Kinh tế Trung Quốc năm 2013 'lội ngược dòng' thành công
Điều này đã gây bất ngờ cho nhiều nhà kinh tế học từng quan ngại kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng".
Theo Đài Bắc Kinh, 3 quý đầu năm 2013, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,7%, chỉ số giá tiêu dùng khiến mọi người lo ngại cũng đã được kiểm soát ở mức khá thấp là 2,5%. Dự kiến cả hai chỉ tiêu này trong cả năm đều sẽ đạt mục tiêu đề ra. Điều này đã gây bất ngờ cho nhiều nhà kinh tế học từng quan ngại kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng".
Đài trên nhận định năm 2013 môi trường phát triển của Trung Quốc không mấy thuận lợi, như "con thuyền đi ngược dòng nước". Các nhân tố như nhu cầu tiêu dùng giảm do khủng hoảng toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc.
Ở trong nước, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bao gồm: năng suất dư thừa do đầu tư quá mức, gánh nặng nợ nần quá cao của chính quyền địa phương, giá thành sức lao động tăng quá nhanh, thị trường bất động sản quá nóng… Đến cuối năm, các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng kinh tế Trung Quốc tuy đã không còn tăng tới hai con số như nhiều năm trước, nhưng vẫn sẽ giữ mức tăng khá cao trên 7%, ít khả năng xảy ra hạ cánh cứng.
Điều đáng lưu ý là ban lãnh đạo Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách các lĩnh vực then chốt và ngành nghề then chốt, theo đó chuyển đổi chức năng của chính phủ, mở rộng phạm vi thí điểm từ thu thuế kinh doanh sang thu thuế giá trị gia tăng, thực thi chế độ thuế có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nới lỏng kiểm soát lãi suất cho vay của tổ chức tài chính, thúc đẩy vốn trong nhân dân đổ vào ngành tài chính, cải cách chế độ phát hành cổ phiếu mới, ban hành biện pháp mới cải cách giá sản phẩm tài nguyên…
Năm 2013 được coi là “năm đầu của cải cách mới”. Biện pháp mới được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18 chắc chắn sẽ có vai trò quyết định đối với sự phát triển sau này của Trung Quốc, đưa nước này tiếp tục đi trên con đường thành công.