MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗi tại ai, FED hay PBOC?

30-09-2015 - 11:08 AM | Tài chính quốc tế

Một bài viết trên tờ Asia Times cho rằng chính FED mới là nguyên nhân chủ chốt khiến thị trường toàn cầu trở nên bất ổn chứ không phải Trung Quốc.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát mục tiêu. Trong bài phát biểu ngày 24/9, Chủ tịch FED Janet Yellen dự đoán tỷ lệ lạm phát tại Mỹ cuối cùng sẽ đạt mức mục tiêu 2% trong những năm tới bất chấp tỷ lệ này đã đứng gần mức 0% trong 1 năm qua.

Cho rằng nguyên nhân chính khiến Mỹ không đạt được mức lạm phát mục tiêu là do giá năng lượng giảm cùng đồng USD tăng, nên bà Yellen cho biết FED vẫn theo lộ trình tăng lãi suất từ nay đến cuối năm và tự tin vào việc hoàn thành mục tiêu lạm phát 2% trong thời gian tới.

Theo hãng tin CNBC, FED đã đánh giá tình hình quá lạc quan. Cách đây 3 năm, FED dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ đạt khoảng 3-3,8%/năm, nhưng hiện tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán chỉ khoảng 2,1%. Tương tự, tỷ lệ lạm phát của Mỹ năm 2015 được dự đoán từ năm 2012 ở mức 1,8-2%, nhưng lạm phát thực tế hiện nay tại Mỹ lại không cao như vậy.

Những số liệu kinh tế mới đây cho thấy thu nhập cá nhân tại Mỹ trong tháng 8/2015 đã tăng 0,3% nhưng vẫn thấp hơn so với dự đoán. Tiêu dùng cá nhân tại đây cũng tăng 0,4% trong tháng 8, còn tỷ lệ gửi tiết kiệm của người tiêu dùng vẫn ở mức 4,6%, thấp nhất kể từ tháng 4/2015. Với những số liệu trên, đáng lẽ tỷ lệ lạm phát tại Mỹ phải đi lên, nhưng cả tỷ lệ lạm phát chung và lạm phát cơ bản tính theo tiêu dùng cá nhân (PCE) đều dưới mức mục tiêu 2% của FED.

Theo tờ thời báo Washington Post, những số liệu lạm phát cho thấy rõ ràng FED không chỉ dự đoán sai mà những sai lệch này cũng liên tiếp tái diễn. Bất chấp thị trường lao động Mỹ ngày càng hồi phục, lạm phát vẫn chưa chịu tăng mạnh theo như dự đoán của FED. Hậu quả là ngân hàng trung ương Mỹ đã liên tục phải hoãn nâng lãi suất từ đầu năm 2015 đến nay, dù kinh tế Mỹ rõ ràng đang tăng trưởng tốt.

Trước những sai lệch giữa khả năng tăng lãi suất và quyết định hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ, FED cho rằng các vấn đề kinh tế quốc tế như giá dầu và đồng USD là nguyên nhân chủ chốt cho tình trạng lạm phát thấp. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế toàn cầu là lý do FED hoãn nâng lãi suất, vậy ngân hàng trung ương Mỹ không thể làm gì nhiều để kích thích tỷ lệ lạm phát như dự đoán.

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, thị trường lao động đã hồi phục và lãi suất cũng đã ở mức thấp. Hiện FED khó có khả năng thực hiện những động thái mạnh như chương trình nới lỏng định lượng hay hạ lãi suất xuống mức âm để kích thích kinh tế mạnh hơn nữa, qua đó thúc đẩy lạm phát để rồi lại thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Đặc biệt, chính những dự đoán quá sớm của FED về việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến ngân hàng trung ương này gặp khó khi thực hiện trên thực tế. Khả năng FED tăng lãi suất, cùng tình hình kinh tế Mỹ tốt lên, khiến đồng USD tăng giá, qua đó làm suy giảm khả năng đạt mức lạm phát mục tiêu để FED nâng lãi suất.

Ở một khía cạnh khác, giáo sư kinh tế Robert Murphy của trường Đại học Boston cho rằng FED đang gặp vấn đề khi đánh giá tình hình kinh tế và nên chờ đợi thêm nữa trước khi quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách có động thái sai lầm, họ sẽ buộc phải sửa sai và điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường cũng như nền kinh tế.

Ông Murphy cho biết tỷ lệ lạm phát không thể tăng đột biến từ 1,5% lên 4-8%, vì vậy các quan chức FED cần thận trọng khi đưa ra quyết định của mình.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Joseph LaVorgna của ngân hàng Deutsche Bank cũng cho rằng tỷ lệ lạm phát tại Mỹ sẽ không đạt mục tiêu của FED trong thời gian sớm.

Lỗi tại FED hay PBOC?

Theo tờ Asia Times, chính FED là nguyên nhân chủ chốt khiến thị trường toàn cầu trở nên bất ổn chứ không phải Trung Quốc. Khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn đã khiến thị trường trở nên bất ổn hơn, đồng USD tăng giá còn hàng hóa giảm.

Trớ trêu thay, tuyên bố sau cuộc họp ngày 17/9 của FED lại cho rằng tình hình bất ổn của kinh tế thế giới là nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương này hoãn tăng lãi suất.

Tờ Asia Times cho rằng quan điểm kinh tế Trung Quốc giảm tốc là nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu gặp bất ổn là không đủ sức thuyết phục. Trung Quốc tăng trưởng chậm chủ yếu là do xuất khẩu của nước này giảm tốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn tăng trưởng. Doanh số bán lẻ tại quốc gia này đã tăng 10,5% từ đầu năm 2015 đến nay.

Đồng thời, Asia Times dự đoán có thể FED sẽ không nâng lãi suất, thay vào đó, việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến FED phải tuyên bố tình hình đã thay đổi và điều chỉnh kế hoạch của mình.

Trước đó, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đã cảnh báo FED về những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu nếu Mỹ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm.

Tuy nhiên, nếu FED là nguyên nhân chính cho những biến động của kinh tế toàn cầu, đáng lẽ ra thị trường đã phải có những đợt điều chỉnh mạnh từ trước khi PBOC phá giá Nhân dân tệ trong tháng 8/2015 thay vì những phiên gần đây.

Theo tờ Market Mogul, chính việc Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và neo Nhân dân tệ vào đồng USD đã khiến nước này gặp khó trong các chính sách, đặc biệt là tại thời điểm chuyển đổi cơ cấu kinh tế như hiện nay.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc

Đồng USD lên giá khiến Nhân dân tệ tăng theo và hàng xuất khẩu Trung Quốc mất vị thế cạnh tranh về giá. Trước tình hình đó, PBOC buộc phải phá giá Nhân dân tệ và động thái này đã làm nhà đầu tư cũng như nhiều đối tác thương mại với Trung Quốc lo lắng.

Hậu quả là các đợt bán tháo diễn ra liên tiếp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng đến hàng loạt các thị trường khác. Nhiều nước có giao dịch thương mại lớn với Trung Quốc cũng phải điều chỉnh lại tỷ giá nhằm giữ lợi thế xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc chính quyền Bắc Kinh chi hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối cứu thị trường và tỷ giá đã làm xói mòn những nỗ lực kích thích kinh tế nhờ hạ lãi suất trước đó.

Tờ Financial Times đưa ra những bằng chứng cho thấy các số liệu kinh tế được công bố chính thức của Trung Quốc là thiếu chính xác và có thể tình hình tại nước này tồi tệ hơn dự đoán.

Số liệu dự đoán của Giáo sư kinh tế Harry Wu của trường đại học Hitotsubashi tại Tokyo

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tăng trưởng không bền vững khi phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực tài chính, một ngành có nhiều biến động và cũng đang khiến chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu giải quyết các rắc rối. Trong khi đó, những lĩnh vực quan trọng khác như xây dựng và công nghiệp lại càng ngày càng đóng góp ít hơn cho tăng trưởng GDP.

Tóm lại, những động thái của PBOC đã đóng vai trò quan trọng trong biến động của thị trường Trung Quốc cũng như thế giới, nhưng sự không chắc chắn của FED cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.

Theo Market Mogul, có lẽ phải chờ đến khi FED thực sự nâng lãi suất thì các chuyên gia mới so sánh được tác động giữa quyết định này với động thái phá giá Nhân dân tệ của PBOC.

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên