MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi, hại của đồng ruble mất giá với nền kinh tế Nga

23-12-2014 - 07:10 AM | Tài chính quốc tế

Sự mất niềm tin vào đồng ruble càng kéo dài thì thiệt hại lên dự trữ ngoại hối nói riêng, và cả nền kinh tế nói chung do lãi suất bị đẩy lên cao, càng nặng nề.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Đồng ruble Nga mất giá nặng nề đã gây không ít khó khăn cho người dân thường Nga. Với khoảng 30-40% rổ hàng hóa tiêu dùng ở Nga được cho là hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nên khi đồng ruble mất giá, giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là thực phẩm chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Hồi tháng 10, khi đồng ruble mới chỉ mất giá khoảng 20% so với USD, một chuyên gia Nga đã ước tính sự mất giá 20% của đồng ruble sẽ làm cho giá thực phẩm ở Nga tăng khoảng 30%. Bởi vậy, khi đồng ruble mất giá thì đối tượng bị thiệt hại trước tiên và nhiều nhất sẽ là người dân thường có thu nhập thấp và cố định khi những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.

Điều nghịch lý là lạm phát (đặc biệt là với thực phẩm) lại bị chính chính phủ Nga hun nóng thêm khi họ quyết định trả đũa trừng phạt của phương Tây hồi tháng 9 bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU và Mỹ. Với nhiều mặt hàng thực phẩm, việc trả đũa này đã ngay lập tực đẩy giá cả của những thực phẩm này lên cao ở Nga trong những tháng qua (ví dụ, theo Cục phòng chống độc quyền liên bang, giá thịt và gia cầm đã tăng lên từ 20% đến 40%, tùy từng loại, trong 2 tuần sau khi Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng này), mà chưa cần đợi đến khi đồng ruble mất giá nặng nề như hiện tại.

Đáng lo ngại hơn, đồng ruble mất giá còn gây ra sự hoảng loạn của dân chúng vì lo ngại lạm phát tăng, và điều này lại càng xui khiến người dân mua vét USD để phòng ngừa tài sản của mình bốc hơi và/hoặc kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng để bán đi kiếm lời. Để dập tắt được cơn chảy máu ngoại tệ này, chính phủ Nga (Bộ tài chính và Ngân hàng Trung ương) buộc phải can thiệp bán USD ra từ các quỹ (dự trữ) ngoại hối của mình, đồng thời nâng mạnh lãi suất tiền gửi đồng ruble, để ổn định lại tỷ giá và tâm lý người dân.

Sự mất niềm tin vào đồng ruble càng kéo dài thì thiệt hại lên dự trữ ngoại hối nói riêng, và cả nền kinh tế nói chung do lãi suất bị đẩy lên cao, càng nặng nề, nên câu hỏi ở đây là liệu chính phủ Nga có thể cầm cự được bao lâu? Nếu không có một giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc việc đồng ruble bị mất đi những lực đỡ vốn có (giá dầu thô và sự vững vàng của nền kinh tế Nga) thì cho dù được cho rằng có hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nước Nga sẽ chỉ có thể đủ khả năng để ngăn không cho đồng ruble rơi tự do (và đi kèm đó là sự suy kiệt quỹ dự trữ), chứ không thể vực nó trở lại được ngưỡng trên 30 ruble/USD như hồi đầu năm nay.

Như vậy, có thể thấy tác động tiêu cực lớn nhất của đồng ruble mất giá mạnh là dẫn đến lạm phát cao, lãi suất cao dẫn đến suy thoái kinh tế, và sự bốc hơi của các quỹ dự trữ ngoại hối của nước này.

Tuy vậy, sự mất giá mạnh của đồng ruble lại làm lợi cho một số chủ thể kinh tế khác. Đồng ruble mất giá mạnh sẽ tác động tích cực tới ngân sách chính phủ Nga, bù đắp cho sự thất thu lớn từ giá dầu thô tụt giảm (đóng góp từ xuất khẩu dầu thô chiếm hơn 50% nguồn thu chính phủ Nga), cũng như cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga.

Cũng hồi tháng 10 khi cả đồng ruble và giá dầu thô đều đã tụt giảm đáng kể, Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov đã được trích dẫn khi cho biết nếu giá dầu thô giảm 1 USD thì dẫn đến một khoản thất thu lên tới 70 tỷ ruble cho ngân sách Nga. Nhưng đồng thời, khi tỷ giá ruble/USD giảm đi 1 ruble thì thu ngân sách Nga lại được hưởng lợi tới 200 tỷ ruble.

Tính toán trên sẽ dễ hiểu hơn nhìn thuần túy vấn đề từ quan hệ giữa phá giá và kích thích xuất khẩu. Khi đồng bản tệ bị phá giá, giá trị xuất khẩu một đơn vị sản lượng tính bằng bản tệ sẽ tăng lên tương ứng với mức độ bị phá giá, giả thiết rằng giá đơn vị xuất khẩu tính bằng USD không thay đổi. Hiện tượng người Việt tranh thủ mua vét hàng điện tử ở Nga, hay trước đó, trong cơn khủng hoảng tài chính ở khu vực năm 1997, người ta đổ xô đi mua hàng hiệu ở Thái Lan, vì giá của nhiều mặt hàng niêm yết bằng bản tệ nhưng trở nên rẻ bất ngờ nếu quy ra USD, là một minh họa cho việc hàng hóa (sản xuất tại) nội địa sẽ trở nên cạnh tranh hơn nhiều so với hàng hóa tương ứng ở các thị trường nước ngoài khác khi đồng bản tệ bị phá giá.

Trở lại với mặt hàng dầu thô, Với mức độ mất giá của đồng ruble Nga lên tới hơn 50% so với USD tính từ đầu năm như gần đây thì biên độ giảm giá này thừa bù trừ cho mức độ suy giảm giá dầu thô xuất khẩu tính bằng USD trên thị trường thế giới hiện nay (khoảng 40%). Nói cách khác, trừ khi nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu, thu nhập của họ bằng đồng ruble thậm chí lại còn tăng lên nhờ đồng ruble bị mất giá mạnh hơn mức mất giá của dầu thô.

Mối lợi tương tự cũng sẽ được gặt hái bởi nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga, vì giá thành khai thác và xuất khẩu dầu của họ được tính bằng đồng ruble trong khi giá xuất khẩu được tính bằng USD. Khi mức độ phá giá đồng ruble lớn hơn mức độ sụt giảm giá dầu thô xuất khẩu thì nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn thu về được nhiều hơn ruble so với khi mọi thứ ổn định. Cho dù sau này, tỷ giá đồng ruble có được ổn định, nhưng vẫn đứng ở mức thấp hơn so với trước đây, thì sự thiệt hại của nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga từ việc giá dầu thô suy giảm vẫn được giảm thiểu nhờ nguồn thu tính theo ruble vẫn tăng lên đáng kể.

Tóm lại, việc đồng ruble mất giá mạnh đã và sẽ còn gây ra tình cảnh kẻ khóc người cười, nhưng nhìn chung là điều “lành ít, dữ nhiều” nên, cũng giống như với mọi trường hợp khủng hoảng tiền tệ trên thế giới, có thể kỳ vọng rằng sau cơn bĩ cực này nước Nga sẽ có những cải cách kinh tế và chính trị căn bản để giảm mức độ phụ thuộc của nền kinh tế của họ vào biến động giá dầu bằng cách thúc đẩy các ngành kinh tế phi dầu mỏ, và duy trì một quan hệ nồng ấm hơn với phương Tây.


TS. PHAN MINH NGỌC

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên