MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc: “Chọn - cho” hay “chọn - bỏ”?

19-09-2015 - 15:09 PM | Tài chính quốc tế

Xu hướng bảo hộ (có phần) gia tăng và cải cách chậm chạp trong lĩnh vực tài chính tiền tệ khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng Trung Quốc chỉ tuyên bố cải cách chứ không thực sự mở cửa.

TS. Phạm Sỹ Thành
TS. Phạm Sỹ Thành
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
5 bài viết

Chuyên đề đặc biệt về kinh tế Trung Quốc, dưới góc nhìn của TS. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi Trung Quốc đưa ra cam kết cải cách “để thị trường đóng vai trò quyết định”, chúng ta đều ít nhiều kỳ vọng các cải cách thực chất sẽ được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh một số cải cách khó hiểu về doanh nghiệp nhà nước – lựa chọn 6 doanh nghiệp không quan trọng để thí điểm cải cách quản trị công ty – các cải cách quan trọng khác hầu như ít tiến triển.

Xu hướng bảo hộ (có phần) gia tăng và cải cách chậm chạp trong lĩnh vực tài chính tiền tệ khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng Trung Quốc chỉ tuyên bố cải cách chứ không thực sự mở cửa.

Sự bảo hộ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Theo số liệu của ECFR (năm 2015) mặc dù Trung Quốc nhanh chóng tìm kiếm được các thị trường đầu tư tại các nước phát triển nhưng vấn đề tiếp cận và thâm nhập thị trường Trung Quốc lại là một bài toán khó đối với các công ty nước ngoài.

Trong đó nổi lên hai vấn đề là bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc (77% công ty châu Âu gặp phải vấn đề này) và vấn đề tiếp cận tài chính (66% doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu coi đây là thách thức lớn nhất khi đầu tư tại Trung Quốc).

Vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong quan hệ Mỹ - Trung. Mặc dù hai nước đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung (BIT) nhưng việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp dịch vụ của Mỹ vấn là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền của tổng thống Obama.

Trong khi danh sách đầu tư chọn-bỏ (negative list) của Mỹ chỉ quy định khoảng 10 ngành Trung Quốc không được đầu tư thì danh sách của Trung Quốc là khoảng 1.000 ngành.

Trung Quốc nói rằng họ chưa có kinh nghiệm trong việc quản lí đầu tư từ nguyên tắc chọn-cho sang chọn-bỏ nhưng Trung Quốc đã gia nhập WTO gần 15 năm và những chuyển biến trong việc hạ thấp rào cản gia nhập thị trường của nước này trong nhiều lĩnh vực vẫn tiến triển hết sức chậm chạp.

Theo số liệu ECFR (2015), cùng với Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc là quốc gia có hàng rào thuế quan đối với các ngành dịch vụ cao nhất thế giới.

Cải cách thị trường tài chính cũng là một dấu hỏi khi chúng ta theo dõi trường hợp Khu thương mại tự do Thượng Hải (SFTZ).

Được kỳ vọng sẽ là vươn ươm mới cho cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại, đây sẽ là nơi thúc đẩy các cải cách tự do hóa tài chính, thúc đẩy quốc tế hóa NDT và SFTZ đã xuất hiện đầy ồn ã.

Đến cuối tháng 12/2013, 12 bộ bao gồm các nhà quản lý tài chính cấp bộ đã công bố những quy định liên quan đến việc thực thi dự án cải cách tài chính tiền tệ, gần 3.500 công ty, bao gồm 288 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 12 ngân hàng nước ngoài đã chấp thuận sự quản lý FTZ vừa được thiết lập để đăng ký vào khu vực này.

Nhưng chỉ đến tháng 6/2014, nhiều công ty nước ngoài bắt đầu phàn nàn về vấn đề thiếu hụt những cải cách có ý nghĩa, và đại diện một số công ty nước ngoài đã phải thừa nhận rằng quyết định đầu tư vào khu vực này của họ là do chính trị thúc đẩy hơn là động cơ thương mại.

Một số lượng lớn các hạng mục cải cách được công bố trước đó bao gồm tự do hóa hệ thống tài khoản thương mại, tự do hóa lãi suất tiền gửi ngoại tệ của các công ty, và xóa bỏ yêu cầu về vốn điều lệ v.v… đã tiến triển rất chậm.

Thậm chí việc Bộ Thương Mại Trung Quốc (MOFCOM) duyệt lại danh mục đầu tư chọn-bỏ được công bố vào tháng 7 /2014 “giảm 27% số lượng các mục bị cấm”, cũng bị chỉ trích gay gắt.

Phía Mỹ cho rằng, sự cắt giảm này chủ yếu đến từ việc xóa bỏ những mục dư thừa ở trong văn bản gốc chứ không phải sự mở cửa mới mẻ và quan trọng nào.

TS. Phạm Sỹ Thành

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên