MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng giảm phát thứ ba đang tới

03-09-2015 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Làn sóng đầu tiên đi cùng với khủng hoảng tài chính 2008-9, làn sóng thứ hai do khủng hoảng ở eurozone đem đến trong giai đoạn 2011-12 và rất có thể làn sóng thứ ba sẽ đến từ một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi.

Trong chưa đầy 1 thập kỷ, đây là lần thứ ba kinh tế thế giới đang đứng trước gánh nặng của một làn sóng giảm phát. Làn sóng đầu tiên đi cùng với khủng hoảng tài chính 2008-9, làn sóng thứ hai do khủng hoảng ở eurozone đem đến trong giai đoạn 2011-12 và rất có thể làn sóng thứ ba sẽ đến từ một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi.

Theo Financial Times, làn sóng thứ ba mang trong mình rất nhiều điểm đặc trưng của hai làn sóng trước. Tất cả các cuộc khủng hoảng ở thị trường mới nổi đều bắt nguồn từ thị trường tiền tệ trước khi lan sang các lĩnh vực khác là hàng hóa, nợ, chứng khoán và cuối cùng là nền kinh tế thực.

Trong vài tháng tới, các TTCK mới nổi có thể chạm đáy, nhưng quá khứ cho thấy sẽ phải mất rất nhiều năm khan hiếm nguồn vốn để có thể khôi phục lại kỷ cương sau nhiều năm đầu tư quá đà. Thời kỳ 2002-7 sẽ được coi là thời kỳ hoàng kim cho các thị trường mới nổi.

Lần này tác động của một cuộc khủng hoảng lên các nước phát triển sẽ có một chút khác biệt. Năm 1997, khủng hoảng tạo ra một cú sốc về giá đẩy tăng mức thu nhập thực và tiêu dùng thực ở các nước phát triển. Ngày nay, một cuộc khủng hoảng ở thị trường mới nổi sẽ tạo ra cú sốc cả về giá và về lượng, vì so với trong quá khứ các thị trường này đã đóng góp nhiều hơn vào GDP toàn cầu. Do đó tính đến kết quả cuối cùng thì tác động đến các quốc gia phát triển sẽ là tiêu cực.

Những tác động của làn sóng giảm phát thứ ba vẫn chưa chạm đến nước Mỹ, bất chấp thị trường lao động Mỹ chưa thực sự diễn biến như ý muốn. Nước Mỹ đã cảm nhận được giá xăng dầu xuống thấp, nhưng vẫn chưa bị tác động bởi sự sụt giảm trong giá hàng hóa nhập khẩu từ châu Á. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt và 1 đồng USD mạnh hơn sẽ khiến Mỹ cảm nhận được những tác động này rõ ràng hơn.

Trong khi đó, có thể dễ dàng nhìn thấy cú sốc về lượng trong các số liệu thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển. Mới đây Financial Times đã lưu ý rằng phá giá tiền tệ đã thất bại trong việc thúc đẩy xuất khẩu và còn hạn chế nhập khẩu. Cộng lại, phá giá tiền tệ đang triệt tiêu thương mại toàn cầu.

Bởi vậy, nước Mỹ nên mở rộng thâm hụt thương mại và lấp đầy khoảng trống về lực cầu, bù đắp lại sự giảm sút sức mua ở các nước đang phát triển. Đối với điều này, động thái nâng lãi suất sẽ không thể giúp ích gì.

Cơn sóng giảm phát thứ ba đồng nghĩa với GDP toàn cầu sẽ tiếp tục ở dưới mức sản lượng tiềm năng. Giá cả luôn phải chịu áp lực giảm và các nước đang phát triển sẽ phải giảm nguồn cung để giá có thể ổn định trở lại. GDP toàn cầu giảm thêm là điều không thể tránh khỏi.

Cuộc đua phá giá không phải là một lối thoái cho các nước đang phát triển. Ngược lại, nó khiến cú sốc về giá và khối lượng càng trầm trọng hơn. Fed nâng lãi suất và 1 đồng USD mạnh lên cũng đem lại kết quả tương tự.

Vào đầu năm nay, một số chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về kịch bản giảm phát, nhưng vẫn hi vọng rằng tiêu dùng ở Mỹ phục hồi sẽ giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng chậm chạp và lãi suất thấp vẫn kéo dài dai dẳng.

Cuối cùng thì các nhà đầu tư vẫn đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa. Mức lãi suất âm cho các khoản tiền gửi tại ngân hàng không phải là con đường dẫn đến thịnh vượng, trong khi các tài sản đầu tư ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

Dẫu vậy, câu trả lời cho các nhà đầu tư là hãy đặt cược vào sự cải tiến thay vì hi vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không lầm đường lạc lái. Dù các NHTW đưa ra chính sách như thế nào đi chăng nữa, các công ty vẫn phải đầu tư và đổi mới.

`Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên