MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu Tidjane Thiam có hồi sinh được Credit Suisse?

14-07-2015 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Các đồng nghiệp của Tidjane Thiam tại Credit Suisse lẫn các nhà đầu tư đang chờ xem liệu Thiam có hồi sinh lại được ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ này.

Tidjane Thiam, CEO mới của Credit Suisse, đã khiến các đồng nghiệp bất ngờ khi ông xuất hiện tại trụ sở Zurich của ngân hàng này sớm hơn 1 tuần so với thời điểm chính thức nhậm chức (ông chính thức đảm nhận vị trí CEO vào ngày 1/7/2015). Giờ các đồng nghiệp và cả các nhà đầu tư đang chờ xem liệu Thiam có làm họ bất ngờ lần nữa với kế hoạch hồi sinh lại ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ này.

Thiam đã từng làm việc cho McKinsey, Ngân hàng Thế giới, 2 công ty bảo hiểm trước thời điểm năm 2009, trong đó từng đảm nhiệm vị trí CEO tại hãng bảo hiểm Anh Prudential. Nhưng ông lại chưa từng điều hành ngân hàng nào. Liệu một người không có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng có thể vực dậy một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới? Đó là một câu hỏi không ít người đặt ra.

“Thật là một lý lịch thú vị cho một người đang đảm nhận trọng trách lèo lái một ngân hàng quốc tế lớn mà lại chưa từng làm việc ở một ngân hàng nào”, Andreas Venditti, chuyên gia phân tích tại Vontobel, nhận xét.

Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị Credit Suisse cho rằng mặc dù Thiam chưa từng có kinh nghiệm về ngân hàng, nhưng ông ấy lại có kinh nghiệm quốc tế và các mối quan hệ sâu rộng, cùng sự thành công của ông trong quá trình lãnh đạo Prudential.

Theo Urs Rohner, Chủ tịch Credit Suisse, Thiam “có chuyên môn rất sâu về quản lý rủi ro” và lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài sản cũng như đã xây dựng được các thị trường mới tại những nơi như châu Á. “Ông ấy là người phù hợp lãnh đạo ngân hàng chúng tôi”, ông nói.

Thực vậy, Thiam rời khỏi Prudential trong tư thế ngẩng cao đầu: Lợi nhuận hoạt động cả năm 2014 của hãng bảo hiểm Anh này tăng 8% đạt 3,2 tỉ bảng Anh (4,8 tỉ USD) so với năm 2013. Trong đó, lợi nhuận hoạt động tại châu Á tăng 17%, đạt 1,14 tỉ bảng Anh.

Tính ra, kể từ khi ông giữ chức CEO Prudential vào tháng 10/2009, lợi nhuận của tập đoàn này đã tăng hơn gấp đôi và giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần. Ông cũng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong danh sách FTSE 100.

Việc Credit Suisse cần những kỹ năng và kinh nghiệm của Thiam đã nói lên thực trạng của ngành ngân hàng toàn cầu hiện nay. Đó là các quy định mới chặt chẽ hơn trong ngành tài chính đang buộc các ngân hàng ngày càng trở nên giống với một công ty bảo hiểm hơn: thận trọng và phải có kiến thức sâu hơn về bảo lãnh phát hành và quản lý rủi ro.

Thiam cho biết ông sẽ bắt tay ngay vào việc và đưa ra các quyết định nhanh chóng về tương lai của Credit Suisse, mặc dù việc chốt lại bất cứ việc gì trước cuộc họp chiến lược hằng năm vào tháng 8 tới đều có thể là một áp lực. Ông cũng nói rõ rằng không ủng hộ cơ chế tập trung quyền lực, mà muốn các nhà điều hành phụ trách mỗi bộ phận phải tự chịu trách nhiệm đối với bộ phận của mình.

Ngoài những điều này, Thiam cho đến nay khá kín tiếng về các câu hỏi lớn hơn mà Credit Suisse đang đối mặt. Đó là liệu Ngân hàng có nên tăng vốn, thực hiện một cuộc thâu tóm lớn hoặc sắp xếp lại một cách triệt để bộ phận ngân hàng đầu tư.

Các nhà điều hành và các cổ đông Credit Suisse có dư thời gian để cân nhắc những vấn đề này. Qua hơn 10 cuộc phỏng vấn với các nhà điều hành và cổ đông, có thể thấy mặc dù các ý kiến đang phân vân giữa vấn đề vốn và tương lai của bộ phận ngân hàng đầu tư, nhưng đã có sự đồng thuận ở một số lĩnh vực.

Điều mà ai cũng đồng tình là không khí làm việc tại Credit Suisse đang thay đổi khi Thiam ra sức thúc đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này. Giá cổ phiếu đã tăng chưa tới 20% kể từ tháng 1/2012, trong khi cổ phiếu của UBS lại tăng gần 80%.

Việc cắt giảm chi phí cũng được nhiều người đồng thuận. “Tính sinh lợi của ngân hàng cá nhân Credit Suisse đều thấp hơn UBS và Julius Baer. Tôi nghĩ Tidjane, với cách nhìn mới, sẽ có thể thấy được nơi đâu cần phải cắt giảm chi phí”, Huw van Steenis, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, nhận xét. Ông nói thêm, Credit Suisse có tỉ lệ chi phí/thu nhập kém thứ hai trong số những ngân hàng lớn của châu Âu.

Hệ số chi phí/thu nhập của Credit Suisse trong mảng ngân hàng đầu tư là khá cao

Một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse cho biết Ngân hàng có hai lựa chọn: cắt giảm chi phí hoặc phải tăng vốn mạnh. “Nhiều người trong ngân hàng phản đối việc tăng vốn. Điều đó có nghĩa là cắt giảm chi phí sẽ được ưu tiên hơn. Và chắc chắn rằng mảng cắt giảm sẽ là ngân hàng đầu tư”, vị này nói thêm.

Người tiền nhiệm Brady Dougan của ông Thiam đã bị chỉ trích vì đã không theo chân UBS trong việc cắt giảm mạnh tay chi phí ở bộ phận ngân hàng đầu tư mà ước tính sẽ chiếm hơn 60% nguồn vốn có sử dụng đòn bẩy tài chính của Credit Suisse thậm chí sau các đợt cắt giảm dự kiến.

“Credit Suisse có phần lớn vốn được phân bổ vào bộ phận có suất sinh lợi thấp nhất này. Đây là một báo động đỏ đối với vị CEO mới”, ông van Steenis nói.

Và với việc mời Thiam về điều hành Credit Suisse là một dấu hiệu cho thấy mảng ngân hàng đầu tư, một lĩnh vực không phải là thế mạnh của Thiam, sẽ được cắt giảm mạnh tay hơn.

Thiam cho biết ông không e ngại đối với mảng ngân hàng đầu tư. “Nếu bạn nói về ngân hàng đầu tư, Prudential có bảng cân đối kế toán tới 800 tỉ USD và chúng tôi đều có cùng vấn đề phải xử lý, dù đó là vấn đề về lãi suất hay các thị trường. Có rất nhiều điều tương đồng với nhau”, ông nói.

Tuy nhiên, việc ông ấy không chuyên sâu vào mảng ngân hàng đầu tư sẽ khiến ông có thể sẽ thực hiện các cuộc cắt giảm mạnh tay hơn so với người tiền nhiệm Dougan.

“Credit Suisse sẽ không mời một nhà bảo hiểm châu Á về làm CEO, nếu họ không muốn giảm mạnh quy mô của bộ phận ngân hàng đầu tư và chuyển phần vốn này sang cho mảng quản lý tài sản cá nhân”, Matthew Beesley, đứng đầu mảng cổ phiếu toàn cầu tại Henderson Global Investors, nhận xét.

Các nhà điều hành nói rằng mảng tài sản cá nhân của Credit Suisse đã bị buộc phải chơi “phòng thủ” trong những năm gần đây, trong bối cảnh Ngân hàng phải lo giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ giúp các công dân nước ngoài trốn thuế. Và “nay chúng tôi đã sẵn sàng chơi tấn công”, một nhà điều hành của Credit Suisse nói.

Việc có thêm vốn sẽ giúp cho Credit Suisse tăng tốc ở những thị trường như Úc, châu Á và một số thị trường ở châu Phi. Một cuộc thâu tóm cũng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù theo nguồn tin thân cận, Credit Suisse vẫn chưa có mục tiêu thâu tóm cụ thể nào. Tuy nhiên, con đường thâu tóm có nghĩa là sẽ cần thêm vốn mới và viễn cảnh ông Thiam phải gõ cửa các nhà đầu tư gọi vốn đã là đề tài nói chuyện giữa Ngân hàng với các nhà đầu tư kể từ khi ông được chỉ định vào vị trí CEO.

“Có nhiều phản ứng khác nhau. Việc gọi vốn kết hợp với đưa ra một chiến lược tốt để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận là rất quan trọng”, một nhà điều hành nói.

Trước mắt, các nhà đầu tư và giới phân tích đều kỳ vọng ở khả năng lèo lái của Thiam. Bằng chứng là cổ phiếu của Credit Suisse đã tăng khá mạnh sau khi thông tin bổ nhiệm Thiam làm CEO được công bố. “Dàn quản lý mới sẽ mang đến một chiến lược mới”, Matt Spick, chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank, tin tưởng.

 

Theo Ngô Ngọc Châu

Nhịp cầu đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên