Lập start - up: Xu hướng mới của nhân viên ngân hàng đầu tư
Một số người trẻ tuổi xuất sắc nhất và tài năng nhất của phố Wall đang rời khỏi những vị trí danh tiếng và mang lại thu nhập cao tại các định chế lớn để mở công ty riêng.
- 21-02-2014Tại sao nhân viên ngân hàng phố Wall tự tử?
- 18-02-2014Nhân viên ngân hàng JPMorgan nhảy lầu tự tử
- 12-05-2014Thời kỳ khó khăn của các ông lớn ngân hàng đầu tư
- 05-01-2014Lương thưởng nhân viên ngân hàng đầu tư: Luật số nhỏ
- 29-12-2012Ai muốn làm nhân viên ngân hàng đầu tư?
Một ngày thứ 6 của mùa thu năm 2004, Umber Ahmad được mời tới đọc một bài thơ trong lễ cưới của một trong những người bạn thân nhất. Cô dự định sẽ lên máy bay lúc 7h tối từ New York tới Toronto. Tuy nhiên, Ahmad nhận được điện thoại của sếp – một phó giám đốc tại Morgan Stanley. Khách hàng cần tư vấn cho một thương vụ sáp nhập lớn ngay trong cuối tuần. Là chuyên gia về M&A, Ahmad không có lựa chọn nào khác. Cuối cùng, cô phải hủy chuyến bay.
Đám cưới bị bỏ lỡ chỉ là một trong nhiều bữa tối, cuộc tụ họp gia đình và nhiều sự kiện khác mà Ahmad không thể tham dự. Là nhân viên trẻ tuổi của Morgan Stanley và sau đó là một phó giám đốc của Goldman Sachs, cô phải làm việc 70 – 80 tiếng mỗi tuần. Cô ví những giờ làm việc dài đằng đẵng và những đêm thức trắng giống như đang phục vụ cho quân đội.
Cuộc sống của Ahmad xoay quanh công việc. Cô hẹn hò với một người cũng làm trong ngành ngân hàng. Phần lớn bạn bè của cô cũng là nhân viên ngân hàng. Chỉ họ mới có thể hiểu được cảm giác khi những cuộc hẹn bị hủy vào phút chót và các kế hoạch đi nghỉ phá sản.
Tuy nhiên, cô vẫn rất yêu thích công việc của mình.
Ahmad rời Goldman năm 2007 để thành lập công ty đầu tư riêng. Cô không quên rằng trong những giờ nghỉ ngơi hiếm hoi tại ngân hàng, cô thường làm bánh để giải tỏa stress. Bởi vậy, năm 2013, Ahmad phối hợp với đầu bếp nổi tiếng Tom Colicchio thành lập Mah-Ze-Dahr Bakery – công ty bánh ngọt có trụ sở ở New York. Cô cũng là một giám đốc tại công ty đầu tư Specialized Capital Management & Advisory.
Đối với Ahmad, ngân hàng chính là một bước đệm để cô bước sang một trang mới của cuộc đời: là một doanh nhân.
Một số người trẻ tuổi xuất sắc nhất và tài năng nhất của phố Wall đang rời khỏi những vị trí danh tiếng và mang lại thu nhập cao tại các định chế lớn để mở công ty riêng. Công nghệ là lĩnh vực thu hút được nhiều mối quan tâm. Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác về xu thế này, số liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho thấy tại New York, số nhân viên từ tuổi 25 đến 34 làm việc trong ngành tài chính và bảo hiểm đã giảm xuống còn 109.187 người tính đến quý II/2013, thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm 2007.
Hi sinh cuộc sống cá nhân từ lâu vẫn được xem là sự đánh đổi tương xứng đem về danh tiếng và sự giàu có cho những người làm việc trong các ngân hàng đầu tư và công ty chứng khoán. Cuộc cạnh tranh vào chương trình thực tập sinh 2 năm dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc cao học vẫn rất khốc liệt vì mức lương 100.000 – 300.000 mỗi tháng.
Tuy nhiên, ngày càng có ít người sẵn sàng chấp nhận sự đánh đổi ấy. Tỷ lệ các sinh viên tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard bước chân vào ngành ngân hàng đầu tư, kinh doanh hoặc giao dịch chứng khoán đã giảm từ 12% trong năm 2006 xuống còn 5% trong năm 2013, trong khi tỷ lệ vào ngành công nghệ tăng gần 3 lần, lên 18%.
Ở trường kinh doanh Wharton của ĐH Pennsylvania, tỷ lệ học viên cao học vào làm việc tại các ngân hàng đầu tư giảm từ mức 26% của năm 2006 xuống chỉ còn 13,3%, trong khi tỷ lệ của ngành công nghệ tăng hơn gấp đôi, lên 11,1%.
Hamilton Colwell là một ví dụ khác. Anh bắt đầu làm nhân viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan từ năm 2006, khi 27 tuổi. Với công việc là giúp đỡ khách hàng quản trị rủi ro thông qua các hợp đồng phái sinh lãi suất, công việc của anh rất bận rộn kể cả trước và trong khủng hoảng. Năm 2008 và đầu năm 2009, Colwell thường làm việc cả ngày lẫn đêm, chỉ tạt qua nhà để tắm gội và thay quần áo.
Sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Colwell nhận ra rằng anh không thể ở lại ngành này. Kể cả khi thị trường đã bình tĩnh trở lại, Colwell vẫn phải làm việc 13 tiếng mỗi ngày và cả vào cuối tuần. "Tôi đã nhận ra rằng mình cần phải làm điều gì đó ý nghĩa hơn", Colwell nói.
Sau khi rời JPMorgan năm 2010, anh sử dụng số tiền kiếm được nhưng không có thời gian tiêu để thành lập công ty có tên gọi Healthy Mom LLC với sản phẩm sữa chua nổi tiếng Maia Yogurt. Công ty này sản xuất sản phẩm ở một nhà máy bơ sữa đóng tại Harrisburg, Pennsylvania và giờ đây bán ra khoảng 100.000 cốc sữa chua mỗi tuần. Maia Yogurt có mặt tại nhiều siêu thị.
Roger Wu là thực tập sinh tại Goldman Sachs năm 1999 và cũng quyết định từ chối Goldman để tham gia công ty công nghệ chuyển đổi rác thải hữu cơ thành nguyên liệu hóa thạch. Anh cũng đang điều hành Cooperatize Inc. - công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo B2B.
Thu Hương