MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Làm thế nào để Trung Quốc tránh được khủng hoảng như năm 2008?

26-01-2016 - 14:28 PM | Tài chính quốc tế

Cho đến khi Trung Quốc giải quyết được vấn đề nợ của mình, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm tốc và các thị trường tài chính còn gặp nhiều bất ổn. Đã có một lối thoát nhưng các sai lầm chính sách gần đây cho thấy Trung Quốc chưa chắc sẽ có lựa chọn sáng suốt.

Gánh nặng nợ của Trung Quốc đã được chứng minh là có thực và quá trình thoái nợ không thể tránh khỏi đang diễn ra. Giống như Mỹ năm 2008, Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Chính phủ Trung Quốc phải tiến hành thoái nợ thông qua tái vốn hóa, phá giá tiền tệ, tăng trưởng kinh tế hoặc để cho vỡ nợ hoàn toàn.

Loay hoay giảm nợ

Khả năng vỡ nợ hoàn toàn là khá thấp. Trung Quốc có đủ nguồn lực để xử lý phần lớn số nợ xấu, hơn nữa vỡ nợ sẽ gây ra bất ổn chính trị và xã hội và do đó khó mà tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ chọn con đường này.

Biện pháp kém khả thi tiếp theo là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số nợ tích lũy từ năm 2008 đã tạo ra tình trạng dư thừa công suất trong gần như mọi thành phần kinh tế. Các thành phố ma và nhà máy bỏ hoang chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sâu xa hơn, dư thừa công suất sẽ gây ra giảm phát trong trường hợp tốt nhất và thậm chí là suy thoái trong trường hợp xấu nhất. Do đó, có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ.

Trong những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực nhưng cũng thất bại trong việc kích hoạt thị trường tài sản công. Kế hoạch của chính phủ Trung Quốc là tạo ra một thị trường tài sản năng động mà các công ty nợ nhiều có thể tái vốn hóa thông qua IPO. Gánh nặng nợ sẽ được chuyển từ doanh nghiệp sang các cổ đông nắm giữ tài sản. Tuy nhiên, điều duy nhất mà chính phủ Trung Quốc tạo ra chỉ là bong bóng chứng khoán và sự sụp đổ sau đó. Để ngăn chặn sự sụp đổ, chính phủ đã đã buộc phải dừng các hoạt động IPO. Trên thực tế, thậm chí các muốn tái vốn hóa đã bị loại khỏi TTCK.

Phá giá tiền tệ là lựa chọn cuối cùng và thực tiễn nhất. Phá giá tiền tệ từ 10-15% sẽ kích thích tăng trưởng xuất khẩu và thúc đẩy lạm phát. Dĩ nhiên, phá giá tiền tệ ở mức này sẽ gây ra những chấn động trên các thị trường tài chính nhưng trong trung hạn và dài hạn đây dường như là giải pháp khả thi nhất.

Mặt khác, có lập luận cho rằng giữ cho đồng nội tệ mạnh hơn trong dài hạn sẽ là giải pháp tốt hơn, đặc biệt khi Trung Quốc đang chuyển hướng sang tiêu dùng. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn sẽ đem lại cho người dân Trung Quốc sức mua lớn hơn, đặc biệt là tăng tiêu dùng hàng nước ngoài. Theo quan điểm của tác giả, đây là lập luận khiến Trung Quốc đã phạm phải sai lầm về chính sách tiền tệ.

Lập luận trên cùng với tình trạng thoái vốn đã buộc Trung Quốc phải giữ giá đồng nhân dân tệ. Bằng việc giữ giá đồng nhân dân tệ, Trung Quốc trên thực tế đang tiến hành thắt chặt định lượng (QT) và chính sách này đã tạo nên tình trạng thoái nợ giảm phát mà hiện nay ảnh hưởng đến cả kinh tế Mỹ.

Thuật ngữ “thoái nợ xấu xí” được đặt ra bởi Ray Dalio ở quỹ đầu tư Bridgewater đã miêu tả chính xác tình hình hiện nay ở Trung Quốc. Trong quá trình “thoái nợ xấu xí”, chỉ có một vài tài sản là hoạt động, còn giá hàng hóa và chứng khoán sẽ sụt giảm trong khi giá trái phiếu lại tăng.

Trung Quốc rất quan trọng với Mỹ

Tại sao Trung Quốc lại quan trọng với thị trường chứng khoán Mỹ? Suy cho cùng thì Mỹ là một nên kinh tế tương đối đóng và đang gặt hái lợi ích từ các lực lượng giảm phát thịnh hành trên toàn thế giới. Trung Quốc quan trọng với các nhà đầu tư vì hầu hết doanh nghiệp trong S&P 500 có mô hình tăng trưởng tập trung vào Trung Quốc.

Trong một báo cáo gần đây, Oleg Melentyev ở Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đã chỉ ra một vài số liệu về tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu:

• Điện thoại thông minh: 70% doanh số bán hàng nằm ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu, 45% được bán ở các nước BRICs;

• Dược phẩm: 43% doanh số bán hàng nằm ngoài Mỹ/EU/Nhật Bản;

• Giáo dục: Đi kèm với giáo dục là du lịch và bán lẻ - đóng góp vào một phần tư doanh số xuất khẩu dịch vụ của Mỹ, ví dụ điển hình nhất là 62% sinh viên quốc tế ở Mỹ đến từ Trung Quốc;

• Mạng xã hội: Facebook, Google và Twitter có được khoảng một phần ba doanh thu quảng cáo từ các thị trường mới nổi;

• Truyền thông: ngành công nghiệp điện ảnh có được 65% doanh số bán hàng từ thị trường quốc tế và tỷ lệ doanh số ở thị trường mới nổi cũng gần với tỷ lệ dân số của thị trường mới nổi so với thế giới là 85%.

Hầu hết những hàng hóa và dịch vụ được bán rộng rãi trên thị trường quốc tế không đăng ký xuất khẩu tại Mỹ vì chúng được lắp ráp/cung cấp, vận chuyển và đặt hàng bởi chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia không có quốc tịch Mỹ. Ví dụ điển hình nhất là nếu doanh thu các mặt hàng trên được xem là doanh số xuất khẩu thì doanh số bán hàng của Apple chỉ tính riêng ở Trung Quốc sẽ chiếm một nửa doanh số xuất khẩu của Mỹ sang nước này, đã bao gồm cả dịch vụ.

Mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ còn lớn hơn những gì số liệu thống kê về xuất khẩu cho thấy được. Trong vài tuần đầu tiên của tháng một, các nhà đàu tư Mỹ đã trực tiếp trải nghiệm sức nặng của mối liên hệ này.

Trung Quốc hiện nay đang trên bờ vực khủng hoảng giống như năm 2008, nhưng điều này không hẳn sẽ gây ra suy thoái như Mỹ từng trải qua. Trung Quốc có đường lui. Trong ngắn hạn, nước này phải từ bỏ khát khao có được vị thế đồng tiền dự trữ và kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng thông qua tăng cường sức mua. Đây là những mục tiêu đáng trân trọng nhưng chúng chỉ thích hợp sau khi hoàn tất quá trình giảm nợ mà thôi.

Nếu Trung Quốc không tiến hành phá giá tiền tệ, nước này có nguy cơ gặp khủng hoảng mà phải mất nhiều năm để giải quyết. Trong các cuộc khủng hoảng tương tự, Mỹ phải mất hai năm từ 2007-2009 và 1930-1932 trước khi bước sang giai đoạn thoái nợ thứ hai. Nhật Bản cũng là bài học về một nền kinh tế kéo dài thời gian giảm nợ và gánh chịu nhiều thập kỷ mất mát.

Cho đến khi Trung Quốc giải quyết được vấn đề nợ của mình, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm tốc và các thị trường tài chính còn gặp nhiều bất ổn. Đã có một lối thoát nhưng các sai lầm chính sách gần đây cho thấy Trung Quốc chưa chắc sẽ có lựa chọn sáng suốt. Khi điều này xảy ra, các nhà đầu tư cần phải cảnh giác cao độ.

Long Nam

CNBC

Trở lên trên