Kinh tế Trung Quốc lại đón tin xấu
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng rất yếu và chỉ bằng một nửa mức mục tiêu đề ra trong khi chỉ số giá sản xuất giảm mạnh hơn dự báo. Lực cầu nội địa suy yếu làm lu mờ triển vọng tăng trưởng.
- 08-01-2016Tỉ phú Trump: Phải đánh thuế hàng hóa Trung Quốc 45%
- 08-01-2016Chứng khoán Trung Quốc: Khi cầu giao quá nhạy
- 08-01-2016Trung Quốc ngừng cơ chế "tự ngắt" trên thị trường chứng khoán
Theo báo cáo được Cục thống kê Trung Quốc vừa công bố sáng nay (9/1), chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2015 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức dự báo trung bình mà các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra và cao hơn mức 1,5% của tháng 11.
Trong khi đó chỉ số giá sản xuất giảm 5,9%,so với mức dự báo 5,8% được đưa ra trước đó. Đây là tháng thứ 46 liên tiếp chỉ số này của Trung Quốc suy giảm.
Những dấu hiệu mới nhất về sự yếu ớt của nền kinh tế là một tín hiệu không hề được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chào đón trong bối cảnh chứng khoán bị bán tháo và đà giảm giá của nhân dân tệ khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Mặc dù các lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản và giảm tình trạng dư thừa trong sản xuất, sự yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khiến họ khó mà đạt được mục tiêu này.
“Chúng tôi tin rằng lạm phát của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và CPI sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, xuống quanh mức 1% trong năm 2016’, ngân hàng ANZ nhận định trong báo cáo mới nhất.
Không giống với CPI đo lường diễn biến giá cả hàng hóa dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (PPI) đo lường mức độ lạm phát trải qua bởi các nhà sản xuất. Số liệu này mô tả mức độ thay đổi giá cả trung bình trong rổ hàng hóa cố định được mua bởi nhà sản xuất. Với 46 tháng giảm liên tiếp, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát tại các nhà máy nếu xét trên chỉ số PPI.