MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới cần "đơn thuốc" mới!

20-11-2013 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

5 năm qua, cú sốc tài chính đã đem đến những hệ lụy kéo dài khiến cả những chuyên gia kinh tế lỗi lạc nhất cũng phải ngạc nhiên.

“Giảng dạy thực nghiệm” là một phương pháp giảng dạy trong ngành y tế, trong đó các triệu chứng, phác đồ và quá trình điều trị của một bệnh nhân có nhiều điểm thú vị sẽ được đưa ra thảo luận với sự tham gia của các bác sĩ và sinh viên. 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa tổ chức một buổi hội thảo có tính chất tương tự, có sự góp mặt của những chuyên gia tên tuổi nghiên cứu kinh tế vĩ mô và rút ra những bài học kinh nghiệm từ diễn biến kinh tế thế giới trong 5 năm đầy biến động vừa qua. 

“Bệnh nhân” chính là nền kinh tế toàn cầu. 5 năm qua, cú sốc tài chính đã đem đến những hệ lụy kéo dài khiến cả những chuyên gia kinh tế lỗi lạc nhất cũng phải ngạc nhiên. Rõ ràng là những phương pháp điều trị cũ kỹ đã không thể chấm dứt căn bệnh khó chữa. Thậm chí, “căn bệnh” kéo dài khiến người ta phải viết lại một số quyển sách giáo khoa, trong đó có cả cuốn sách được viết bởi Stanley Fischer – vị giáo sư và nhà hoạch định chính sách được nhiều người kính trọng. 

Đối với nước Mỹ và những nền kinh tế lớn khác, câu hỏi không còn là cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng suy thoái hoặc kiểm soát “cơn sốt” lạm phát là gì. Vấn đề nhức nhối hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lây lan và kiểm soát căn bệnh tăng trưởng chậm – điều đã xảy ra ở Nhật Bản trong suốt thời kỳ “thập kỷ mất mát” trong những năm 1990. 

Paul Krugman - nhà kinh tế đạt giải Nobel và cũng là cây bút kỳ cựu của tờ New York Times - đã từng viết, nước Mỹ hiện đã trải qua "thập kỷ mất mát". Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers thì cho rằng nguy cơ khủng hoảng kinh tế lặp lại ít nguy hiểm hơn nhiều so với "cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn" - cuộc khủng hoảng đang khiến giới trẻ Mỹ phải ngồi nhà vì không thể có được việc làm sau khi tốt nghiệp. 


Và, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Fed ước tính rằng khủng hoảng và các hệ lụy của nó khiến tăng trưởng của kinh tế Mỹ sụt giảm 7% so với thời kỳ trước khủng hoảng. Điều này có nghĩa là mỗi năm, lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra giảm 1.000 tỷ USD so với thông thường. 

Đã có một vài loại "thuốc giảm đau" được sử dụng. Nước Mỹ được khen ngợi vì đã nhanh chóng bắt các ngân hàng phải tăng vốn, và châu Âu bị chỉ trích vì hành động quá chậm chạp. "Tốt hơn là hãy giải quyết các vấn đề về nợ và hệ thống ngân hàng một cách nhanh chóng", Fischer tuyên bố. 

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm chạp trong thời gian dài dường như vẫn là "căn bệnh" chưa có thuốc chữa. Một số người cho rằng cần chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng. Fed cũng khẳng định đang nghiên cứu những bước mạnh mẽ hơn. Dẫu vậy, vẫn chưa có bước đi đột phá nào được thực hiện. 

"Kê đơn" cho các nền kinh tế mới nổi

Đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, đơn thuốc để duy trì tăng trưởng cũng đã thay đổi. Trước đây, IMF và Fischer khuyến cáo rằng các nền kinh tế mới nổi nên cố định tỷ giá (neo vào đồng euro hoặc USD) hoặc để đồng tiền của họ biến động tự do. 

Khi khủng hoảng tài chính bắt - nguồn - từ - nước Mỹ bắt đầu gây tổn hại đối với kinh tế thế giới, một số nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh và châu Á đã phản ứng tốt hơn bằng cách cùng lúc mua vào và bán ra nhiều loại tiền tệ để gây ảnh hưởng lên tỷ giá và kiểm soát dòng vốn. Kể cả NHTW Israel của Fischer cũng bán đồng shekel để làm chậm lại đà tăng giá của đồng tiền này và xây dựng dự trữ ngoại hối phòng trường hợp cần dùng đến. 

Những kinh nghiệm gần đây cho thấy các quốc gia nên cho phép tỷ giá biến động thay vì cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định khiến đồng nội tệ bị định giá quá cao. Tuy nhiên, nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đang chờ lời khuyên. Họ đã nhìn thấy dòng tiền chảy ra ồ ạt khi Fed mới chỉ nhắc đến việc rút quy mô gói QE. Bài học được rút ra là thả nổi đồng nội tệ hoàn toàn sẽ khiến nền kinh tế gặp nguy hiểm. 


Tại hội nghị của IMF, các nhà kinh tế học thường đưa ra các "đơn thuốc" và cho rằng yếu tố chính trị trong quá trình triển khai là một vấn đề gây ra khá nhiều rắc rối. Mohamed el-Erian - người đang điều hành quỹ PIMCO và từng làm việc ở IMF - cho rằng kết luận này đã không còn đúng với thực tế. 

"Chúng ta không thể nói về chính sách kinh tế mà không nhắc đến chính trị", ông nói. Mohamed el-Erian thậm chí còn lấy ví dụ về việc làm sao để có thể quản lý kinh tế tốt khi mà hệ thống chính trị đang ở phân cực quá lớn. 

Vị lãnh đạo của Pimco không hề kể ra những cái tên cụ thể, nhưng tất cả những người tham dự cuộc thảo luận đều biết rằng ông chỉ đứng cách đồi Capitol 2,5 dặm. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên