Kinh tế Trung Quốc lớn hơn bạn nghĩ?
Mark Mobius và một số chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhiều hơn 7%.
- 15-10-2015Mô hình kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi?
- 14-10-2015Nguy cơ giảm phát đeo bám Trung Quốc
- 24-09-2015Kinh tế Trung Quốc sẽ mãi mãi ở vị trí số hai?
Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý III vào thứ hai tuần sau (19/10), trên thị trường lại xuất hiện những hoài nghi về mức độ chính xác của các số liệu kinh tế mà nước này công bố.
“Vua trái phiếu” Bill Gross từng miêu tả Trung Quốc là “phần huyền bí của nhóm các thị trường mới nổi”. Thậm chí chính Thủ tướng Lý Khắc Cường vào năm 2007 cũng có lần phát biểu rằng ông không tin vào các số liệu chính thức. Ông dựa vào những chỉ tiêu như lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường sắt hay lượng điện tiêu thụ để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế.
Không ít người cho rằng Trung Quốc thường thổi phồng các số liệu kinh tế, rằng Trung Quốc báo cáo GDP tăng trưởng 7% nhưng trên con số thực tế thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, Mark Mobius - người đứng đầu quỹ đầu tư Franklin Resources và đã có hơn 4 thập kỷ đầu tư vào các thị trường mới nổi – lại có quan điểm trái ngược.
“Tôi biết rằng có rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh chuyện kinh tế Trung Quốc có thực sự đạt được mức tăng trưởng 7% hay không. Tuy nhiên, các số liệu của chúng tôi cho thấy 7% chỉ là mức tối thiểu. Khá nhiều phần của nền kinh tế Trung Quốc đã không được tính đến vì nước này đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tập trung sản xuất sang dựa vào lĩnh vực dịch vụ".
Các chuyên gia đến từ Rhodium Group cũng đưa ra quan điểm tương tự trong báo cáo được công bố tháng trước. Nghiên cứu dài hơn 200 trang chỉ ra rằng các phương pháp tính toán GDP của Trung Quốc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù cũng thừa nhận rằng đôi lúc các số liệu thống kê của Trung Quốc bị bóp méo nhằm phục vụ các mục tiêu về chính trị, báo cáo này kết luận nền kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn hơn chứ không phải nhỏ hơn so với các số liệu chính thức. Dịch vụ là ngành khó đo đếm nhất, đồng thời vai trò của ngành bất động sản trong nền kinh tế thậm chí còn lớn hơn so với những gì các số liệu chính thức đang phản ánh.
GDP là chỉ số mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Một nền kinh tế có quy mô lớn hơn sẽ khiến tỷ lệ nợ/GDP bớt đáng sợ hơn. Năng suất của người lao động cũng sẽ tăng lên. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn 2-3 năm so với dự đoán.
Dẫu vậy, báo cáo này không chỉ chứa toàn những nhận định lạc quan. “Trong những năm tới, khi cấu trúc nền kinh tế đã thay đổi và Trung Quốc đã tiến lên giai đoạn khác của quá trình tăng trưởng, nước này khó có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao như hiện nay”.
Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý III. Đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Điều này không làm thay đổi nhận định của Mobius. “Trung Quốc đang trên đường chuyển đổi mô hình kinh tế và chắc chắn sẽ thành công”, ông nói.