Kinh tế thế giới bước vào "chương hồi" mới?
Đầu tiên là Mỹ, sau đó là châu Âu. Giờ đây khủng hoảng nợ lại chạm tới các thị trường mới nổi.
- 03-11-2015Thị trường mới nổi: Nguy cơ chìm
- 17-10-2015Các thị trường chứng khoán mới nổi đối mặt nhiều rủi ro
- 30-09-2015Vốn rút khỏi các thị trường mới nổi nhanh nhất kể từ 2008
Đã gần 10 năm kể từ khi bong bóng nhà đất vỡ tung ở Mỹ. 6 năm cũng đã trôi qua kể từ khi sự kiện Hy Lạp vỡ nợ thổi bùng lên cuộc khủng hoảng nợ đe dọa sự tồn tại của đồng euro. Kết nối hai “chương hồi” này là giai đoạn nợ dồn lên thành đống và kết thúc là sự sụp đổ. Chương thứ ba của khủng hoảng nợ đang dần mở ra. Lần này, “nạn nhân” là các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư đã bắt đầu bán mạnh các tài sản có liên quan đến thị trường mới nổi, nhưng những giai đoạn khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước.
Các cuộc khủng hoảng nợ ở những nền kinh tế kém phát triển hơn so với những cường quốc như Mỹ hay các nước châu Âu không phải là điều gì mới mẻ. Theo một số cách nào đó, cuộc khủng hoảng lần này sẽ ít nghiêm trọng hơn so với những vụ vỡ nợ và các đồng tiền vỡ vụn trong những năm 1980 và 1990. Ngày nay, các thị trường mới nổi đã có cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, dự trữ ngoại hối lớn hơn và tỷ lệ nợ bằng ngoại tệ cũng đã giảm xuống. Tuy nhiên, sức tàn phá của khủng hoảng vẫn sẽ lớn hơn so với dự báo.
Cuốn biên niên sử về nợ
Trong cả 3 chương trước, chu kỳ khủng hoảng nợ đều bắt đầu với việc dòng vốn ồ ạt chảy qua biên giới các quốc gia, lãi suất hạ xuống mức rất thấp và tín dụng tăng trưởng như vũ bão. Ở Mỹ, tiền tiết kiệm dư thừa (phần lớn đến từ châu Á) đã thổi bùng lên các khoản nợ dưới chuẩn, kéo theo đó là những hậu quả khủng khiếp. Còn ở eurozone, những người Đức giàu có là người tài trợ cho bong bóng nhà đất ở Ireland và những kế hoạch chi tiêu hoang phí của chính phủ Hy Lạp.
Khi những quả bong bóng này phát nổ, lãi suất được hạ xuống mức thấp kỷ lục, dòng vốn cũng thay đổi hướng đi. Tiền chảy từ những quốc gia giàu có sang những nước nghèo hơn. Đây không phải là điều gì sai trái. Tuy nhiên, thế giới lại phạm phải một sai lầm khác: tiền được cho vay quá nhiều và quá nhanh, nhiều khoản nợ được giải ngân cho các doanh nghiệp để tài trợ những dự án thiếu thận trọng và để mua những tài sản đang bị thổi phồng giá trị. Cuối cùng, tỷ lệ nợ ở các thị trường mới nổi đã tăng từ mức 150% GDP trong năm 2009 lên tới 195%. Nợ của khối doanh nghiệp cũng tăng từ mức dưới 50% GDP trong năm 2008 lên gần 75%. Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc cũng tăng gần 50 điểm phần trăm trong 4 năm qua.
Làn sóng bùng nổ nào rồi cũng phải đi đến cái kết. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và giá hàng hóa yếu ớt đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu, dù đồng USD mạnh hơn và Mỹ rục rịch tăng lãi suất cũng phần nào ngăn chặn được “cơn lũ” dòng vốn giá rẻ.
Một số chu kỳ nợ kết thúc bằng khủng hoảng và suy thoái – giống như ở Mỹ và eurozone. Một số khác lại kết thúc bằng tăng trưởng chậm hơn vì người đi vay ngừng chi tiêu và các người cho vay cũng khắt khe hơn. Vẫn chưa rõ các thị trường mới nổi sẽ đi theo hướng nào. Tuy nhiên, quy mô phát triển tín dụng trên các thị trường mới nổi trong thời gian qua báo hiệu sự đau đớn đang chờ ở phía trước. Theo nghiên cứu của ngân hàng JPMorgan Chase, ở những nước có tỷ lệ nợ của khu vực tư nhân tăng thêm hơn 20% GDP, trung bình tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị chậm lại gần 3 điểm phần trăm trong 3 năm sau khi tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh.
Tuy nhiên, tương lai của các thị trường mới nổi cũng phụ thuộc vào những yếu tố thuộc về đặc trưng của nước đó, đặc biệt là cơ chế điều hành tỷ giá. Economist phân các nền kinh tế mới nổi thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên bao gồm những nước mà theo sau bong bóng tín dụng sẽ là tình trạng mệt mỏi kéo dài (thay vì phải chịu một cơn đột quỵ). Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc – nền kinh tế đặc biệt quan trọng với kinh tế thế giới – được xếp vào nhóm này. Với thặng dư cán cân vãng lai khổng lồ, các quốc gia kể trên vẫn có lá chắn khá chắc chắn bảo vệ họ trước tình trạng dòng vốn bị rút ra ồ ạt. Các nhà hoạch định chính sách của những quốc gia này cũng có đủ khả năng giải cứu người đi vay, đồng thời không muốn có nhiều vụ vỡ nợ đồng loạt xảy ra. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu vẫn sẽ tràn ngập trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, hàng tồn kho được bán phá giá ở nơi nào đó. Tuy lâm vào trạng thái tăng trưởng ì ạch, các nước này tạm thời né tránh được nguy cơ khủng hoảng trầm trọng.
Nguy cơ này lại đang đe dọa những quốc gia thuộc nhóm thứ hai – những nước không có phương tiện để giải cứu người đi vay cũng như chống đỡ dòng vốn tháo chạy. Trong số các nền kinh tế lớn được xếp vào nhóm này, có 3 cái tên đáng chú ý. Nợ trái phiếu doanh nghiệp của Brazil đã tăng gấp 12 lần kể từ năm 2007. Cán cân vãng lai bị thâm hụt có nghĩa là nước này bị phụ thuộc vào dòng vốn ngoại. Bế tắc chính trị và chính sách tài khóa cứng nhắc khiến nhà đầu tư không yên lòng.
Trong khi đó, các ngân hàng Malaysia có quá nhiều nợ nước ngoài, và các hộ gia đình có tỷ lệ nợ/thu nhập cao hơn bất kỳ thị trường mới nổi lớn nào khác. Dự trữ ngoại hối của Malaysia khá mỏng, trong khi thặng dư cán cân vãng lai được dự báo sẽ sụt giảm. Còn Thổ Nhĩ Kỳ có sự kết hợp giữa nhiều điểm yếu: cán cân vãng lai thâm hụt, tỷ lệ lạm phát cao và nợ ngoại tệ ngày càng lớn vì đồng lira rớt giá mạnh.
Nhóm thứ ba gồm những nước sẽ gặp rắc rối lớn hoặc có nền kinh tế vừa thoát đáy. Trong số những cái tên lớn, Ấn Độ đang ở trang trạng thái khỏe mạnh hơn cả, trong khi kinh tế Nga đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực. Đồng rouble đã “đi qua giông bão” và nền kinh tế nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo. Argentina là nước đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể tỏa sáng nếu như cải cách kịp thời.
IMF khá lạc quan khi đưa ra dự báo các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2016. Tuy nhiên, những bài học trong quá khứ lại đều chỉ về một năm u ám. Những yếu kém của các nền kinh tế đang phát triển – giờ đã chiếm hơn một nửa kinh tế toàn cầu (tính theo phương pháp ngang giá sức mua) – tác động đến kinh tế thế giới mạnh hơn bao giờ hết.
Các thị trường mới nổi tăng trưởng chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia và dòng tiền mặt của các nhà xuất khẩu. Giá hàng hóa giảm có thể giúp ích cho các nước nhập khẩu dầu, nhưng sẽ gây thêm áp lực cho những công ty khai thác, các tập đoàn dầu mỏ và nhà đầu tư hàng hóa – những người vốn đang nợ khoảng 3.000 tỷ USD.
Chương thứ bốn?
Với nền kinh tế mở, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thị trường mới nổi. Đây cũng là lý do giải thích tại sao NHTW châu Âu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Tuy nhiên, Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sự lệch pha trong chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước còn lại trên thế giới sẽ gây áp lực lên đồng USD, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời, dòng vốn sẽ một lần nữa quay trở về Mỹ và như vậy khủng hoảng nợ sẽ kết thúc ở chính nơi mà nó bắt đầu.