Kinh tế thế giới 2014: Vẫn dựa vào Mỹ và Trung Quốc
Trong khi châu Âu vẫn trong tình trạng ảm đạm, còn Nhật Bản đang phục hồi và các thị trường mới nổi giảm tốc, cả hành tinh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo công bố hôm 16/12 của hãng phân tích Breakingviews nhận định, Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014.
Mặc dù Mỹ chiếm 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu, còn Trung Quốc chiếm chưa đầy 1/10, song hai quốc gia này sẽ tạo ra gần một nửa mức tăng trưởng GDP của cả thế giới trong năm tới. Trong khi châu Âu vẫn trong tình trạng ảm đạm, còn Nhật Bản đang phục hồi và các thị trường mới nổi giảm tốc, cả hành tinh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Tầm quan trọng của mỗi khu vực trong tăng trưởng GDP toàn cầu 2014
Nguồn: WB- Dự báo Kinh tế toàn cầu – tháng 6/2013
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm tới. Nhưng tốc độ ở mỗi quốc gia và khu vực có sự chênh lệch rất lớn. Sự hồi phục của Mỹ đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ đóng góp gần 25% vào tăng trưởng GDP toàn cầu, theo tính toán của Breakingviews. Mặc dù quyền số của Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều, song với mức tăng trưởng khoảng 8% thì sự đóng góp của quốc gia này không thua kém gì so với Mỹ.
Sự phụ thuộc vào hai động lực chủ chốt này của thế giới một phần phản ánh sự tăng trưởng trì trệ ở những nơi khác. Phần của châu Âu trong tổng sản lượng toàn cầu tương đương với của Bắc Mỹ, song lục địa này sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm tới. Tương tự, quy mô kinh tế Nhật Bản cũng gần bằng với Trung Quốc, song ngay cả với sự góp sức đắc lực của chương trình Abenomics thì tăng trưởng của Nhật cũng chỉ khoảng 1,4%, tức là chỉ đóng góp khoảng 4% cho tăng trưởng của toàn cầu.
Tính toán của Breakingviews cũng cho thấy kinh tế thế giới rất nhạy cảm với những thay đổi về tốc độ tăng trưởng. Bất kỳ khả năng tăng hoặc giảm tốc ở Mỹ sẽ đều có ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, không chỉ qua thương mại và đầu tư mà còn thông qua những thay đổi trong chính sách in tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 6% thì mức đóng góp của quốc gia này vào tăng trưởng toàn cầu sẽ dưới 20 điểm %. Nếu châu Âu tăng trưởng mạnh lên mức khoảng 1,8% thì sự đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng thế giới cũng sẽ đạt mức tương tự như vậy (khoảng 1,8%).
Sự năng động của những thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil đã và sẽ tiếp tục thu hút rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi Fed bắt đầu ngừng chính sách đồng USD rẻ. Nhưng về sự đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn cầu thì công trạng của hai quốc gia này rất nhỏ. Như vậy, tăng trưởng toàn cầu chủ yếu vẫn dựa vào Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Các cơ sở nhận định:
- Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,03% trong năm 2014, theo số liệu do WB và Reuters Breakingviews công bố.
- Bắc Mỹ, bao gồm cả Hoa Kỳ và Canada, sẽ tăng trưởng 2,7%, Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần 8%, các nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 1,15% và kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng khoảng 1,4%.
- Các tính toán cũng dự trên số liệu GDP năm 2012 của WB, trên cơ sở tỷ giá USD cơ sở là năm 2005.