MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thế giới có thực sự gặp nguy vì Trung Quốc?

17-11-2015 - 10:32 AM | Tài chính quốc tế

Khi nền kinh tế Nhật Bản chìm sâu vào suy thoái trong những năm 1990, phần còn lại của thế giới đã thành công trong việc duy trì ổn định. Hiện tại, trong bối cảnh Trung Quốc chịu đựng suy thoái kéo dài, một nhóm các nhà kinh tế cho rằng lịch sử sẽ lặp lại, tức là kinh tế thế giới vẫn sẽ vận hành tốt nếu cỗ máy Trung Quốc trục trặc.

Có một số lý do để nghi ngờ rằng tất cả những cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc kìm hãm phần còn lại của thế giới đang bị đẩy lên quá mức. Kinh tế Trung Quốc suy giảm tạo ra cả những kẻ thua cuộc (các nhà xuất khẩu hàng hóa là một ví dụ điển hình) nhưng đồng thời cũng tạo ra người thắng cuộc. Hãng hàng không, các nhà sản xuất ô tô và người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng giảm giá của các loại năng lượng và nguyên liệu thô.

Đó là những lợi ích ít được công khai có thể giúp thế giới chống chọi với thời kỳ yếu kém kéo dài của Trung Quốc. “Hẳn sẽ có những nỗi đau và sự chịu đựng,” Peter Hooper – người từng có 26 năm làm việc ở Fed và hiện đang là chuyên gia kinh tế trưởng ở Deutsche Bank Securities (New York) cho hay. “Nhưng miễn là suy thoái xảy ra dần dần, tôi không nghĩ đó sẽ là một vấn đề to tát đối với kinh tế toàn cầu.”

Tăng trưởng yếu ớt

Ngày 3/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết kinh tế Trung Quốc sẽ không tăng trưởng dưới 6,5% trong 5 năm tới. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng yếu nhất kể từ khi nền kinh tế mở cửa từ hơn 3 thập kỷ trước.

Với Nariman Behravesh, chuyên gia đến từ công ty tư vấn HIS, mục tiêu này có vẻ quá tham vọng. Ông nhìn thấy trung bình trong các năm tới kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức 5,5% đến 6%.

Như những gì Nhật Bản làm được vào những năm 1990, Trung Quốc vẫn duy trì thặng dư thương mại và do đó nước này giống như một nhà cung cấp ròng cho phần còn lại của thế giới hơn là nguồn cầu, theo Danny Gabay, một cựu quan chức của ngân hàng Anh hiện đang là đồng giám đốc của Fathom Consulting tại London. Điều này có nghĩa tác động của sự giảm tốc tại Trung Quốc trên toàn bộ sự tăng trưởng toàn cầu sẽ âm thầm hơn nhiều so với việc kinh tế Mỹ bỗng dưng “chìm nghỉm”.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc bành trướng hơn và hội nhập quốc tế hơn so với Nhật Bản 2 thập kỷ trước, Trung Quốc sẽ được cho là sẽ không rơi vào cảnh suy thoái đột ngột như Nhật Bản trong quá khứ. Suốt thời kỳ được gọi là “thập kỷ mất mát” kéo dài từ năm 1991 đến 2000, kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 1%/năm sau khi bong bóng bất động sản và cổ phiếu vỡ tan.

Hầu như bình an vô sự

Các mô hình kinh tế được chạy bởi các nhà kinh tế học của JPMorgan Chase phát hiện rằng kinh tế trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm sẽ kéo theo kinh tế toàn cầu suy giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong đó các thị trường mới nổi khác bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mỹ, với sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội, dường như bình an vô sự trong khi người tiêu dùng Mỹ được lợi từ giá nhập khẩu giảm.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan. Nhà kinh tế David Levy, đứng đầu Trung tâm dự báo Jerome Levery tại Mount Kisco, New York cho rằng kinh tế thế giới đang gần bước vào thời kỳ suy thoái do sự cắt giảm mạnh trong chi tiêu ở Trung Quốc và thị trường mới nổi khác.

Cho đến nay sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc tác động mạnh nhất lên giá hàng hóa. Chỉ số hàng hóa Bloomberg mất gần 20% trong năm nay, giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Đục nước béo cò trong tình huống này là các nhà sản xuất ô tô. Trung bình chi phí sản xuất một phương tiện ở Bắc Mỹ đã giảm xuống còn 591 USD trong năm ngoái nhờ giá nhựa, sắt và các nguyên liệu thô giảm. Như vậy, General Motors, Ford Motor và các nhà cung cấp của họ mỗi bên có một khoản trời cho hơn 1 tỷ USD.

Điều đặc biệt bất thường, theo giám đốc Alix Parters của Mark Wakefield tại Detroit, là chi phí vẫn đang giảm mặc cho doanh số bán ra cao. Thông thường, một sự giảm mạnh như vậy sẽ trùng khớp với sự suy giảm trong nhu cầu ở Mỹ.

Hôm 29/10, Deutsche Lufthansa AG, hãng hàng không lớn thứ 2 châu Âu, đã nâng dự báo về lợi nhuận của năm 2015 do nhu cầu tăng vọt cầu vào giữa năm và giá dầu giảm mạnh. Cologne, một công ty tại Đức, cho biết chi phí nhiên liệu của họ trong năm nay là 5,7 tỷ euro (tương đương 6,1 tỷ USD), giảm 1,1 tỷ euro so với năm ngoái.

Giá dầu giảm là minh chứng lợi ích cho người dân Mỹ và cả châu Âu. Điều này đồng nghĩa với chi tiêu nhiều hơn. Tháng 9, doanh số bán lẻ của Tây Ban Nha tăng mạnh nhất 9 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm và khiến người tiêu dùng phấn chấn.

Ở Mỹ, người ta tiêu tiền tiết kiệm được từ giá nhiên liệu thấp hơn để ăn ngoài thường xuyên hơn và giải trí nhiều hơn.

"Ngư ông đặc lợi" ở châu Á

Theo Shang-Jin Wei, chuyên gia đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), có một vài “ngư ông đắc lợi” tại châu Á.

Việt Nam và Bangledesh – nhà sản xuất may mặc lớn thứ 2 trên thế giới, có thể đạt được thị phần toàn cầu khi các công ty rút khỏi Trung Quốc do chi phí nhân công tăng. Ấn Độ cũng sẽ được lợi.

“Ấn Độ ở một vị trí tuyệt vời để vượt qua hiệu ứng gợn sóng của sự suy thoái tăng trưởng Trung Quốc,” giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell tại Ithaca, Mỹ, đồng thời là cựu quan chức của IMF, cho biết. “Sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc của Ấn Độ là khá khiêm tốn, và sự yếu ớt của giá hàng hóa càng tăng lợi thế cho Ấn Độ.”

Phương Anh

Bloomberg

Trở lên trên