đi.
Kết quả là, chiếc hố trong ngân sách ngày càng rộng ra. Thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện bằng khoảng 7% GDP, chỉ đứng sau Nhật Bản trong nhóm các nước phát triển.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra, nước Mỹ đã đưa ra những chính sách tài khóa ngắn hạn khá nhạy cảm. Xoa dịu khủng hoảng bằng các gói kích thích và nới lỏng chính sách tài khóa, Mỹ cũng đã hỗ trợ được sự hồi phục của nền kinh tế.
Với lợi suất trái phiếu ở mức thấp kỷ lục, Mỹ không cần và cũng không nên thắt chặt chính sách quá nhanh. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở hệ quả theo sau: thỏa thuận kéo dài chính sách cắt giảm thuế chỉ áp dụng với tầng lớp trung lưu có thể khiến GDP giảm khoảng 3% trong năm 2013. Đây là tốc độ quá nhanh.
Thỏa thuận lớn
Để duy trì sự phục hồi, thỏa thuận phải bớt khắc nghiệt. Thỏa thuận nên tập trung vào cải cách trong dài hạn hơn là những biện pháp cắt giảm trong ngắn hạn. Đây cũng là điều tốt cho chính trị Mỹ và tất nhiên là cũng tốt cho kinh tế. Chi tiêu cho người già tại Mỹ sẽ tăng nhanh hơn so với tại bất kỳ quốc gia nào. Nguyên nhân không chỉ vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng của châu Âu đã hạn chế cải cách lương hưu ở đây mà là bởi chi phí y tế ở Mỹ vốn đã cao và đang tăng rất nhanh.
Ông Obama đang có cơ hội sửa chữa những điều bất hợp lý và đem lại nhiều cải cách. Vách đá tài khóa cộng với sự kiện ông Obama tái đắc cử đã buộc đảng Cộng hòa phải nhượng bộ hơn trong việc tăng thuế. Nếu tận dụng được ưu thế này, Obama có thể đảo ngược triển vọng tài khóa trong dài hạn. Và, đây là điều nằm trong tầm tay.
Thu Hương