MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế toàn cầu đang đứng trước làn sóng suy thoái thứ 3?

15-10-2015 - 03:58 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch FED chi nhánh St.Louis James Bullard đã phải phát biểu rằng nguy cơ rơi vào suy thoái của kinh tế toàn cầu không hề giảm bớt dù kinh tế thế giới đã tăng trưởng trong 6 năm qua.

Số liệu thương mại tháng 9/2015 do Trung Quốc công bố mới đây đã khiến các chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng, không chỉ về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nước này mà còn về rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.

Rõ ràng, việc xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1,1% trong tháng 9/2015 cho thấy rủi ro trong sự suy giảm nhu cầu trên toàn thế giới. Như vậy, Trung Quốc không chỉ là nước gặp vấn đề về kinh tế, mà chắc chắn nhiều quốc gia khác cũng đang phải đau đầu trong việc duy trì tăng trưởng.

Trung Quốc: Từ động lực tăng trưởng thành nỗi lo cho kinh tế toàn cầu

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại một cách rõ rệt từ năm trước. Trong tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh biện minh rằng nước này đang tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sang thị trường tiêu dùng nội địa. Như vậy, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại khi những ngành chủ chốt trước đây, như xuất khẩu và đầu tư bất động sản, dần bị thay thế bởi những lĩnh vực mới, như bán lẻ và dịch vụ cá nhân.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc trên thực tế đã giảm tốc nhanh và mạnh hơn dự đoán của nhiều chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh bị bất ngờ và không kịp đưa ra những biện pháp đối phó hiệu quả. Hậu quả là những quyết định vội vàng của Trung Quốc đã tạo nên những biến động mạnh trên thị trường nước này cũng như toàn cầu.

Trong tháng 7/2015, xuất khẩu của nước này giảm gần 9% và ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ phá giá Nhân dân tệ trong tháng 8 nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Trớ trêu thay, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm trước dù mức giảm không mạnh như hồi tháng 7/2015.

Chuyên gia kinh tế Tom Orlik của Bloomberg cho rằng việc phá giá Nhân dân tệ không thể giải quyết được tình hình suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Việc đồng Nhân dân tệ vẫn được chính quyền Bắc Kinh (khiến đồng tiền này cao hơn giá thị trường), mức lương nhân công tại Trung Quốc tăng lên (khiến giá hàng xuất khẩu tăng theo) và đặc biệt là nhu cầu tại nước ngoài suy giảm đã khiến doanh số bán các sản phẩm Trung Quốc giảm theo trên thị trường quốc tế.

Nếu nhu cầu của các thị trường Mỹ, Châu Âu là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến xuất khẩu suy giảm thì động thái phá giá đồng tiền của chính quyền Bắc Kinh là không hoàn toàn hiệu quả. Nói theo cách khác, kinh tế Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng phần nào bởi sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và họ không thể làm gì nhiều để thay đổi điều đó.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2015 mới được công bố đã tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này vẫn thấp hơn mức tăng 2% của tháng 8/2015 và mức dự đoán 1,8% trước đó của hãng tin Bloomberg. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 9 cũng giảm 5,9%, đánh dấu tháng giảm thứ 43 liên tiếp.

Chỉ số CPI của Trung Quốc
Chỉ số CPI của Trung Quốc
Chỉ số PPI của Trung Quốc
Chỉ số PPI của Trung Quốc

Theo Bloomberg, với tỷ lệ lạm phát dưới mức mục tiêu 3% như hiện nay, rất có thể PBOC sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ sau 5 lần hạ lãi suất từ tháng 11/2014. Trong tuần tới, chính quyền Bắc Kinh sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý III cùng với sản lượng công nghiệp, tăng trưởng đầu tư và doanh số bán lẻ. Khảo sát của Bloomberg dự đoán tăng trường quý III của Trung Quốc chỉ đạt 6,8%, thấp hơn mức tăng 7% của 2 quý trước đó.

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại?

Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2009, nền kinh tế số 1 thế giới đã có biểu hiện khá tốt, từ số liệu thị trường lao động đến chứng khoán. Tuy nhiên, những dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có lẽ đang bắt đầu lan sang nhiều nền kinh tế khác, bao gồm Mỹ.

Mới đây, số liệu cho thấy chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 9/2015 của Mỹ đạt 53,1 điểm, mức gần thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Chuyên gia Chris Williamson của hãng Markit nhận định ngành sản xuất của Mỹ trong những tháng gần đây có dấu hiệu giảm tốc do đồng USD tăng giá, tình trạng suy giảm nhu cầu trên toàn cầu cũng như đà tăng chậm lại trong đầu tư kinh doanh và tài chính.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Mỹ
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Mỹ
Tăng trưởng ngành sản xuất Mỹ theo quý
Tăng trưởng ngành sản xuất Mỹ theo quý

Bên cạnh đó, báo cáo thị trường việc làm tháng 9/2015 của Mỹ cũng không được khả quan. Số việc làm mới trong tháng 9 chỉ đạt 142.000 việc làm, thấp hơn mức 200.000 việc làm dự đoán trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ tham gia lực lượng lao động trên tổng dân số tại nước này tính đến tháng 9/2015 đã giảm xuống 62,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1977.

Ngoài ra, mức lương bình quân tại Mỹ vốn được dự đoán sẽ tăng từ nhiều tháng nay nhưng báo cáo tháng 9/2015 lại không cho thấy điều đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện đã xuống mức thấp và theo lý thuyết, mức lương cho người lao động sẽ tăng, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

Tờ Business Insider nhận định rất có khả năng xu thế tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang dần chậm lại và bắt đầu chuyển hướng đi xuống. Theo Business Insider, một cuộc suy thoái kinh tế thường bắt đầu khi tình hình vẫn đang tốt chứ không thường bắt đầu khi mọi thứ đang tồi tệ.

Kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ suy thoái mới?

Chuyên gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.

Theo ông Sharma, nền kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái và tăng trưởng đan xen lẫn nhau qua mỗi 7-8 năm trong suốt 50 năm qua. Lần suy thoái gần đây nhất là vào năm 2007-2008 và đợt suy thoái này diễn ra khá mạnh.

Đồng Giám đốc điều hành David Rubenstein của The Carlyle Group cũng có cùng quan điểm trên. Ông Rubenstein nhận định nếu kinh tế toàn cầu bắt đầu chu kỳ suy thoái, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc xuống 2% GDP trong năm nay, kinh tế Châu Âu chỉ tăng trưởng 1% còn Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6%.

Theo ông Rubenstein, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không còn nhiều công cụ để hỗ trợ thị trường khi mức lãi suất đã giảm xuống quá sâu. Bình thường, các nhà hoạch định chính sách sẽ hạ lãi suất nếu lo ngại một cuộc suy thoái diễn ra, nhưng tình hình hiện nay cho thấy lãi suất đã xuống gần 0% mà chỉ còn cách thực hiện lãi suất âm, vốn có thể tạo những ảnh hưởng ngoài tầm kiểm soát.

Báo cáo của Goldman Sachs tuần trước cho thấy tình hình giảm tốc tại các nền kinh tế mới nổi, giá hàng hóa giảm và những dự đoán về khả năng tăng lãi suất của FED đang khiến tình hình kinh tế thế giới càng trở nên bất ổn, qua đó có khả năng tạo một làn sóng khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Hãng Deutsche Asset and Wealth Management cho biết rủi ro vỡ nợ và phá sản trên thế giới hiện nay đang ngày càng gia tăng. Sự kết hợp giữa tỷ lệ đầu tư cao, gia tăng vay nợ và giảm tốc kinh tế đang khiến các thị trường mới nổi gặp nguy hiểm hơn trước đây.

Chủ tịch FED chi nhánh St.Louis James Bullard cũng đã phải phát biểu rằng khả năng rơi vào suy thoái của kinh tế toàn cầu không hề giảm bớt dù thế giới đã tăng trưởng trong 6 năm qua.

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

Trở lên trên