MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn gió mới thổi vào nền kinh tế Trung Quốc

27-05-2013 - 12:14 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch cho phép kinh tế tư nhân và các tác nhân thị trường đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế.

Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định chính quyền trung ương sẽ giảm vai trò của nhà nước trong các vấn đề kinh tế với hi vọng có thể khai thác năng lực sáng tạo của đất nước.

Thứ 6 tuần trước (24/5), chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra một loạt kiến nghị chính sách thể hiện ông Lý cùng các lãnh đạo khác đang thật sự nghiêm túc về việc giảm sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong các quyết định đầu tư và tạo lập giá cả. 

Các kiến nghị bao gồm mở rộng thuế đánh vào tài nguyên thiên nhiên, từng bước cho phép các tác nhân thị trường quyết định lãi suất ngân hàng và phát triển các chính sách mở cửa cho kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, đường sắt và viễn thông. 

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào ngành tài chính, logistics, y tế cũng như các lĩnh vực khác. Từ nhiều năm nay, chính phủ cũng như các ngân hàng và công ty phương Tây luôn than phiền rằng mặc dù Trung Quốc hứa hẹn sẽ mở cửa, họ vẫn gặp phải nhiều rào cản khi đầu tư vào ngân hàng cũng như các ngành dịch vụ khác. 

Các lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết sẽ nới lỏng kiểm soát thị trường ngoài hối và cho phép thị trường quyết định giá trị của đồng nhân dân tệ. Thông báo được NHTW Trung Quốc đưa ra hôm thứ 6 cũng lặp lại điều tương tự. 

Mặc dù liệu Bắc Kinh có thể thành công hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác, giới phân tích nhận định thông báo vừa được đưa ra là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang rất nghiêm túc về việc thay đổi mô hình tăng trưởng.

Theo Huang Yiping, chuyên gia kinh tế trưởng chuyên nghiên cứu về thị trường châu Á tại Barclays, các lãnh đạo mới của Trung Quốc đã đưa ra một vài thông điệp rất rõ ràng. Họ nhận ra rằng nếu như cải cách tiếp tục bị trì hoãn, nền kinh tế sẽ lún sâu hơn vào rắc rối.

Mặc dù vậy, động thái mạnh mẽ lần này không phải là dấu hiệu cho thấy “chính phủ lớn” (big government) không hề chấm dứt ở Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc khó có thể phá vỡ thế độc quyền ở một số ngành được coi là chiến lược như ngân hàng, năng lượng và viễn thông. 

Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh buộc phải tiến lên phía trước bởi họ có rất ít sự lựa chọn. Trong bối cảnh tăng trưởng chững lại và mô hình kinh tế hiện nay bộc lộ nhiều điểm hạn chế, lãnh đạo Trung Quốc đang đứng trước áp lực phải thay đổi. Trong tháng 5, hoạt động sản xuất suy giảm lần đầu tiên trong 7 tháng. Hoạt động xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ đều giảm sút. Chi phí nhân công gia tăng và đồng nhân dân tệ mạnh lên khiến lợi thế sản xuất bị thu hẹp. Các chuyên gia kinh tế hạ dự báo tăng trưởng và buộc phải nhìn nhận những rủi ro xuất phát từ núi nợ khổng lồ đè nặng doanh nghiệp và chính phủ.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thay đổi lớn lao trong cơ cấu dân số và động lực tăng trưởng. Dân số già hóa buộc Trung Quốc phải nâng cấp hoạt động sản xuất công nghiệp và tìm ra hướng đi mới thay vì những hàng hóa rẻ tiền và thâm dụng lao động như hiện nay. 

Bộ máy lãnh đạo cũ (được dẫn dắt bởi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo) cũng hứa hẹn những điều tương tự. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng họ thiếu đi quyết tâm chính trị - nhân tố quan trọng để giành chiến thắng. Trong suốt hai nhiệm kỳ kéo dài 10 năm, vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế thậm chí còn tăng lên. 

Trong khi đó, dường như bộ máy lãnh đạo mới mang nhiều quyết tâm hơn. Trong cuộc họp báo vừa diễn ra trong tháng này, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định nếu như Trung Quốc dựa quá nhiều vào chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng, nước này khó có thể tăng trưởng bền vững và thậm chí còn phải đối mặt với những rắc rối mới.

Ông Lý cũng nói về việc giảm bớt các luật lệ và giảm bớt vai trò của chính phủ. “Lý Khắc Cường có lối suy nghĩ giống như một nhà kinh tế”, Barry J. Naughton – giáo sư nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California – nhận định. “Ông ấy muốn chính phủ đứng dẹp sang một bên”. 

Thu Hương

huongnt

NYT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên