MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề gì?

15-09-2015 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, đối với Trung Quốc việc chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới (New Normal) không chỉ gồm một hệ các chỉ số mới mà quan trọng hơn cả, họ cần có một thể chế kinh tế mới thực sự thị trường.

TS. Phạm Sỹ Thành
TS. Phạm Sỹ Thành
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
5 bài viết

Sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc mất hơn 30% giá trị vốn hóa vào tháng 7, đồng Nhân dân tệ (NDT) phá giá hơn 3% vào tháng 8 và các số liệu kinh tế vĩ mô đầy thất vọng vào tháng 9, các tranh luận về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn và trung hạn lại trỗi dậy mạnh mẽ với hai câu hỏi phổ biến “Kinh tế Trung Quốc đang thực sự gặp vấn đề gì?” và “Liệu kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không?”

Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, đối với Trung Quốc việc chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới (New Normal) không chỉ gồm một hệ các chỉ số mới mà quan trọng hơn cả, họ cần có một thể chế kinh tế mới thực sự thị trường.

Ông Thành hiện là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giới thiệu góc nhìn của một chuyên gia trẻ, chúng tôi hy vọng tìm kiếm, trước hết, cách tiếp cận cho lời giải về chủ đề sâu sắc và phức tạp nói trên.

Chúng tôi mong sẽ tiếp nhận nhiều ý kiến và đóng góp của các chuyên gia và đông đảo bạn đọc về chủ đề này.

Phần 1: Những câu hỏi nhìn từ thể chế

Như để trả lời cho sự lo lắng của thị trường, tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 diễn ra vào tháng 9, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC ) Chu Tiểu Xuyên trấn an các nhà kinh tế của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới rằng: “Hiện tại, tỷ giá hối đoái của đồng NDT đang đi vào ổn định, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán gần như đã kết thúc, và thị trường tài chính đang cho thấy hy vọng bình ổn… mức độ vay nợ trên thị trường đã giảm nhiều, và chúng tôi nghĩ không còn rủi ro hệ thống”.

Trong khi đó, cũng tại hội nghị này, Lâu Kế Vĩ – Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc – nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng quanh ngưỡng 7% trong vòng 4-5 năm tới.

Còn tại Diễn đàn Kinh tế Davos tổ chức tại Liêu Ninh (Trung Quốc) vào ngày 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng “Trung Quốc không phải nguồn gốc các rủi ro của kinh tế thế giới mà là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu”.

Ông Lý Khắc Cường cũng không quên nhắc lại với thế giới những cải cách quan trọng mà Trung Quốc đã và sẽ tiến hành.

Nhưng có thể thấy, những phát biểu mang tính trấn an của những vị trí lãnh đạo kinh tế chủ chốt của Trung Quốc đều trả lời các vấn đề mang tính “kĩ thuật và tức thời” của kinh tế Trung Quốc.

Cùng thời điểm những phát biểu nêu trên được đưa ra, EuroCham đã gửi lên chính phủ Trung Quốc một bản “Kiến nghị của doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc” trong đó bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng Trung Quốc “chỉ cải cách không mở cửa”.

Bản kiến nghị cho rằng, những tiến triển trong lĩnh vực cải cách thị trường hóa tại Trung Quốc đã diễn ra vô cùng chậm chạp, khiến cho các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Trung Quốc bắt đầu “khủng hoảng niềm tin”.

Ông Joerg Wuttke – Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc – khẳng định “Liên minh Châu Âu chưa từng chứng kiến một đường hướng chính sách tràn ngập mâu thuẫn ở đó tồn tại đồng thời cả (việc tiến hành) cải cách và đóng cửa. Tôi vô cùng lo lắng về việc xu thế cải cách đã giảm đi”.

Sau 3 năm dưới sự lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ 5, câu hỏi quan trọng hơn cả đối với kinh tế Trung Quốc – cũng là điều Trung Quốc cần trả lời cho thị trường – là liệu các cam kết cải cách theo hướng kinh tế thị trường có được nước này thực thi đầy đủ hay không?

Những biện pháp cải cách thị trường hóa có mạnh mẽ như mức độ hùng hồn trong tuyên bố của chính phủ Trung Quốc hay không?

Bởi đối với Trung Quốc việc chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới (New Normal) không chỉ gồm một hệ các chỉ số mới mà quan trọng hơn cả, họ cần có một thể chế kinh tế mới thực sự thị trường.

Trung Quốc đã chuyển đổi được 35 năm, quốc gia này cũng gia nhập WTO được 14 năm và đang vận động cho sự ra đời của RCEP, nên có rất ít lí do để nói rằng Trung Quốc chưa quen thuộc với hệ thống luật quốc tế. Nếu muốn trở thành người thay đổi luật chơi (rule-maker), Trung Quốc trước hết cần là người tuân thủ luật chơi (rule-taker). Đã đến lúc PBoC nói riêng và Trung Quốc nói chung cần chuyển từ ứng xử theo “thuật” (thói quen cá biệt) sang theo “đạo” (luật lệ, thông lệ quốc tế).

>> Phần tiếp theo: Dùng “thuật” hay theo “đạo”

TS. Phạm Sỹ Thành

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên