Liệu Amazon có thể trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực truyền hình hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất rất đơn giản: họ đang làm chuyện đó vì họ... có thể, thế thôi!
- 21-08-2015Doanh nghiệp Amazon xử lý khủng hoảng như thế nào?
- 24-07-2015Sếp Amazon kiếm 7 tỷ USD trong 1 tiếng
- 12-06-2015Amazon bị điều tra vì nghi vấn độc quyền sách điện tử
Khi Jeremy Clarkson thông báo rằng anh và Richard Hammond, cùng James May, đã kí hợp đồng với Amazon Video, nhiều người hâm mộ tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng sau vụ “choảng” nhau khiến họ đột ngột mất việc tại BBC, bộ ba ăn khách này sẽ về đầu quân cho ITV, Sky hay một đối thủ nào đó của BBC.
Tuy nhiên, đối với một số người am hiểu “chuyện hậu trường” thì điều đó chẳng có gì khó hiểu cả. Với tham vọng thâu tóm cả thế giới truyền hình thì việc kí hợp đồng với bộ ba đó chỉ là bước khởi đầu trong quá trình tăng tốc đầu tư vào việc sản xuất phim và các chương trình giải trí của “ông trùm” lĩnh vực bán sách trực tuyến này.
Nhưng tại sao Amazon lại “hùng hổ” tiến vào lĩnh vực phim ảnh và truyền hình đến thế? Điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với khán giả? Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất rất đơn giản: họ đang làm chuyện đó vì họ... có thể, thế thôi!
Suốt 5 năm qua, nhờ những tiến bộ công nghệ mà càng ngày càng có nhiều người xem được những bộ phim và chương trình truyền hình yêu thích của họ qua Internet hơn. Thay vì phải chờ tới đúng một thời điểm nào đó do nhà đài quy định mới được xem thì giờ đây họ có thể xem bất kì chương trình hay bộ phim nào mà họ thích vào bất cứ lúc nào, ở bất kì đâu, miễn là có Internet.
Bằng phương thức ấy, trang web xem phim trực tuyến theo yêu cầu Netflix đã thu hút được hơn 4 triệu người đăng ký ở Anh quốc với kho phim và chương trình khá đồ sộ của mình.
Nhưng Amazon thậm chí còn mạnh hơn cả Netflix. Là trang web có số lượng người truy cập lớn thứ 6 trên thế giới, Amazon hiện đang sở hữu hàng chục triệu khách hàng có Internet, mà hầu hết trong số này đều hài lòng với lượng sản phẩm ngày càng dồi dào của Amazon suốt nhiều năm qua. Amazon cũng từng có dịch vụ cho thuê video trước cả Netflix, với tuyển tập lên đến hàng chục ngàn bộ phim và chương trình truyền hình, được họ đều đặn gửi danh sách đến cho khách hàng tham khảo qua đường bưu điện.
Và cũng nhận thấy rằng kỉ nguyên của DVD hầu như đã đến hồi kết, đang nhường chỗ lại cho sự hấp dẫn của việc được xem những gì mình thích chỉ sau một cú nhấp chuột, Amazon bắt đầu mua lại bản quyền của những bộ phim và chương trình truyền hình. Kết quả là vào năm 2008, họ chính thức cho ra đời dịch vụ Amazon Video theo yêu cầu. Khi đó dịch vụ này vẫn còn nhiều hạn chế.
Sau đó, vào năm 2011, dịch vụ này được đổi tên thành Amazon Instant Video và có thêm 5.000 bộ phim và chương trình truyền hình. Bất kì ai có đăng kí Amazon Prime (với mức phí 79USD/năm) đều cũng có thể xem miễn phí hàng ngàn bộ phim và chương trình truyền hình của Amazon. Tuy nhiên, “cuộc đảo chính” thật sự của Amazon trong lĩnh vực này là vào năm 2014 khi họ thực hiện thành công bộ phim Ripper Street, do trước đó vào tháng 12 năm 2013 BBC đã không tiếp tục làm nó vì có quá ít người xem. “40.000 người đã kí đơn thỉnh cầu là hãy giữ cho nó tiếp tục được “sống”. Với sự yêu thích như thế thì bạn cần phải chú ý tới điều đó,” Chris Bird, giám đốc chiến lược của Amazon, nhớ lại.
Kể từ đó Amazon Instant Video ngày càng trở nên lớn mạnh. Ngoài việc mua thêm bản quyền các bộ phim và chương trình, cũng như Netflix, họ bắt đầu thuê những tài năng hàng đầu trong lĩnh vực này và tự sản xuất các chương trình chất lượng cao, mà thành công nhất trong số đó là vở hài kịch Transparent, vừa đoạt 2 quả cầu vàng trong năm nay.
Woody Allen gần đây thông báo rằng anh sẽ làm việc với Amazon về chương trình truyền hình đầu tiên của mình, và Amazon Studios cũng sẽ sản xuất một vở hài kịch mới của Steven Soderbergh, một bộ phim của Spike Lee và một bộ phim khác chuyển thể từ tiểu thuyết The Man in the High Castle của Philip K Dick, do Ridley Scott sản xuất.
Cũng có nhiều lý do khiến cho những nhân vật nổi tiếng chọn làm việc với Amazon, nhưng đa số họ đều cho rằng Amazon có những thứ mà nơi khác không có. Chẳng hạn như Ben Watkins và Jill Soloway đều nói rằng Amazon đưa ra quyết định rất nhanh và rất sẵn lòng hợp tác trong các dự án truyền hình. Còn Soloway thì nói rằng ông thấy mình đang được làm đúng như những gì mình muốn và cảm thấy rằng mình thật sự đang làm nghệ thuật.
Truyền thống tôn trọng sự tự do trong nghệ thuật cũng là một yếu tố lớn khiến đạo diễn Marc Forster đến với Amazon. Ngoài ra, Amazon cũng thường mời gọi mọi người đóng góp kịch bản, rồi sàng lọc ra từ hàng ngàn ý tưởng đó trước khi viết lại kịch bản chính thức một chút cho khán giả đánh giá. Những tập đầu tiên của các xê-ri phim tiềm năng sẽ được làm cho mọi người xem miễn phí, đánh giá, rồi từ đó mới viết tiếp nội dung cho các tập tiếp theo, khiến khán giả có cảm giác như mình đang góp phần trong đó.
“Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời hoàng kim của truyền hình,” Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon, nói với tờ Telegraph. Và cho dù ông ấy có “đô hộ” Internet hay không thì đó vẫn là tin tuyệt vời cho bất kì ai yêu thích hay làm trong lĩnh vực truyền hình.
Trí Thức Trẻ/Cafebiz